“Hiệp sĩ” bắt cướp sẽ... bỏ nghề?
Người đã rửa di ảnh của mình, chuẩn bị cho cuộc đời “bắt cướp đến chết mới thôi” nay lại chua chát tự nhận mình là “một người may mắn khi bắt cướp nhưng lại rất thất bại trong việc làm kinh tế lo cho gia đình” và tâm sự có lẽ phải bỏ nghề.
Gặp Nguyễn Văn Minh Tiến, người được mệnh danh là Lục Vân Tiên giữa đời thường để tìm hiểu thêm về nhóm bắt cướp mới “thành lập” của anh, nhưng trò chuyện một lúc anh lại nói muốn… bỏ nghề! Điều gì khiến chàng hiệp sĩ thế kỷ 21 lại nản chí anh hùng đến vậy?
Gia tài: 300 tên cướp, 200 bằng khen
Bắt được hơn 300 tên cướp. Nhận được hơn 200 bằng khen từ Trung ương đến địa phương. Đó là gia tài lớn của Nguyễn Văn Minh Tiến sau 12 năm bắt cướp mà không phải ai cũng có được. Anh treo bằng khen, giấy khen và hình ảnh của những lần gặp các vị lãnh đạo khắp nhà như tự động viên mình sau những lần đổ máu, bị thương và bị đe dọa cả mạng sống của mình khi rượt đuổi bọn cướp.
Mới đây, trong một lần truy đuổi cướp, do bị tai nạn giao thông anh bị gãy xương quai hàm phải nằm viện cả tháng trời. Anh nhớ lại: “Lúc đó mắt tôi có nhìn thấy được gì đâu. Chỉ biết có nhiều người đến thăm mình. Họ là người lao động nghèo, buôn bán, móc bọc,… họ khóc bên tai tôi nghe nhiều lắm. Người thì cho vài ngàn đồng kiếm được, người thì cho gói xôi… Rồi các cô, chú lãnh đạo TP cũng xuống thăm. Ai cũng thương, cũng quý. Nên dù có chết tôi cũng muốn đi bắt hết bọn cướp”.
Người thương anh cũng lắm mà kẻ ghét anh cũng nhiều. Những kẻ ghét anh thì bảo là đồ khùng, điên, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Cũng có khá nhiều người nghi ngờ động cơ của anh “chắc có tiêu cực gì đó nên mới siêng đi bắt cướp dữ vậy…”. Anh bảo: “Người ta chửi tôi trên mạng thiếu gì. Nhưng tôi sống ngay thẳng, cây ngay không sợ chết đứng. Còn nếu tôi có làm gì phạm pháp thì trước sau gì pháp luật cũng trừng trị”.
Thấy anh cứ lo chuyện thiên hạ mà hơn mười năm vẫn ở nhà căn nhà thuê cũ nát, một tên anh chị gần đó bảo: “Ê Tiến, tao chỉ cho mày cách chống dột mà khỏi tốn tiền. Mày đem mấy cái bằng khen lên lợp trên nóc là hết dột à…”. Bỏ ngoài tay những lời mỉa mai, anh tâm niệm: “Người ta có tiền thì người ta làm từ thiện bằng tiền. Mình không có tiền thì bỏ công ra làm từ thiện giúp đời” .
Và đến tháng 2/2009, anh Nguyễn Văn Minh Tiến đã thành lập một nhóm bắt cướp. Đến nay nhóm đã có 18 thành viên. Các thành viên là người chạy xe ôm, nhân viên phục vụ, thợ sửa khóa,… được tuyển chọn theo tiêu chuẩn có nghề nghiệp, không có tiền án tiền sự, có lòng quả cảm, say mê bắt cướp…
|
Mạnh mẽ và khí khái như vậy nhưng cũng có lúc anh cũng đau xé lòng, tưởng như không đi bắt cướp nữa. Đó là khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất. Anh cứ nhớ mãi lần anh đi hội nghị gặp “bác Kiệt”. “Bác Kiệt bảo tôi: Xã hội cần những người như cháu. Cháu hãy cố gắng, đừng để mất lòng tin yêu của mọi người dành cho mình….”. Rồi người còn nói tóm tắt về tôi trong 3 câu nói mà đến giờ tôi chưa hề nói với ai. 3 câu nói ấy về việc tôi được gì mất gì khi đi làm công việc bắt cướp, tôi như thế nào và cuộc sống của tôi sau này sẽ ra sao… Bây giờ nghĩ lại tôi thấy thật ứng nghiệm với cuộc đời của mình. Người cứ như là thánh sống. Tôi coi người như là cha nuôi của tôi”.
Vậy mà “bác Kiệt” đã ra đi. Minh Tiến rất đau đớn. Một hôm, khi đang ngồi nhậu, bỗng Minh Tiến nghe được tiếng kêu cứu thất thanh: “Cướp, cướp…!”. Bản năng muốn bảo vệ người khác để có được cuộc sống an lành lại trỗi dậy, anh lao ngay ra khỏi quán.
