(Dân trí) - Horst Faas là một phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP (Mỹ), chuyên chụp về chiến tranh Việt Nam. Qua ảnh của ông, hồ Gươm đã biến đổi khá nhiều khi nửa thế kỷ đã trôi qua.
Horst Faas là một phóng viên ảnh nổi tiếng của hãng thông tấn AP (Mỹ), những bức ảnh sắc sảo của ông chụp về chiến tranh Việt Nam thời kỳ 1960 - 1970 đã được truyền đi khắp thế giới. Năm 1973 ông có dịp trở lại Việt Nam và chụp một loạt ảnh vào thời điểm sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), người Hà Nội tận hưởng sự bình yên khi các cuộc tấn công phá hoại của không quân Mỹ chấm dứt, trong đó rất nhiều hình ảnh Hồ Gươm đã lọt vào ống kính của ông. Qua ảnh tư liệu của ông và ảnh của phóng viên Dân trí chụp so sánh lại mới đây, hồ Gươm đã biến đổi khá nhiều khi nửa thế kỷ đã trôi qua.
Ảnh cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn chụp tháng 3/1973, có một người lính đang dạo bước trên cầu. Ảnh: Horst Fass.
Cầu Thê Húc dẫn và đền Ngọc Sơn ở thời điểm hiện tại có hình dáng vẫn được giữ nguyên, chỉ cây đa phía sau là thay đổi. Ảnh: Hữu Nghị.
Ảnh được chụp tháng 3/1973 những công nhân sửa chữa đường tại đoạn phố Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng, phía bên phải là tòa nhà Bách hóa tổng hợp. Trong ảnh chỉ thấy một loại phương tiện giao thông là xe đạp cùng rất nhiều người đi bộ. Ảnh: Horst Faas.
Vẫn góc phố ven hồ Gươm là Đinh Tiên Hoàng và Tràng Tiền, tòa nhà Bách hóa tổng hợp phía bên phải đã xây lại thành một trung tâm thương mại, đổi tên thành Trang Tien Plaza. Ảnh: Hữu Nghị.
Hai cậu bé chơi bóng bàn trên chiếc ghế đá cổ đối diện bờ hồ ở góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ, vợt đánh bóng là hai tấm bìa, 27/3/1973. Ảnh: Horst Faas.
Chiếc ghế đá xưa đã được thay mới, vẫn mang kiểu dáng xưa nhưng nó không còn phải tận dụng để chơi bóng bàn nữa. Ảnh: Hữu Nghị.
Ảnh đền Ngọc Sơn được chụp thời điểm 29/3/1973, có một vài người dân vào thăm quan đền Ngọc Sơn khi Hà Nội tạm ngớt tiếng bom. Ảnh: Horst Faas.
Đền Ngọc Sơn thời điểm hiện tại, gạch lát nền đã được thay mới, mái nhà cũng đã thay đổi. Ảnh: Hữu Nghị.
Người đàn ông ngồi đọc báo Nhân Dân bên hồ Gươm, đối diện là đền Ngọc Sơn, 16/3/1973. Chiếc xe đạp có gắn biển số trên gióng được dựng bên cạnh. Ảnh: Hosrt Faas.
Góc hồ Gươm thời điểm hiện tại, các loại phương tiện đã bị cấm trên vỉa hè ven hồ. Ảnh: Hữu Nghị.
Hiện nay toàn bộ ghế đã được thay mới ở quanh bờ hồ, người dân đọc báo trên điện thoại di động, báo giấy gần như không còn. Ảnh: Hữu Nghị.
Một khoảnh khắc hiếm hoi ngày 29/3/1973. Người được chụp trong bức ảnh này có lẽ là một quân nhân yêu nhiếp ảnh với hai chiếc máy ảnh mang theo người. Thời điểm này, đoạn bờ hồ có lan can bảo vệ. Ảnh: Horst Fass.
Anh Trần Tiểu Long đứng vào đúng vị trí người quân nhân cầm máy ảnh năm xưa. Anh Long là một nhiếp ảnh gia làm nghề ở khu vực hồ Hoàn Kiếm thâm niên 20 năm nay. Anh cho biết hồ Gươm hiện tại thay đổi nhiều, ngày càng sạch đẹp. Ảnh: Hữu Nghị.
Vị trí trước điện thờ của đền Ngọc Sơn, người họa sĩ đường phố vẽ chân dung một người đàn ông, và một bé gái nhỏ đứng cạnh đó, 29/3/1973. Ảnh: Hosrt Faas.
Phía trước đền Ngọc Sơn thời điểm hiện tại. Ảnh: Hữu Nghị.
Hai bà cháu trên hè phố Đinh Tiên Hoàng, đối diện bến xe điện bờ hồ Gươm, 16/3/1973. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hà Nội đã có cuộc sống bình yên trở lại. Ảnh: Hosrt Faas.
Phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay đã thay đổi nhiều, không còn những bộ cửa gỗ, các cửa hàng kinh doanh cũng thay đổi mặt hàng. Ảnh: Hữu Nghị.
Hồ Gươm ngày 29/3/1973, người dân chèo thuyền thư giãn trên mặt nước, hướng chụp từ cầu Thê Húc, bên kia hồ là ga tàu điện. Ảnh: Horst Faas.
Hồ Gươm hiện tại đã không còn cho các loại thuyền dịch vụ trên mặt hồ, ga tàu điện không còn, có rất nhiều đổi thay. Ảnh: Hữu Nghị.
Trục đường Hàng Đào - Đồng Xuân có đường xe điện chạy qua , 2/4/1973. Ảnh: Hosrt Faas.
Cũng trục đường Hàng Đào - Đồng Xuân hiện tại, đường ray tàu điện đã bỏ, giao thông chuyển thành một chiều. Ảnh: Hữu Nghị.