DMagazine

"Hậu trường ngoại giao" lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ

(Dân trí) - Với Đại sứ Phạm Quang Vinh, "hậu trường ngoại giao" là phần không chính thức, nhưng lại là nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi Nhà ngoại giao. Ông đã vận dụng nó để có một nhiệm kỳ lịch sử trên đất Mỹ.

(Dân trí) - Khi còn làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Phạm Quang Vinh thường có những cuộc hẹn cùng các quan chức trong chính quyền Mỹ ở tòa nhà Đại sứ Việt Nam tại DC sau giờ làm việc, cùng ăn những món ăn Việt như bún thang, phở bò, nem... do chính tay vợ ông nấu. Ông gọi đó là chuyện "ngoại giao hậu trường" - khi những nhà ngoại giao như ông trao đổi những điều vốn không thể và không dễ nói trên bàn đàm phán, các tiếp xúc chính thức.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 1

- Tô Lan Hương: Giờ thì anh đã về hưu, nhưng mỗi khi nhắc lại nhiệm kỳ Đại sứ của anh trên đất Mỹ, những người bạn trong ngành ngoại giao vẫn nói với tôi, anh đã có một nhiệm kỳ mà bất cứ nhà ngoại giao nào cũng mơ ước: Với hai chuyến thăm cấp cao của hai Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, một chuyến thăm cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, một tuyên bố tầm nhìn chung về tầm nhìn chung. Làm thế nào để anh làm được những điều đó trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi hơn 3 năm của mình?

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nói về quan hệ giữa hai nước, có một điều trùng hợp rất thú vị mà tôi phát hiện ra, đó là quan hệ Việt - Mỹ trong lịch sử hiện đại dường như luôn thay đổi theo mỗi chu kỳ 20 năm. Trong 20 năm đầu (từ 1955-1975), nước Mỹ dần dính líu vào cuộc chiến tranh Việt Nam và đẩy nó đến đỉnh cao khi chiến tranh kết thúc năm 1975.

20 năm tiếp theo (1975-1995) là từ cấm vận và thù địch đến hướng tới xóa bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao.

Giai đoạn 20 năm lần thứ 3 (1995-2015) là hành trình vun đắp từ một mối quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù đến đối tác toàn diện. Có thể nói, toàn bộ mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là sự đan xen giữa quá khứ và tương lai, giữa hận thù, nghi kỵ, tình bạn và đối tác.

Tôi nhận nhiệm sở vào tháng 11 năm 2014, là thời điểm Việt Nam và Mỹ chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đúng thời điểm kết thúc chu kỳ 20 năm lần thứ 3 và chuẩn bị bước vào 20 năm lần thứ 4. Thách thức với tôi là: Quan hệ đã có bước tiến dài, đã có khung đối tác toàn diện rồi, vậy giờ phải làm gì tiếp theo trong nhiệm kỳ của mình để đóng góp thêm cho mối quan hệ đó?  

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 3

Hai quốc gia đã từng thù địch, đã từng chiến tranh, đã từng bỏ lỡ cơ hội làm bạn, lại là mối quan hệ giữa nước lớn - nước nhỏ, từ nghi kỵ chuyển sang hợp tác thì cần có hai điều quan trọng: Thứ nhất là lòng tin. Thứ hai là song trùng lợi ích. Vì chỉ khi có song trùng về lợi ích thì quan hệ của một nước lớn với một nước nhỏ mới có thể vững vàng.

Ngày 23/2/2015, tôi đến Nhà Trắng trình Ủy nhiệm thư. Việc trình Ủy nhiệm thư ở Mỹ rất khác ở Việt Nam và nhiều nước khác: Các Đại sứ cần truyền tải gì thì cứ viết trước một lá thư cho Tổng thống theo một "form" sẵn, như trình bày về việc "tôi đến với tư cách Đại sứ và tôi mong muốn điều gì".

Đến hôm chính thức trình Ủy nhiệm thư, các đại sứ chỉ có vài phút, trình Ủy nhiệm thư, nhận thư trả lời của Tổng thống, bắt tay và chụp ảnh. Nhưng vài phút như vậy là rất quí, ngoài nghi lễ vẫn có thể tranh thủ nói ngắn thông điệp của mình. Phải nghĩ trước, thật chắt lọc. Với tôi, nhân quãng thời gian ngắn ngủi giữa cái bắt tay đó, đã tranh thủ nói đúng hai ý: "Là đại sứ, tôi chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy đà quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt đẹp hơn.  Năm nay là năm kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao, tôi mong muốn tăng cường hơn nữa các chuyến thăm cấp cao trong đó có người đứng đầu phía Việt Nam là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và ngài Tổng thống (Obama)".

