1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hình ảnh xấu xí tại các lễ hội: Vì sao nên nỗi?

(Dân trí) - PGS.TS Lê Quý Đức – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, việc xô đẩy, chen lấn, giằng giật “lộc thánh” hay “rải” tiền lẻ ở các đền, chùa… thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, đồng thời cũng phản ánh sự mê tín, cuồng tín, lòng tham một cách thái quá đang xảy ra trong đời sống xã hội.

Nhiều người đang đua nhau "đút lót" thần thánh

Cướp đồ lễ tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần, đánh nhau trong lễ hội cướp Phết Hiền Quan, chen chân sắp đồ lễ tại Đền Bà Chúa Kho, hội Lim, phủ Tây Hồ, rải tiền lẻ khắp các đền chùa, chen lấn xô đẩy mọi nơi... chỉ là một vài trong rất nhiều câu chuyện không vui của mùa lễ hội, bản thân ông có suy nghĩ gì?

PGS.TS Lê Quý Đức: Tôi thấy đây là một biểu hiện tiêu cực trong đời sống lễ hội của chúng ta, hay cũng có thể gọi là sự xuống cấp của những giá trị văn hóa trong mùa lễ hội. Đáng buồn nhất là điều này đã diễn ra nhiều năm và cũng được các phương tiện truyền thông, đại chúng đề cập nhiều. Các cơ quan quản lý cũng đã cố gắng tìm ra nhiều giải pháp khắc phục, nhưng có lẽ sự khắc phục đó vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, những hiện tượng này trong vài năm gần đây lại ngày càng có xu hướng trở nên tiêu cực, phổ biến hơn so với trước kia. Điều này thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, nó cũng thể hiện sự mê tín, cuồng tín một cách thái quá trong xã hội.

Tôi lấy ví dụ như trong lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định). Đây là lễ hội có ý nghĩa nhân văn là cầu cho quốc thái dân an, giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, động viên mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt. Thế nhưng, vài năm gần đây, rất nhiều người dân đến với lễ khai ấn đền Trần chỉ với tâm niệm là mong muốn được… thăng quan tiến chức. Và để đạt được mong muốn của mình, họ sẵn sàng cướp ấn, leo cả lên bàn thờ để giằng giật “lộc Thánh”.

Đáng buồn hơn là ở những nơi lộn xộn nhất lại chính là nơi dành cho những vị đại biểu, những người nhận giấy mời từ BTC. Họ như bị vô thức tập thể, không biết xấu hổ và danh dự là gì.

Xưa ông bà ta có dạy rằng “Đi đến chốn tâm linh đừng cầu tài lộc mà chỉ cầu bình an”. Nhưng giờ xem ra ngược lại, người ta cầu đủ thứ từ học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt. Thậm chí, để sòng phẳng họ “dúi tiền” vào tay tượng Phật. Có thể cắt nghĩa vấn đề này thế nào, thưa ông?

PGS.TS Lê Quý Đức: Hiện nay việc đi lễ chùa bị ảnh hưởng nhiều bởi những thói dung tục, lòng tham... của con người nên dẫn đến hiện tượng bát nháo, lộn xộn. Cũng có thể gọi đây là hiện tượng “tham nhũng tinh thần tâm linh” mà tôi đã từng đề cập. Chẳng hạn, người ta muốn được thần thánh ban phát nhiều lộc hơn người khác, hay được thần thánh che chở tội lỗi khỏi bị trừng phạt của luật pháp. Họ đua nhau “mua chuộc”, “đút lót”, “hối lộ” thần thánh, chỉ muốn thần thành phù hộ cho riêng mình hay chí ít là phù hộ nhiều hơn người khác. Thế mới có câu chuyện bi hài là một số nơi thờ tự đền, miếu người ta phải trồng, chăm sóc, bảo vệ những cây lộc tốt nhất để đầu xuân cho những yếu nhân đến hái lộc và tất nhiên cành lộc đó phải nhiều, phải tốt tươi hơn cành lộc bình thường.