Người anh tỉnh hẳn dù đã nhậu một chầu quắc cần câu. Cứ nhào chân qua muốn đạp xe là bị thằng cướp ngồi phía sau cầm dao đâm vào chân. Anh đuổi theo 2 tên cướp qua mấy con đường. Đau và mệt mỏi vì cuộc rượt đuổi liên tục, anh đâm quạu, quăng xe, nhào qua ôm cả hai. Một thằng thấy vậy bỏ chạy, một thằng bị anh đè, té ngã phải thúc thủ, bị dân hai bên đường túm lại…
Anh biết bắt cướp đã là cái nghiệp của mình rồi.
Phải chi có chương trình “Miếng đất mơ ước”…
Thế nhưng chẳng ai có thể sống bằng ánh hào quang mãi được. Không lo làm sao được khi bà chủ nhà bảo vợ chồng anh dọn đi nơi khác, trả nhà lại trong tháng này. “Cơm áo không đùa với khách thơ”, càng không đùa với một người cả ngày chỉ ăn cơm nhà, lo chuyện thiên hạ như anh. Người đã rửa di ảnh của mình, chuẩn bị cho cuộc đời “bắt cướp đến chết mới thôi” nay lại chua chát tự nhận xét mình là “một người may mắn khi bắt cướp nhưng lại rất thất bại trong việc làm kinh tế lo cho gia đình”.
Hơn mười năm nay anh đổ xăng, sửa xe đi bắt cướp bằng tiền “cò” bán xe phân khối, sửa điện tử của mình. Nhưng đi bắt cướp suốt thì làm gì còn mối sửa điện tử. Khoản tiền gạo, tiền chợ, tiền học của con đành trông vào cái sạp báo của vợ. Gần đây, mặt bằng sạp báo bị lấy lại, chị phải bán báo ở lề đường. Tiền lời không được bao nhiêu, nhiều khi còn bị đóng phạt vì chiếm dụng lòng lề đường.
Ai cũng biết anh là người cần thiết cho xã hội nhưng đồng cảm và chia sẻ với công việc của anh thì hiếm.
Lần bị tai nạn thập tử nhất sinh khi đi bắt cướp năm ngoái khiến anh không thể ăn được gì dai hay cứng. Thỉnh thoảng vết thương còn hành làm anh buốt cả hàm. Luôn canh cánh chuyện nhà cửa, sức khỏe của bản thân đã làm cho anh không còn ý chí thẳng bước trên con đường hành nghiệp trượng nghĩa của mình như trước.
Anh cười gượng, mệt mỏi nói: “Phải ưu tiên lo chuyện nhà cửa trước thôi. Tôi đang xin TP cấp hoặc cho thuê một căn nhà giá rẻ. Nếu không được chắc tôi phải dành thời gian này lo cho vợ con có một căn nhà đàng hoàng, yên ấm…”.
Mới đây, HTV đã đề nghị đưa anh vào danh sách tham gia chương trình Ngôi nhà mơ ước. Nhưng điều trớ trêu là anh không có miếng đất cắm dùi thì lấy gì mà xây nhà. Anh tếu táo với sự tréo ngoe này: “Phải chi có chương trình Miếng đất mơ ước để tôi tham gia trước, rồi tham gia Ngôi nhà mơ ước sau thì hay biết mấy…”
Chẳng biết đi đâu, về đâu trong thời gian sắp đến nhưng vừa lãnh được tiền thưởng trong chương trình Câu chuyện mơ ước anh lại chia sẻ cho một thành viên trong nhóm bắt cướp vừa mới hùn vào một chiếc xe cho cả đội, nay lại kẹt tiền. Anh cười bảo: “Cả nhóm 18 người, chí ít cũng cần 9 chiếc xe mà giờ mới có 3 chiếc. Biết sao giờ… trong khi anh em kẹt tiền mà mình có thì phải san sẻ chứ. Còn chuyện gì tới nữa thì sẽ tính sau vậy…”.
Chia tay khách, anh lại lên xe, đi làm từ thiện theo kiểu của anh, để bảo vệ sự an bình cho xã hội, cho hạnh phúc của nhiều người. Dù biết rằng chặng đường phía trước là một hành trình dài và lắm chông gai…
Trung tá Nguyễn Văn Tiềm, Trưởng Công an phường Tân Quý, quận Tân Phú, cho biết: “Cũng có biết là anh Nguyễn Văn Minh Tiến đang có khó khăn về nhà cửa, cần hỗ trợ nhưng việc này ngoài thẩm quyền của phường giải quyết.
Về phần phường, quận đều có thăm hỏi, động viên gia đình anh những dịp lễ, tết. Còn các hỗ trợ chính sách khác thì không nghe anh Tiến yêu cầu gì, anh cũng không nằm trong tổ chức nào nên không được sự hỗ trợ. Riêng bảo hiểm y tế, theo tôi thì hiện nay người ta đã bán rộng rãi cho mọi đối tượng, ai cũng có thể mua cho mình…”.
Theo Người lao động