Lẽ dĩ nhiên, Tổng thống Obama không cam kết gì cả, nhưng ít nhất thì ông ấy đã nhã nhặn đáp "Tôi chia sẻ ý kiến của ông". Không được bỏ lỡ một cơ hội quý giá như vậy, kể cả biết khó có lời hứa hẹn gì. Nhưng, đó lại là điều sau này mình có thể nêu lại với các quan chức khác của Mỹ, kiểu là: đấy, tôi đã nói như thế như thế với chính Tổng thống các ngài.

Có thể nói, cơ hội luôn tiềm tàng, quan trọng là mình làm sao tận dụng được thôi. Cá nhân tôi thì ham mấy việc "săn bàn" này lắm, dường như nó ăn vào mình và trở thành cái có thể gọi là phong cách ngoại giao của mình, thật đấy! Trong 38 năm làm nghề, khi càng trưởng thành, thì càng ham như vậy, tranh thủ được cơ hội, lớn bé, sẽ là góp phần thêm cho lợi ích nước nhà và quan hệ.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 5

- Tô Lan Hương: Tôi rất tò mò, khi bắt đầu nhận nhiệm sở ở một đất nước mới, một Nhà ngoại giao sẽ cần làm những gì để đặt nền móng cho các mối quan hệ của mình?

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi có thể nói với bạn rằng, mỗi một Nhà ngoại giao đều có những cách tiếp xúc ngoại giao riêng của mình, dù cùng chung mục đích thúc đẩy quan hệ. Báo chí thường chỉ biết và chỉ đăng tin về những tiếp xúc ngoại giao lớn trên bàn đàm phán, những tuyên bố chung, những hiệp định được ký kết - cái đó rất quan trọng, chính thức ghi nhận các kết quả. Nhưng đằng sau đó, rất nhiều việc không thể gọi tên hay đăng báo được. Có cái phải nhiều năm sau mới giải mã hay công bố, chẳng hạn như thương lượng văn kiện, hay bố trí chương trình, chuyến thăm… nhiều thứ lắm. 

Để hoàn tất những thứ đó, mỗi nhà ngoại giao có thể có một cách vận dụng riêng, dựa vào bản lĩnh riêng, phong cách riêng của mình. Có những người thì rủ rỉ tâm tình, có những người thì hùng biện, có những người thì thâm thúy, có những người thì nho nhã. Cái phần "không chính thức" nhưng lại rất quan trọng này được thực hiện như thế nào thì mỗi người mỗi cách, không ai giống ai cả.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 7
Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 9

- Tô Lan Hương: Và phương pháp của anh là…

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nói về quan hệ, cái gốc vẫn là hai bên song trùng lợi ích. Trong tất cả các cuộc tiếp xúc ngoại giao dù là giữa các nước, hay giữa cá nhân các Nhà ngoại giao, thì đều có một nguyên tắc cơ bản: Anh phải có cái gì đó cho người ta, anh mới có thể mong nhận được của người ta điều anh muốn. Còn mỗi nhà ngoại giao có cách riêng để đi đến mục đích chung đó. Cá nhân tôi thiên về thẳng thắn, nhưng chân thành. Tôi mạnh mặt này nhưng yếu phần thủ thỉ, tâm tình.

Điều may mắn của tôi trước khi đến Mỹ, là tôi đã có nhiều năm làm SOM ASEAN (Trưởng Phái đoàn quan chức cấp cao ASEAN) của Việt Nam, khi đó tôi đã quen và có nhiều người bạn phía Mỹ như Daniel Russel  và Kurk Campbell (đã từng hoặc đang là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama), họ cũng dẫn đầu đoàn Mỹ tham dự các cuộc họp SOM ASEAN.

