1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thẩm phán “giải mã” những “uẩn khúc” trong vụ xét xử Lê Văn Luyện

(Dân trí) - Một ngày sau phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện, PV <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi với chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Thân Quốc Hùng - Phó chánh tòa hình sự TAND tỉnh Bắc Giang. Những “uẩn khúc” trong quá trình xét xử phần nào được “giải mã”.

Lo lắng nhất là sự bức xúc của gia đình nạn nhân

Xét xử vụ án thảm sát kinh hoàng tại tiệm vàng Ngọc Bích được xem là nhạy cảm, ông có thể cho biết sự chuẩn bị và tâm lý khi đảm nhận vai trò chủ tọa phiên tòa?

Thẩm phán Thân Quốc Hùng: Ngay sau khi xảy ra vụ án thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ngày 24/8, xác định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây phẫn nộ trong dư luận nhân dân nên từ giai đoạn điều tra, chúng tôi đã hết sức quan tâm. Tòa hình sự TAND tỉnh Bắc Giang đã xác định sẽ trực tiếp thụ lý, xét xử.

Tôi nhận trách nhiệm chủ tọa phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện từ giai đoạn thụ lý hồ sơ vào ngày 1/12/2011. Thực sự tôi không hề cảm thấy áp lực khi giữ vai trò chủ tọa phiên tòa. Chỉ có điều, với vụ án phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng này, tôi đã tập trung rất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ để tuyên bản án đúng người, đúng tội theo quy định pháp luật. 

Thẩm phán “giải mã” những “uẩn khúc” trong vụ xét xử Lê Văn Luyện  - 1
Thẩm phán Thân Quốc Hùng - chủ tọa phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện

Điều không chỉ tôi mà TAND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng liên quan lo lắng nhất và lường trước là sự bức xúc của người nhà nạn nhân. Trong ngày xét xử Lê Văn Luyện sẽ có rất đông người, ngoài thân nhân các nạn nhân, những người tò mò hiếu kỳ còn có thể có các đối tượng xấu kích động gây mất trật tự, ảnh hưởng đến phiên tòa.

Những “uẩn khúc” chưa được làm rõ trong vụ án

Ông có thể giải mã những “uẩn khúc” liên quan đến gia đình các bị hại và luật sư bảo vệ bị hại đưa ra những điểm còn chưa được làm rõ như: vết thương hình móng ngựa, vết dao nhọn trên thi thể các nạn nhân, việc thực nghiệm điều tra thiếu khách quan? 

Trước hết, các luật sư phía bị hại phản ứng về việc thực nghiệm điều tra không có mặt bị cáo Luyện và luật sư bị hại, tôi khẳng định điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự quy định không nhất thiết phải có sự tham gia người bị hại, bị can, luật sư… khi tiến hành thực nghiệm.

Thứ hai: Vết thương hình móng ngựa trên thi thể nạn nhân được phía gia đình nạn nhân cho rằng từ một hung khí lạ và từ đó đặt ra giải thiết về đồng phạm cùng Lê Văn Luyện gây án. Tuy nhiên, kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã ghi rõ vết thương này do vật sắc, vật sắc nhọn gây ra. 2 hung khí dao phớ và dao bấm có thể gây ra. 

Thẩm phán “giải mã” những “uẩn khúc” trong vụ xét xử Lê Văn Luyện  - 2
Lê Văn Luyện nghe tòa tuyên án.

Thứ ba: Gia đình nạn nhân đề nghị làm rõ chiếc túi xách đựng vàng và tiền của vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích. Nhưng ngay tại phiên tòa, khi chính luật sư phía bị hại hỏi, đại diện gia đình cũng chỉ trả lời rằng trong những lần đến chơi thấy vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích có chiếc túi như vậy mà không đưa ra được một đồ vật, tài liệu nào chứng minh thì HĐXX không thể chỉ căn cứ vào lời khai bị hại để làm rõ chiếc túi mơ hồ như vậy. 