Hay việc phát ấn Đền Trần, người ta phải ưu tiên quan chức, cán bộ vào nhận ấn. Đáng buồn thay, “đám đông” cán bộ ấy lại chen lấn, xô đẩy để giành lộc thánh thần. Lẽ ra, địa vị, chức vụ phải được làm nên bởi đạo đức, năng lực và uy tín của họ do phấn đầu rèn luyện trong thực tiễn xã hội. Đằng này, một bộ phận được cho là “tiên tiến” trong xã hội lại phải nhờ cậy thần thánh, tranh đoạt với nhau, thậm chí còn cầu mong thần thánh để loại bỏ nhau.

PGS.Ts Lê Quý Đức cho rằng những biến tướng xảy ra trong mùa lễ hội, thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, đồng thời cũng phản ánh sự mê tín, cuồng tín một cách thái quá đang xảy ra đời sống xã hội
PGS.Ts Lê Quý Đức cho rằng những biến tướng xảy ra trong mùa lễ hội, thể hiện sự xuống cấp về đạo đức, đồng thời cũng phản ánh sự mê tín, cuồng tín một cách thái quá đang xảy ra đời sống xã hội

Ở một góc độ khác, có không ít người sẵn sàng chi các khoản lớn (hàng trăm triệu) để cúng lễ, cung tiến thần thánh, dâng sao giải hạn… Họ quan niệm, càng lễ to càng tránh được hạn, càng dễ thăng quan tiến chức. Có người cho rằng, phần lớn trong số này là những người kiếm lời bất chính, làm điều không tốt nên mới có tâm lý bất an, lo sợ và tìm đến thánh thần để cầu mong sự che chở hay tự an ủi mình một cách mù quáng mà thôi.

Chính vì thế, đáng lẽ việc đi lễ chùa là một nét văn hóa đẹp, thể hiện sự “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ đến những vị có công với đất nước thì nay bị biến tướng, bị bóp méo, một cách sai lệch.

"Chưa ở đâu có nhiều lễ hội như Việt Nam"

Chúng ta đã nói nhiều về câu chuyện giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc trong các lễ hội. Nhưng từng mùa lễ hội đi qua và những hình ảnh xấu xí, méo mó vẫn cứ tồn tại. Theo ông, thực tế, mấu chốt của vấn đề này là gì?

PGS.TS Lê Quý Đức: Hiện nay việc đi lễ chùa bị ảnh hưởng nhiều bởi những thói dung tục, lòng tham của con người dẫn đến rất nhiều hiện tượng tiêu cực theo đó mà nảy sinh.

Trước hết, về phương diện quản lý, chúng ta chưa có những biện pháp và giải pháp để quản lý lễ hội cho phù hợp. Ở đây mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý và người dân chưa được đồng nhất. Điều này dẫn đến có nơi thì để thả cho người dân tự tổ chức, có nơi thì quản lý khá chặt. Thậm chí có nơi lại biến việc tổ chức lễ hội thành hoạt động kinh tế, làm giàu cho địa phương mình dẫn đến tình trạng thương mại hóa lễ hội.


Để giành giật lộc hay rải tiền lẻ, thắp hương trong đêm phát ấn Đền Trần, nhiều người còn leo lên cả ban thờ (Ảnh minh họa: Mạnh Thắng)

Để giành giật lộc hay rải tiền lẻ, thắp hương trong đêm phát ấn Đền Trần, nhiều người còn leo lên cả ban thờ (Ảnh minh họa: Mạnh Thắng)

Thứ hai, tôi cho rằng việc giáo dục tâm linh, ý thức văn hóa của người dân chưa được chú trọng. Có một thời kỳ chúng ta không quan tâm đến lễ hội và đánh đồng chung với hiện tượng mê tín, dị đoan. Bây giờ trong điều kiện đổi mới, chúng ta thay đổi cách nhìn nhận, nhưng điều này cũng dẫn đến một “lỗ hổng” trong nhận thức của người dân. Nhiều người không hiểu hết văn hóa lễ hội, dẫn đến việc đưa cả những thói quen dung tục: như đánh nhau, chen lấn, cướp đoạt, “đút lót” thánh thần, hay khấn thuê rất phản cảm.

