1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Hãy ngăn chặn tội ác từ mầm nhỏ nhất”

(Dân trí) - Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh như vậy. Ông cũng đã đề cập nhiều vấn đề đằng sau lời khai của bị can Lê Văn Luyện…<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1788/Dien-bien-vu-tham-sat-ca-gia-dinh-tiem-vang-o-Bac-Giang.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Diễn biến vụ thảm sát cả gia đình tiệm vàng ở Bắc Giang</b></a>

Thưa ông, nếu phải mổ xẻ nguyên nhân thì điều gì có thể lý giải cho việc một thanh niên được nhiều người nhận xét là khá hiền lành, ít nói, chưa từng có vết đen như Lê Văn Luyện lại có thể gây ra vụ án cướp tiệm vàng kinh hoàng như vậy?

Vụ việc xảy ra khiến tất cả những người có lương tri đều hết sức phẫn nộ vì hung thủ chủ động lên kế hoạch, hành động phạm tội quyết liệt, tàn ác, mất hết tính người. Thật khó tưởng tượng nổi một thanh niên mới lớn có thể gây ra một vụ án như vậy.
 
“Hãy ngăn chặn tội ác từ mầm nhỏ nhất” - 1
GS Thuyết: "Xử nghiêm khắc đến đâu cũng là xử lý việc đã rồi".  

Nguyên nhân dẫn đến tội ác, tôi cho là có khá nhiều. Nếu nói về sự xuất hiện ngày càng nhiều bạo lực trong thời gian gần đây thì trước hết phải nói đến nguyên nhân xã hội. Bước vào nền kinh tế thị trường, những chuẩn mực đạo đức hình thành từ thời kỳ đầu xây dựng xã hội XHCN đến nay đã bị bào mòn, trong khi những chuẩn mực văn minh của xã hội mới lại chưa kịp định hình. Xã hội thiếu vắng những gương tốt mà đời sống lại khá khó khăn nên dễ nảy sinh những chuyện bế tắc, bực dọc, ứng xử thô bạo hoặc “đói ăn vụng, túng làm liều”.

Thêm nữa, lâu nay phim ảnh, kể cả ngoài rạp lẫn trên truyền hình (đặc biệt là các kênh thu trực tiếp từ nước ngoài) nhiều bạo lực quá. Một bộ phim lịch sử nước ngoài vừa được kênh phim truyện trình chiếu cũng toàn những cảnh đầu rơi máu chảy, 2 bên mỗi lần xông vào nhau đều hô to: “Giết! Giết!”. Rồi game bạo lực các cháu tiếp xúc hằng ngày. Những yếu tố ấy cứ thấm mỗi ngày một chút, dẫn đến những hành vi không kiểm soát nổi.

Nhưng hành xử bất nhân, tàn bạo như hung thủ Luyện thì thật là hiếm có.

Đúng như vậy. Đã bước vào tuổi 18, không thể nói hung thủ không nhận thức được hành vi của mình?

“Nói chung, trước tội ác quá man rợ như thế này, dư luận xã hội rất khó tha thứ. Nhưng tôi vẫn hi vọng quá trình cải tạo có thể thay đổi được Luyện, giúp cậu ta làm lại cuộc đời”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Nguyên nhân trực tiếp là ở chính thanh niên này sống buông thả, vô luân.

Nhưng việc giáo dục của gia đình cũng có vấn đề. Bình thường, người làm cha mẹ, nghe nói con ăn cắp của ai thôi, cũng đã rụng rời chân tay. Đằng này, biết con cướp của giết người mà còn chôn giấu vàng giúp nó, giặt sạch quần áo để xoá dấu tích tội ác cho nó,… như thế thì không thể chấp nhận được. Việc đó cũng giải thích phần nào nguyên nhân dẫn đến hành vi của hung thủ.

Lời khai ban đầu của hung thủ nói cướp tiệm vàng là để trả nợ và chơi game “Kiếm thế”. Ông có thể nói gì về động cơ gây án này?

Có thể đấy là động cơ trực tiếp thật nhưng hành vi của Luyện trong vụ này có tính chất lưu manh, côn đồ vì nếu chỉ để trả nợ và chơi game thì không đến mức phải vơ vét hết toàn bộ số vàng đến hơn 50 lượng trong tiệm, càng không bao giờ có chuyện ra tay sát hại cả gia đình người ta như thế.

Trong vụ án cụ thể này, với những tình tiết phạm tội mà hung thủ đã khai, nhiều người vẫn muốn đề cập tới mức hình phạt cao nhất dành cho hung thủ theo quy định là không quá 18 năm tù. Quan điểm của cá nhân ông?

Mức án dành cho vị thành niên thấp hơn mức án dành cho người trưởng thành là vì vị thành niên chưa có nhận thức đầy đủ, chín chắn. Nếu đúng là Luyện chưa đủ 18 tuổi khi gây án thì sẽ được xử theo quy định đối với người vị thành niên.

Nhưng vấn đề ở đây là hành vi quá sức man rợ. Chắc chắn Toà án sẽ cân nhắc kĩ để có chế tài thích đáng.
 
 
“Hãy ngăn chặn tội ác từ mầm nhỏ nhất” - 2
Luyện (giữa) tra tay vào còng ngày sa lưới.

Trong vụ việc này cũng như nhiều vụ việc tương tự, chúng ta đều thấy sự nghiêm trọng và tập trung giải quyết, nhưng việc thì đã xảy ra rồi. Nhìn rộng ra, dường như chúng ta chưa ngăn chặn có hiệu quả những vi phạm từ mức thấp hơn?

Đúng là có xử nghiêm khắc đến đâu thì cũng là xử lý việc đã rồi. Việc ngăn chặn thảm kịch từ những chuyện nhỏ chưa được chú ý. Ở một số nước, kể từ hành vi nhục mạ hoặc đe doạ người khác đã bị xử lý rất nghiêm. Báo chí đã từng phản ánh trường hợp một du học sinh Việt ở nước ngoài vì bực tức cầm dao dọa bạn đã bị bắt ngay. Có ngăn chặn bạo lực từ đầu như vậy thì người ta mới biết tự răn mình, không dám vượt quá quy tắc ứng xử thông thường, từ đó hạn chế được hành vi phạm tội.
 
Bộ luật Hình sự nước ta cũng có quy định chế tài hình sự đối với các hành vi xúc phạm danh dự, đe doạ dùng vũ lực hoặc xâm phạm thân thể người khác nhưng những việc này hình như quá nhiều nên làm không xuể. Đến mức một số vụ nữ sinh hành hạ bạn, quay video tung lên mạng cũng được bỏ qua. Tôi e rằng những hành vi xấu xa ấy chính là những cái mầm của tội ác, không xử lý nghiêm khắc không được đâu.

Cùng với sự răn đe của chính quyền, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý giáo dục con và chú ý giữ mình, nêu gương tốt cho con từ nhỏ. Con cư xử vô tâm với bạn, vô tâm trước những buồn vui của con người, thậm chí nghịch ác với con vật, cha mẹ cũng cần quan tâm uốn nắn ngay, kẻo trẻ lớn lên không uốn nắn được nữa. Cha mẹ sống thiếu gương mẫu, thiếu tôn trọng người xung quanh, dễ nổi nóng, thô bạo,.. sẽ kích thích bạo lực ở con. Những cái nhỏ tích lũy dần sẽ thành cái lớn, rồi đến lúc hối không kịp.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)