1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hiến kế kiểm tra hải sản để có câu trả lời chính xác "an toàn hay chưa"

(Dân trí) - Việc này cần sự phối hợp toàn bộ 4 tỉnh, lấy mẫu liên tục trong 1 tuần đến 10 ngày ở các tàu thuyền đánh bắt hải sản vào bờ, ở các cảng cá… Và phải lấy tất cả các mẫu, địa phương gửi phân tích mẫu về Bộ Y tế để phân tích, kiểm nghiệm thêm. Sau đó Bộ Y tế sẽ có kết quả cuối cùng và đưa ra câu trả lời.

Ngư dân được đánh bắt bình thường, không giới hạn dưới 20 hải lý

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có kết luận về phương án khai thác hải sản cho ngư dân 4 tỉnh bị ô nhiễm biển tại cuộc họp “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường". Do vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, sinh kế người dân nên Bộ NN&PTNT đã đưa ra 4 phương án để lấy ý kiến 4 tỉnh. Kết luận, phương án cuối cùng là tổng hợp của cả 4 phương án và trên nhiều ý kiến của 4 tỉnh.

“Về khai thác hải sản trên biển, Bộ NN&PTNT sẽ làm hướng dẫn cho ngư dân khai thác trên các vùng biển bình thường và không phân biệt trong hay ngoài 20 hải lý như trước đây. Vì sau khi Bộ TN&MT công bố biển đã sạch, an toàn mà chúng ta lại cấm, lại chia vùng là không đủ cơ sở” – ông Tám khẳng định.

Thứ hai, ngư dân được khuyến cáo là không nên khai thác ở 3 vùng biển nước xoáy như Bộ TN&MT đã công bố ngày 22/8 là vùng Sơn Dương – Hà Tĩnh (300 km2), vùng cửa biển Nhật Lệ - Quảng Bình (330 km2) và vùng đảo Sơn Chà – Thừa Thiên Huế (160 km2).

Bộ NN&PTNT đã gửi công văn đến Bộ TN&MT đề nghị công bố 3 vùng này với tọa độ chính xác để hướng dẫn tới từng địa phương.

Thứ ba, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ngư dân chưa nên khai thác tầng đáy. “Bộ đã tham khảo ý kiến của các nhà khoa học là tầng đáy bị tổn thương nhiều nhất. Hệ sinh thái san hô và các hệ sinh thái khác, các nguồn lợi thủy sản đang phục hồi và đang phát triển những hải sản nhỏ, nên chúng ta nên bảo vệ, có thời gian bảo vệ. Cho nên không khai thác tầng đáy không phải chỉ liên quan về vấn đề an toàn thực phẩm mà liên quan đến hệ sinh thái chung dưới đáy biển” – ông Tám cho hay.

Kết luận của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám về chọn phương án cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển thời gian tới

Cần công bố hải sản có an toàn hay không?

Thứ trưởng Tám chỉ đạo cần tăng cường biện phám giám sát, lấy mẫu hải sản và cập nhật trên cơ sở kết quả của điều tra nghiên cứu giai đoạn 2 của Bộ TN&MT về độ an toàn của môi trường biển, nước biển.

Việc này, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về kế hoạch lấy mẫu, giám sát. Căn cứ vào đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu giám sát, giúp Bộ Y tế có thể công bố độ an toàn về thủy hải sản.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị có ý kiến cần công bố kết quả hải sản có an toàn hay không. Việc này cần sự phối hợp toàn bộ 4 tỉnh, lấy mẫu liên tục trong 1 tuần đến 10 ngày ở các tàu thuyền đánh bắt hải sản vào bờ, ở các cảng cá… Và phải lấy tất cả các mẫu, địa phương gửi phân tích mẫu về Bộ Y tế để phân tích, kiểm nghiệm thêm. Sau đó Bộ Y tế sẽ có kết quả cuối cùng và đưa ra câu trả lời.

Các ý kiến đề nghị làm rõ nguồn hải sản hiện nay đã an toàn hay chưa?
Các ý kiến đề nghị làm rõ nguồn hải sản hiện nay đã an toàn hay chưa?

