Hi vọng hồi sinh “vùng đất chết”
(Dân trí) - Tội phạm liên quan đến ma túy và số người nghiện ma túy ở Lượng Minh đã giảm đáng kể. Cuộc chiến chống tội phạm ma túy và hệ lụy của nó vẫn đang hết sức quyết liệt, khẩn trương nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng chúng ta có quyền hi vọng vào sự hồi sinh của vùng đất đã từng là thủ phủ ma túy này.
Năm 2017, toàn xã Lượng Minh có đến 68 người đang chấp hành án phạt tù liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; 29 người mãn hạn tù trở về địa phương. Số người nghiện ma túy đang được theo dõi tại xã là 148 người (chưa tính số người nghiện đã rời địa bàn).
Năm 2017, xã đã đưa được 20 người đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm; tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 12 người.
Đến nay, Lượng Minh đã xây dựng được 3 mô hình bản không có tệ nạn ma túy, mại dâm ở Minh Tiến, Cà Moong và Xốp Cháo; mô hình quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai nghiện tại bản Xốp Mạt; mô hình bản duy trì không có tệ nạn xã hội tại Cà Moong và Xốp Cháo. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh Trần Mạnh Cường, so với những năm trước đây, số tụ điểm ma túy lẫn số người nghiện trên địa bàn đã giảm nhiều nhưng hệ lụy của nó không biết đến bao giờ mới giải quyết được.
Trung tá Trần Phúc Tú – Trưởng Công an huyện Tương Dương đã rất trăn trở khi tôi đề cập đến hệ lụy ma túy tại Lượng Minh. Ở nơi ma túy đã ăn sâu, bám rễ và hủy hoại cả một thế hệ và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ thứ 2 thì cuộc chiến với nó vẫn còn gian nan lắm.
“Cuộc chiến chống ma túy ở đây vẫn quyết liệt, cam go và lâu dài lắm, chỉ mỗi lực lượng công an thì không làm được. Điều kiện sống quá khó khăn trong khi lợi nhuận từ ma túy quá cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân tham gia mua bán, vận chuyển ma túy.
Bởi vậy, bên cạnh đẩy mạnh việc truy quét tội phạm ma túy, giảm số người nghiện, phải tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy; phải nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo để người dân không cùng quẫn hay bị lôi kéo vào con đường mua bán, vận chuyển ma túy. Để giải quyết lâu dài, căn cơ phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội”.
Trước đây, bản Xốp Mạt là một trong những điểm nóng ma túy của xã Lượng Minh và của cả huyện Tương Dương. Xốp Mạt nằm dưới chân núi Pù Lôm – điểm trung chuyển ma túy từ Lào qua Kỳ Sơn sang Tương Dương rồi đi về xuôi. Trước khi về xuôi, ma túy đã “càn quét” bản làng vùng cao này.
Thủa ấy, Xốp Mạt có vỏn vẹn 37 hộ dân thì có đến 30 hộ có người đi tù vì ma túy. Thậm chí, có gia đình tới 3 người đi tù vì ma túy, 8 người nghiện. Xốp Mạt vật vờ những thanh niên điềm nhiên hút, chích ma túy, lay lắt những phận già, con trẻ nương tựa vào nhau trong nghèo đói. Ma túy, rồi sạt lở đất dường như xóa sổ bản làng này.
Trước tình hình đó, để cắt khỏi tuyến đường trung chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam và đảm bảo an toàn cho người dân trước tình trạng sạt lở đất, tỉnh Nghệ An đã chi 56 tỷ đồng tổ chức di dời cả bản đến nơi mới, cách nơi cũ 6km, gần trung tâm xã hơn.
Xốp Mạt hôm nay là những căn nhà sàn lợp ngói, có 44 hộ, 115 nhân khẩu, đường sá được bê tông hóa. “Từ khi chuyển về đây (năm 2014) chỉ có thêm 2 người nghiện mới, hiện cả bản vẫn còn 7 người nghiện, gần 10 người đã thi hành xong các bản án liên quan đến ma túy. So với trước đây thì đã giảm nhiều rồi nhưng vẫn khó khăn lắm. Hệ lụy của nó thì vẫn cần nhiều thời gian để giải quyết nhưng cán bộ bản, chính quyền địa phương đang cố gắng hết sức”, trưởng bản Lô Văn Phê cho hay.