Có lần Daniel Russel nói với tôi rằng, ông ấy muốn gặp các nước ASEAN có yêu sách đến chủ quyền biển Đông để chia sẻ thông tin và đã hẹn được rồi, vào đầu giờ sáng hôm sau. Tôi thì thấy việc này khó và đã chia sẻ thẳng cái băn khoăn của mình: "Chắc chắn là sẽ khó đấy. Hãy thử đặt câu hỏi mà xem: Vì sao lại đi riêng với Mỹ, người ta cũng ngại nước khác họ sẽ soi vào đấy". Và thêm: "Phải tạo ra cái cớ… chứ không phải cứ nói họp là họp được. Tôi làm nhiều với họ, tôi biết. Giả sử nếu ông gặp trục trặc, thì báo ngay, tôi sẽ tìm cách trao đổi với các nước đó và báo lại".

Thực tế, đúng là khó thật và buổi ăn sáng làm việc đã không diễn ra. Nhận tin, tôi trao đổi và chia sẻ với từ Russel: Hãy cứ để nhóm nước này họp nội bộ trước (bên lề họp ASEAN, nhóm mấy nước ĐNA có yêu sách về biển đông thường có các tham vấn không chính thức). Khi họ họp xong, rồi gặp với phía Mỹ để thông tin, thì là chuyện bình thường, vì họ cũng có thể chia sẻ với bất kỳ nước nào khác. Khi đó, muốn trao đổi gì chẳng được. Còn gặp trước khi nhóm này họp nội bộ, thì lại thành dẫn dắt, phối hợp, họ ngại là vậy. Và, thế là thực hiện được. Cũng nên lưu ý rằng, gọi là họp hay tham vấn, nhiều khi thì có phòng họp, nhiều khi chỉ là ngồi lại với nhau ngay tại sảnh mà thôi.

Đó chỉ là một trong những ví dụ, nhỏ thôi, để các nhà ngoại giao chúng tôi có thể bắt đầu tình bạn với nhau, ban đầu là cùng nhau trong công việc, giúp đỡ, hợp tác, rồi dần dần trở thành tình bạn chân thành. Làm đối ngoại, luôn có những nguyên tắc và lợi ích quốc gia, nhưng giữa những khoảng chính sách đó, phần vận dụng đến từ những cá nhân được giao làm đại diện.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 11

- Tô Lan Hương: Những tình bạn được tích lũy qua nhiều năm tháng làm ngoại giao ấy đã giúp anh như thế nào khi đặt chân lên đất Mỹ?

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Khi tôi sang Mỹ, tôi đã có nhiều người bạn cũ, rồi bạn mới đang làm việc trong Chính phủ Mỹ như Daniel Russel, Kurk Campell vừa mới kể, hay Evan Medeiros (Trợ lý của Tổng thống Obama về các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương), Alyssa Mastromonaco (Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng), Ben Rhodes hay Avril Haines (Phó Cố vấn ANQG)…

Tôi không chỉ gặp họ ở văn phòng, mà còn thường gặp riêng, ngoài giờ và bên ngoài, khi mời họ đến nhà, khi ra đâu đó, có khi chỉ là ly cà phê. Đây mới là cái khó, vì phải tạo ra được mức thân tình nhất định và nhất là có thể cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau được gì. Cái này khác với làm tiệc hay mời cơm chính thức ở nhà riêng đại sứ, thường phải lên lịch và chuẩn bị từ trước. Nhân đây, tôi muốn kể câu chuyện về cái mà ta ở nhà thường nói là "rỗi thì tạt qua tớ làm chút gì cho vui".

Với nhiều bạn bè các giới của Mỹ, tôi thường hay chuẩn bị chút gì đó đơn giản thôi, rủ bạn qua nhà đại sứ, sau giờ làm, tầm khoảng sau 5h30 chiều đến 7h tối. Tôi hay nói với họ: "Between the office and home, you can stop by relax" (sau giờ làm việc và trước khi về nhà, chúng ta có thể cùng nhau xả hơi một chút). Khi đó, vợ chồng tôi sẽ chào đón họ ở chính tòa nhà Đại sứ của Việt Nam, mà đích thân vợ tôi cùng một vài chị em sứ quán sẽ vào bếp, chuẩn bị ít món ăn truyền thống của người Việt để đãi khách. Đơn giản, nhưng thân tình và trọng thị.