Không để tình trạng ngư dân bị ảnh hưởng nhưng không được bồi thường

Vấn đề xác định cụ thể đối tượng thiệt hại được nhiều đại biểu quan tâm trong cuộc họp này. Nhiều ý kiến cho rằng nên xác định thêm một số đối tượng cũng như vùng bị ảnh hưởng. Ông Vũ Văn Tám trả lời: “Chúng tôi tiếp thu ý kiến bổ sung các đối tượng, làm rõ hơn các đối tượng trực tiếp, gián tiếp bị thiệt hại và các khái niệm. Về đối tượng bổ sung như chủ tàu và người lao động trên 90 CV, kho lạnh, các cá nhân làm ruốc, dịch vụ du lịch thương mại, người làm muối, người bơm nước… Những đối tượng này sẽ báo cáo Chính phủ. Các tỉnh sẽ làm văn bản đóng dấu đỏ gửi về Bộ NN&PTNT, cố gắng sớm nhất ngày 29/8 phải có bằng e-mail. Sớm nhất trong tuần tới Bộ sẽ có văn bản giải thích chặt chẽ hơn”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo, 4 tỉnh phải xác định không có người dân nào trực tiếp hay gián tiếp chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển mà không được bồi thường, hỗ trợ. Phải phát huy dân chủ từ cơ sở, công khai minh bạch. Sau khi thống kê các đối tượng thiệt hại thì thống kê, niêm yết công khai để người dân biết.


Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo không được để sót các trường hợp bị ảnh hưởng nhưng không được đền bù, hỗ trợ.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo không được để sót các trường hợp bị ảnh hưởng nhưng không được đền bù, hỗ trợ.

Về thời gian tiến độ, theo hướng dẫn của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đến 10/9 các địa phương phải tổng hợp và gửi toàn bộ các mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Do nhiều ý kiến cho rằng như vậy quá gấp gáp nên ông Tám trao đổi, việc này Bộ sẽ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ kéo dài thêm nhưng trong tháng 9 này phải trình được Chính phủ toàn bộ chi phí bồi thường thiệt hại và hỗ trợ để giải ngân số tiền 500 triệu USD mà Formosa đã bồi thường. Bộ NN&PTNT hứa với 4 tỉnh sẽ cử đoàn công tác đến 4 tỉnh để cùng làm nhanh.

Về định mức, dự kiến Bộ Tài chính sẽ có tổ công tác vào các địa phương hướng dẫn, bàn phương án phù hợp.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã thu thập thiệt hại toàn bộ người dân trên khảo sát ở 4 tỉnh cũng như nhận được đánh giá thiệt hại từ 3 trên 4 tỉnh (Hà Tĩnh chưa gửi báo cáo về Bộ).

Về vấn đề chuyển việc làm, Bộ sẽ chuyển nguồn vốn ưu đãi lớn nhất cho người dân 4 tỉnh. Về xuất khẩu lao động, Bộ này định hướng sẽ xuất khẩu lao động sang nước có đánh bắt gần bờ, xa bờ như Hàn Quốc, Thái Lan… cho người dân vẫn giữ nguyên nghề cũ, để khi biển sạch, ngư dân trở về nước thì vẫn làm lại được nghề biển cũ.

Đại diện Bộ VH,TT&DL cho hay việc tác động từ ô nhiễm biển đến du lịch là rất lớn từ lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống (các nhà hàng ven biển), vận chuyển (tàu lửa, xe hơi, xe ôm…), dịch vụ lẻ (mua sắm, người chụp ảnh dạo ven biển, người cho thuê ghế ở bãi biển…).

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình thiệt hại còn đỡ do có nguồn khách quốc tế. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và cả Nghệ An do chủ yếu đón khách nội địa nên chịu tác động rất lớn. Bộ này đề nghị nên có điều tra sâu hơn về đối tượng là người dân cung ứng dịch vụ cho khách du lịch.

Về phương án miễn giảm thuế, đề nghị nên dùng từ chính xác là giảm thuế VAT 50% và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì các doanh nghiệp du lịch trong mùa du lịch hè 2016 trùng với sự cố môi trường biển nên rất ít thu nhập, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp không quan trọng bằng việc đề nghị giảm 50% thuế VAT cho doanh nghiệp.

Đại diện nhiều Bộ ban ngành và các sở tại 4 tỉnh tham gia nhiều ý kiến đóng góp tại hội nghị quan trọng này
Đại diện nhiều Bộ ban ngành và các sở tại 4 tỉnh tham gia nhiều ý kiến đóng góp tại hội nghị quan trọng này

Đại Dương