Hệ lụy rõ ràng nhất ở Xốp Mạt có lẽ là những đứa trẻ mồ côi hay có cha mẹ đang đi tù về ma túy; là những người già vẫn đang còm cõi mưu sinh, thay con nuôi cháu… Có lẽ, cũng phải một thời gian dài nữa, Xốp Mạt mới có thể thoát khỏi bóng ma mang tên ma túy.
Cả bố lẫn mẹ đều lần lượt vào tù vì ma túy từ khi Lương Văn Mậu (bản Xốp Mạt) đang còn rất nhỏ. Bản thân em bị dị tật 2 chân, không thể đi lại được. Bố mẹ đi tù, Mậu và anh trai ở với bà cùng mấy người anh chị em họ chung cảnh ngộ. Cậu bé bất hạnh nhưng giàu nghị lực ấy đã vượt qua nghịch cảnh học hết tiểu học, trung học cơ sở rồi ra thị trấn học lên cấp 3.
Năm ngoái, Mậu xuống TP.Vinh theo học nghề sửa chữa điện dân dụng, hệ cao đẳng, mang theo ước mơ có thể kiếm được một công việc lương thiện. Câu chuyện về nỗ lực vượt số phận của Mậu như một điểm sáng giữa những u tối, nghèo đói và đau đớn của tệ nạn ma túy nơi đây.
Nhờ chính sách bán trú, nhiều học sinh ở Lượng Minh đã có thể đến trường, tiếp tục nuôi giấc mơ thoát khỏi vũng lầy ma túy như cậu bé giàu nghị lực Lương Văn Mậu. Từ năm học 2016 – 2017, học sinh 10 bản xa được ăn, ở bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lượng Minh dưới sự quản lý của các thầy cô giáo.
“247/278 học sinh toàn trường thuộc diện bán trú, được hỗ trợ 484 nghìn đồng tiền ăn/tháng nhưng thực tế có em ở lại trường mỗi tháng đến 30 ngày, ngày 3 bữa thì việc không để các em đứt bữa nhà trường cũng phải “vận dụng”, tính toán nát óc. Ở đây, điều quan trọng nhất là đảm bảo duy trì sĩ số rồi mới đến chất lượng giáo dục”, thầy Trần Quốc Hùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lượng Minh nói.
Không chỉ lo cho các em ngày 3 bữa ăn, bảo ban các em học hành mà các thầy cô giáo ở đây phải ngăn chặn các em các nguy cơ xấu từ bên ngoài. “Có thời điểm, học sinh nợ tiền các quán tạp hóa trước cổng trường nhiều lắm. Nợ nần, không có tiền trả thì dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào những việc làm phi pháp. Nhà trường phải đề nghị UBND xã cho di dời các hàng quán trước cổng trường.
Ở đây, chưa hết kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết học sinh đã đến trường vì đến trường được ăn cơm no, không bị đứt bữa, quan trọng hơn là các em hứng thú với việc đi học. Thầy cô cũng phải rút ngắn thời gian nghỉ để lên quản lý các em, mệt nhưng mà vui”, thầy Trần Đức Dương – Hiệu phó nhà trường nói tiếp.
Bố Lô Thanh M. (lớp 9, Trường PTDTBT THCS Lượng Minh) đang thụ án tại Trại giam số 6 (đóng ở huyện Thanh Chương), mẹ thụ án mãi trong Quảng Bình. Nhà Lô Thanh M. ở bản Đửa, xa lắm. Hôm em ở nhà bà, hôm lại sang tá túc nhà bác. Nếu không có chính sách bán trú của nhà nước và sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, có lẽ con đường đến trường của M. đã phải khép lại.
M. bảo học hết lớp 9, em sẽ xin bác ra thị trấn học tiếp cấp 3 rồi đi học nghề, kiếm một công việc tử tế. Khó khăn với M. hay với hàng chục em học sinh – nạn nhân của ma túy ở đây vẫn còn nhiều lắm nhưng nhìn vào đôi mắt đầy quyết tâm của M., tôi tin em sẽ làm được.
5 năm hay 10 năm nữa, chính các em sẽ là người vực dậy bản làng sau cơn lốc ma túy dai dẳng kia…
Hoàng Lam