Ngoài ra, ngày nay, trong một xã hội hiện đại, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng kéo theo nhiều hệ lụy, xã hội tồn tại nhiều bất ổn: tai nạn giao thông, thực phẩm bẩn, tệ nạn cũng tăng lên… khiến cho con người luôn cảm thấy bất an, vì thế họ lại càng có nhu cầu đi tìm một “giá đỡ”, sự che chở của thần linh.

Mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho mất đi phần nào những giá trị thiêng của đời sống văn hóa, vì thế mới có sự bát nháo, mê tín trong xã hội. Mà ở đây là sự mê tín đến mức hạ thấp giá trị nhân cách, hạ thấp sự tự tin của bản thân. Điều này cũng có thể nói đã làm suy giảm giá trị nhân văn trong đời sống của chúng ta.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 8.000 lễ hội, nếu chia trung bình mỗi ngày có đến 20 lễ hội. Ông suy nghĩ gì về con số này?

Lễ hội chính là sản phẩm của một nền văn hóa dân gian đa dạng. Vì thế, theo tôi con số 8.000 lễ hội một mặt phản ánh đời sống văn hóa, tâm linh của đất nước chúng ta hết sức đa dạng. Điều này làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Việt Nam. Song mặt khác, nếu chúng ta sử dụng hết các con số này thì quá nhiều và không phù hợp với thời đại ngày nay.


Cuộc chiến trong lễ hội cướp Phết - Hiền Quan (Phú Thọ) (Ảnh: Hữu Nghị)

"Cuộc chiến" trong lễ hội cướp Phết - Hiền Quan (Phú Thọ) (Ảnh: Hữu Nghị)

Ngày xưa, trong xã hội truyền thống, người ta có một thời kỳ nông nhàn nên dành thời gian đi chơi. Vì thế mới có câu ca: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”. Nhưng trong đời sống của xã hội hiện đại đã có nhiều thay đổi. Trong lúc thế giới đang có sự vươn lên, cạnh tranh mạnh mẽ, nếu chúng ta cứ “mải vui” bám theo các lễ hội, các công sở vắng hoe, các xí nghiệp lo không có lao động… thì sẽ sớm tụt hậu. Điều này, là một lực cản cho sự phát triển kinh tế.

Theo tôi, trong số này, chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ bớt đi nhiều lễ hội không còn phù hợp. Số còn lại nếu có tổ chức thì cũng nên cân nhắc về quy mô và thời gian để tránh lãng phí.

Theo ông chúng ta phải làm gì để lễ hội thực sự trở thành món ăn tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời phát huy được những giá trị nhân văn, nhân bản theo đúng nghĩa của nó?

PGS.TS Lê Quý Đức: Lễ hội truyền thống là hiện tượng lịch sử, hiện tượng văn hóa có mặt ở Việt Nam từ lâu đời và nó có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Để làm cho lễ hội của chúng ta mang giá trị nhân văn, nhân bản thì còn là một quá trình lâu dài. Trước hết, theo tôi người dân cần phải tìm hiểu về giá trị của lễ hội, nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các hoạt động này để có những ứng xử cho phù hợp.

Ranh giới giữa tín ngưỡng, tâm linh và mê tín dị đoan rất mong manh. Nếu không có cách nhìn lịch sử, khoa học thì những giá trị truyền thống rất dễ bị hiểu một cách sai lệch từ đó dẫn đến những hành động méo mó, phản cảm.

Thứ hai, chính quyền địa phương cần đổi mới phương thức tổ chức, lập kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội, lấy yếu tố truyền tải bản sắc văn hóa, thực hành trung thực, sinh động phong tục, tập quán cổ truyền nhằm gây ấn tượng những người cùng tham gia lễ hội. Cuối cùng là phải quản lý thật và có những biện pháp giám sát, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Tránh việc lạm dụng lễ hội để “buôn thần, bán thánh”, hay thương mại hóa lễ hội một cách phản cảm.

Hà Trang - Xuân Ngọc