1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây mặn vượt chuẩn

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp có chức năng trữ nước chống hạn, phục vụ 200.000 dân. Tuy nhiên trước tình trạng nắng nóng kéo dài, nước trong hồ đang bị mặn ngày càng nghiêm trọng.

Chiều 18/3, ông Hồ Ngọc Hậu, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre - đơn vị quản lý hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, xác nhận với phóng viên Dân trí việc nước trong hồ chứa này đang bị mặn vượt chuẩn.

Hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây mặn vượt chuẩn - 1

Hồ Kênh Lấp (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Nước ở sông Ba Lai và mương nội đồng xung quanh hồ Kênh Lấp đã bị xâm nhập mặn, tuy nhiên hồ không bị rò rỉ. Nước hồ bị mặn là do đất lòng hồ đã nhiễm mặn từ trước.

Do nắng nóng, nước bốc hơi mạnh nên cứ sau khoảng 2 tuần độ mặn sẽ tăng 0,1‰. Hiện nước hồ đang mặn ở mức hơn 0,6‰, vượt chuẩn một chút", ông Hậu nói.

Ông Hậu cho biết thêm, quy chuẩn nước sinh hoạt của Bến Tre là độ mặn dưới 0,5‰. Dù nước trong hồ Kênh Lấp bị mặn nhưng đang là nguồn nước sinh hoạt tốt nhất trong khu vực.

Trong thời gian tới, nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, nước hồ có thể tăng độ mặn. Tuy nhiên đơn vị quản lý dự đoán độ mặn sẽ không vượt quá 1‰ trong mùa khô năm nay.

Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) được xây dựng từ năm 2017 với kinh phí 85 tỷ đồng. Hồ có chức năng trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mùa khô cho khoảng 200.000 dân sống trong khu vực.

Hồ Kênh Lấp bắt đầu trữ nước từ năm 2019, dung tích 800.000m³. Những năm qua hồ đã góp phần lớn giúp người dân trong vùng chống chọi hạn mặn.

Trong mùa mưa, đơn vị vận hành hồ liên tục lấy nước vào và tháo nước ra để thau rửa độ mặn tồn dư trong đất đáy hồ. Qua thời gian độ mặn nước hồ vào mùa khô ngày càng giảm.