Thứ tư: Luật sư Phạm Văn Huỳnh, bảo vệ phía bị hại đề nghị làm rõ những vết thương bị gây ra từ dao nhọn trên thi thể nạn nhân Chín mà không phải do Luyện gây ra. Việc này, Luyện khai nhận trong quá trình giằng co với chị Chín, khi đó anh Ngọc cướp được dao từ trước đã đâm với về phía 2 người, nhầm vào chị Chín. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng điều quan trọng nhất là những vết thương không đáng kể để gây ra tử vọng cho chị Chín mà tất cả những vết thương khiến chị Chín tử vong đều do Luyện gây ra.

Thẩm phán “giải mã” những “uẩn khúc” trong vụ xét xử Lê Văn Luyện  - 3
Người nhà các nạn nhân bức xúc về những chi tiết chưa được làm sáng tỏ tại phiên tòa.

Việc cho rằng có đồng phạm cùng Luyện gây án, các luật sư phía bị hại cũng không khẳng định mà chỉ cho rằng có khả năng. Nhưng từ khi vụ án xảy ra cho đến thời điểm xét xử vụ án hơn 4 tháng, từ công tác điều tra, các tài liệu khám nghiệm hiện trường và đặc biệt là các kết quả giám định từ vân tay, vân chân, vết máu… đều khẳng định chưa có căn cứ để xác định có hung thủ thứ 2.

Tại sao gia đình nạn nhân quyết tìm đồng phạm của Lê Văn Luyện?

Gia đình nạn nhân luôn nghi ngờ có đồng phạm với Luyện trong vụ án, vậy ông nói gì về điều này?

Gia đình nạn nhân muốn tìm ra đồng phạm của Luyện để tội ác phải trả giá và nỗi đau của họ vơi bớt. Tôi cũng như HĐXX hiểu và thông cảm điều đó. Nhưng mọi kết luận phải có căn cứ theo đúng quy định pháp luật.

Theo tôi, nói về đồng phạm của Lê Văn Luyện, có thể có khả năng là đồng phạm xúi giục Luyện gây án. Nhưng trong trường hợp này, chỉ một mình Luyện biết và Luyện không khai báo thì cũng không thể có căn cứ xử lý.

Thẩm phán “giải mã” những “uẩn khúc” trong vụ xét xử Lê Văn Luyện  - 4
Phòng xét xử Lê Văn Luyện luôn chật kín người tham dự.

Với hơn 10 năm công tác trong ngành tòa án, vụ án Lê Văn Luyện có là vụ án phức tạp nhất đối với ông?

So sánh về mức độ mỗi vụ án đều khó và đều có một đặc thù riêng. Nhưng dù sao, vụ án Lê Văn Luyện là vụ án gây bức xúc dư luận bậc nhất và để lại hậu quả lớn nhất tôi từng gặp. Trước đó, vào tháng 9/2011, giữ cương vị chủ tọa xét xử vụ án bị cáo Hàn Đức Long (SN 1959) hiếp giết cháu bé 5 tuổi kinh hoàng, tôi đã tuyên án tử hình. Bị cáo kháng cáo nhưng đã bị TAND Tối cao y án.  

Trường hợp bị cáo Luyện còn thiếu hơn 1 tháng tuổi mới đủ 18 tuổi khi gây án, dù sao vẫn còn chưa quá phức tạp. Nếu như trường hợp bị cáo gây án vào đúng ngày sinh nhật, khi đó pháp luật quy định lấy thời điểm cuối cùng trong ngày là 23h59 phút làm giờ sinh cho bị cáo. Dĩ nhiên không ai gây án đúng được vào thời điểm này. Khi đó, việc xét xử sẽ gặp phải nhiều luồng dư luận vô cùng phức tạp.

Đánh giá của cá nhân ông về phiên xử vừa rồi?

Tôi đánh giá đây là một phiên xét xử thành công cả về mặt vụ án và dư luận. Đại đa số dư luận đồng tình với kết quả bản án. Việc gia đình bị hại kháng cáo là chuyện bình thường. Pháp luật quy đinh họ có quyền như vậy. TAND Tối cao sẽ kiểm tra tính đúng đắn và nghiêm minh của bản án.

Xin cám ơn thẩm phán!

Anh Thế - Quốc Đô