"Kháng cáo để làm rõ việc Luyện có đồng phạm hay không"

(Dân trí) - Bản án dành cho Lê Văn Luyện và các đối tượng liên quan đã được xác định. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn với nhiều tình tiết bật ra từ phiên xử. Dân trí đã có cuộc trao đổi với 2 luật sư bảo vệ phía gia đình bị hại về việc này.

Theo quan điểm các luật sư trình bày tại tòa, vụ án vẫn còn nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ?

Luật sư Trần Chí Thanh (Văn phòng luật sư Tâm Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội): Nghi vấn lớn nhất của tôi trong vụ án là việc Luyện có đồng phạm gây án hay không?

Theo lời khai của cháu Bích, nhân chứng duy nhất của vụ án, việc cháu thấy hai thanh niên trong nhà, đêm cả gia đình bị thảm sát là hoàn toàn có thể tin cậy. Cháu Bích và Lê Văn Luyện đều là người đang ở tuổi vị thành niên nhưng tại sao bản cáo trạng chỉ ghi nhận lời khai của Luyện mà không căn cứ vào lời khai cháu Bích. Cháu Bích khai đã nhìn thấy có 2 người tham gia đột nhập và gây án, thậm chí còn khai nhìn rõ 2 đối tượng đó "đầu xanh đầu đỏ".

"Kháng cáo để làm rõ việc Luyện có đồng phạm hay không" - 1
Luật sư Trần Chí Thanh: "Nghi vấn lớn nhất của tôi trong vụ án là việc Luyện có đồng phạm gây án hay không?".

Theo như lời khai của Luyện, khi xuống tầng 1 thấy có camera nên đã ngắt cầu dao điện nhưng sau đó lại kéo aptomat khiến còi báo động kêu mới hoảng sợ dập lại aptomat. Điều này mâu thuẫn bởi khi Luyện đã dập cầu dao, chỉ có trường hợp đồng phạm không biết mới kéo aptomat khiến chuông kêu. Luyện khai xuống tầng 1 căn nhà, Luyện lấy đèn pin soi ở quanh tủ trưng bày vàng nhưng thấy bị khóa. Vậy tại sao hệ thống camera lại không có hình của Luyện?

Luật sư Phạm Văn Huỳnh (Văn phòng luật sư Tâm Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội): Luyện khai không hề dùng dao nhọn đâm chị Chín trong khi thi thể chị Chín có nhiều vết thương tích từ dao nhọn. Bản cáo trạng dẫn lời khai của Luyện là nghe thấy chị Chín hét lên: “Anh đâm nhầm em rồi” để kết luận anh Ngọc đã đâm nhầm chị Chín liệu có chính xác? Tôi đặt câu hỏi, khi bị Luyện đâm liên tiếp rồi đạp ngã, liệu anh Ngọc còn sức bật dậy đâm nhầm chị Chín hay không?

Tại phiên tòa, luật sư cũng cho rằng có nhiều điểm đáng ngờ, phi logic trong diễn biến tâm lý sau khi phạm tội của Lê Văn Luyện?

Luật sư Trần Chí Thanh: Việc Lê Văn Luyện đột nhập, sát hại các nạn nhân, cướp vàng, thoát ra và xử lý vết thương… rất thành thục và bình tĩnh, khác với tâm lý tội phạm thông thường. Việc Hồng chở Luyện về trạm y tế xã Thanh Lâm băng bó vết thương, gặp cả mẹ Luyện và mẹ Hồng ở đó liệu có thực sự là vô tình?

Nội dung Bị cáo Hồng nhận điện thoại có hẹn trước và hẹn khi nào xong thì gọi ra đón Luyện cũng "lập lờ", không minh bạch. Vì vậy, hoàn toàn có thể đặt vấn đề Luyện gây án với sự hậu thuẫn về tâm lý từ trước. 

"Kháng cáo để làm rõ việc Luyện có đồng phạm hay không" - 2
Mức án 18 năm tù dành cho Lê Văn Luyện là theo quy định pháp luật.

