Hỗ trợ trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài tìm về cội nguồn
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ban hành quyết định phê duyệt “Đề án hỗ trợ trẻ em Việt Nam được giải quyết làm con nuôi ở nước ngoài tìm về cội nguồn”.
Theo đó, mục tiêu chung của đề án là nhằm thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài cũng như thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước năm 1989 của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Công ước La Hay số 33 ngày 29/5/1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế) và Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
Bộ Tư pháp cho biết, điều 11 Luật nuôi con nuôi quy định con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình; không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước.
Tuy nhiên việc cung cấp thông tin về nguồn gốc của con nuôi là một nhiệm vụ thực hiện còn rất khó khăn, tốn nhiều thời gian do thông tin chỉ được lưu trữ trên giấy tờ, hơn nữa số lượng hồ sơ lại rất lớn. Các trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin về nguồn gốc đều cần phải được xác minh trước ở địa phương. Do trình tự thủ tục thực hiện còn thiếu, chưa rõ thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan trong nhiệm vụ này nên thời hạn xác minh kéo dài, nhiều trường hợp xác minh không có kết quả.
Ngoài ra, việc chia sẻ và cung cấp thông tin về nguồn gốc của con nuôi theo điều 11 Luật nuôi con nuôi chưa có hướng dẫn cụ thể nhằm bảo đảm bí mật đời tư cho con nuôi.
“Việc con nuôi về thăm quê hương đất nước nếu không được chuẩn bị kỹ càng về tâm lý cũng như về tổ chức sẽ để lại những tác động tiêu cực cho trẻ em khi gặp gỡ gia đình, người thân của mình”- Bộ Tư pháp nhìn nhận.
Từ trước đến nay, việc con nuôi trở về thăm quê hương đất nước được tiến hành chủ yếu theo hướng tự phát, con nuôi, cha, mẹ đẻ hoặc người thân của con nuôi ở Việt Nam không được chuẩn bị tâm lý kỹ càng. Điều này để lại cho con nuôi những dấu ấn nặng nề khi trở về thăm lại quê hương đất nước hoặc khi tìm lại nguồn gốc của chính mình. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi cũng chưa từng tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em là con nuôi ở nước ngoài về thăm quê hương đất nước.
Theo kinh nghiệm quốc tế, cơ quan trung ương của các nước gốc như Trung Quốc, Thái Lan đều đã tiến hành hoạt động tổ chức cho con nuôi ở nước ngoài về thăm quê hương đất nước, nhằm duy trì mối liên hệ và giữ gìn bản sắc cho con nuôi. Các nước nhận cũng tiến hành các hoạt động duy trì bản sắc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài như dạy tiếng Việt, tổ chức các ngày lễ hội truyền thống Việt Nam.
Chính vì thế đề án của Bộ Tư pháp dự kiến sẽ tổ chức thực hiện thí điểm chương trình tìm về cội nguồn cho trẻ em Việt Nam được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài vào năm 2016 tại TPHCM. Sau đó sẽ nhân rộng chương trình nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương đất nước.
Đồng thời xây dựng kế hoạch số hóa hồ sơ nhận con nuôi nhằm lưu giữ thông tin về nguồn gốc của con nuôi. Hoạt động này nhằm mục đích chuyển lưu trữ hồ sơ con nuôi giấy sang hồ sơ số hóa để tra cứu thuận tiện, dễ dàng mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm không gian lưu trữ, bảo vệ thông tin suốt đời, tránh hiện tượng hồ sơ thất lạc, mục nát.
“Khi có hồ sơ con nuôi được số hóa, việc cung cấp thông tin về nguồn gốc của con nuôi sẽ được tra cứu dễ dàng, thuận tiện”- Bộ Tư pháp đánh giá.
Được biết kinh phí thực hiện đề án sẽ được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài và các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động khác (nếu có).
Thế Kha