Việc CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang chọn một người có vóc dáng giống Luyện thực hiện thực nghiệm hiện trường có hợp lý, đúng quy định không, thưa luật sư?

Luật sư Trần Chí Thanh: Theo Điều 153 - BLTTHS, việc thực nghiệm bắt buộc phải có sự tham gia chứng kiến của bị can, người bị hại, người làm chứng. Nhưng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và mang tính chất thời sự nóng bỏng, luật sư phía bị hại thì lại không được thông tin, chứng kiến là điều thiệt thòi cho thân chủ của chúng tôi.

Trong lần thực nghiệm đột nhập tiệm vàng, CQĐT cử một phó công an phường có vóc dáng giống Luyện để diễn lại việc trèo vào và thoát ra khỏi tiệm vàng cũng "chưa khách quan". Giả sử người “đóng thế” trèo cây giỏi nên dễ dàng leo được lên ban công tầng 3 của tiệm vàng rồi cạy cửa đột nhập, còn Luyện phải sử dụng sự trợ giúp của đồng bọn hoặc các phương tiện khác thì kết quả phương án thực nghiệm này sẽ không thể kiểm chứng được tính chính xác lời khai của Luyện về hành vi phạm tội của mình. 

Về bản án 18 năm tù dành cho bị cáo, các luật sư có ý kiến gì? 

"Kháng cáo để làm rõ việc Luyện có đồng phạm hay không" - 3
Luật sư Phạm Văn Huỳnh: "Có sửa luật cũng không thể kịp tử hình Lê Văn Luyện".

Luật sư Phạm Văn Huỳnh: Pháp luật đã quy định đối tượng phạm tội khi chưa đủ tuổi thành niên thì mức phạt "kịch khung" chỉ là 18 năm tù. Vì vậy, việc Lê Văn Luyện bị tuyên phạt 18 năm tù là đúng quy định của pháp luật.

Nhận định mức án áp dụng là đúng quy định pháp luật, thân chủ của ông vẫn kháng cáo bản án TAND tỉnh Bắc Giang với mục đích gì? 

"Kháng cáo để làm rõ việc Luyện có đồng phạm hay không" - 4
Gia đình bị hại sẽ tiếp tục kháng cáo.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh: Việc kháng cáo bản án của toà án tỉnh lên TAND tối cao là để đề nghị làm rõ việc Lê Văn Luyện có đồng phạm gây án hay không. Nhiều tình tiết của vụ án cũng cần phải được làm sáng tỏ như vết thương hình móng ngựa hay vết dao nhọn trên thi thể nạn nhân Đinh Thị Chín, túi xách đựng tiền, vàng của vợ chồng chủ tiệm vàng biến mất theo thông tin từ phía gia đình nạn nhân…
 
Vì thế, trong vòng 15 ngày sau khi bản án được tuyên, gia đình nạn nhân chắc chắn sẽ thực hiện việc kháng cáo.
 
Xin cảm ơn 2 luật sư!
 
Thẩm phán Thân Quốc Hùng - chủ tọa phiên tòa sơ thẩm: "Ngại nhất việc bức xúc của gia đình bị hại"
 
Khi xét xử vụ án thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích, điều tôi lo ngại nhất là những bức xúc của gia đình bị hại. Điều quan trọng là căn cứ trên pháp luật nhưng cũng cần linh hoạt, mềm mỏng để làm sao giảm được bức xúc có thể dẫn tới những hành động cực đoan của thân nhân các nạn nhân.

Tuy nhiên, tất cả vẫn phải dựa trên pháp luật. Việc tử hình Lê Văn Luyện là không thể bởi Luyện gây án khi chưa đủ 18 tuổi. Tòa án là cơ quan thực thi pháp luật phải làm theo luật để đảm bảo tính nghiêm minh.

Đây là vụ án vô cùng nghiêm trọng nên với các bị cáo khác, HĐXX đã quyết định phải tuyên phạt những mức án đủ sức răn đe. Phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện đã thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật.

  Anh Thế - Quốc Đô