Nói là xả hơi thì xả hơi thật, tán gẫu đủ thứ. Nhưng các cuộc gặp này không phải chỉ là để xả hơi, vì xen vào đó, luôn có công việc. Chỉ có là, nó thoải mái, thân tình, nên việc khó cũng dễ chia sẻ hơn. Vượt ra khỏi hàng rào công vụ, những phút như vậy, gặp nhau vui vẻ sau một ngày làm việc căng thẳng, sẽ càng làm tình bạn thêm đậm hơn mà thôi. Chỉ gặp chính thức thì khô khan, còn chỉ gặp nhau để xả hơi, thì người ta cũng không có thì giờ cho việc đó đâu. Ý nghĩa của những cuộc gặp "between the office and home" chính là ở chỗ này, vẫn vui, mà vẫn việc là thế. Chúng tôi gặp nhau ở đó, vừa vì tình bạn chân thành, nhưng cũng không quên mình là những nhà ngoại giao, đại diện của mỗi nước. Cũng có khi lại hẹn nhau ở một chỗ bên ngoài, chỉ là cốc bia, cốc trà, đơn giản thế thôi.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 13

Những cuộc gặp sau giờ làm việc như thế, tôi thường gọi là "ngoại giao hậu trường". Vì cùng là những người bạn đó, nhưng khi tôi đến gặp họ ở văn phòng làm việc, chúng tôi mang thân phận những nhà ngoại giao, đại diện cho hai quốc gia, giữa chúng tôi là bầu không khí tiếp xúc chính thức với những quy tắc ngoại giao chuẩn mực, rồi còn cả ghi biên bản nữa. Khi đó, có rất nhiều vấn đề còn khúc mắc giữa hai nước, thông tin chia sẻ cũng sẽ chính thức hơn, nên cũng khó nắm được cái ý tứ đằng sau để mà giải quyết.

Còn khi ngồi riêng, người ta có thể nói và đưa ra những gợi ý cá nhân, mang tính bạn bè nhiều hơn. Khi đó, tôi có thể dễ dàng hỏi họ một cách thẳng thắn, ví dụ: "Này, tôi hỏi thật, với việc này, các ông muốn gì từ chúng tôi và gợi ý chúng tôi phải làm gì thì mới xong được". Có khi, với yêu cầu quá khó, tôi cũng có thể sòng phẳng mà vẫn rất bạn bè: "Nếu mà như yêu cầu của các ông thì cắt cổ tôi đi còn hơn, tôi làm sao báo cáo về được, đầu phía Việt Nam không chấp nhận đâu. Thế thì phải có gợi ý gì để gỡ chứ, như là, chí ít cũng cần đến mức này, bằng biện pháp này".

Đại thể vậy. Nhờ đó, chúng tôi hiểu đâu là điểm mấu chốt của mỗi bên, rồi từng bước đi nên như thế nào để có thể đạt thỏa thuận, theo cách thuận nhất cho cả hai bên. Có như vậy, đến khi báo cáo về Thủ đô, mỗi bên đã có những hiểu biết nhất định và sơ bộ hướng giải quyết. Chẳng hạn như đợt chuẩn bị cho Tổng thống Obama thăm Việt Nam, hay giai đoạn tiếp cận và chuẩn bị các chuyến thăm thời Tổng thống Trump, cũng là kết hợp cả gặp chính thức và nhiều cuộc gặp ngoài lề như vậy.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 15

Tháng 7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ, gặp và hội đàm với Tổng thống Obama và hai bên ra tuyên bố tầm nhìn về quan hệ Việt-Mỹ, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Điều này hết sức quan trọng.

Trong chuẩn bị, cũng có những câu chuyện bên lề lý thú. Ví như chuyện lễ tân, quy định của hai bên có khác biệt. Phía Mỹ, về lễ tân, chỉ có quy định về các chức danh nhà nước, không có về đảng, nên họ cứ nói là chưa có tiền lệ. Trao đổi đi lại rất nhiều, cuối cùng là sự hiểu biết chung, đó là ở Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng là người đứng đầu hệ thống chính trị của mình, còn phía Mỹ là Tổng thống.

Tôi còn nhớ, trong nhiều cuộc trao đổi, nhất là khi không chính thức, đã nói với cả Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia rằng, việc chỉ đơn giản ở chỗ, chúng ta chuẩn bị cho chuyến thăm và cuộc gặp của hai vị lãnh đạo đứng đầu thể chế chính trị của hai nước. Thế thì mọi việc đều phải tương xứng với điều này. Đây là câu chuyện của hai nước. Hai mươi năm quan hệ ngoại giao, có nghĩa là hai bên đã công nhận thể chế chính trị của nhau. Đó là điểm mấu chốt. Lễ tân gì cũng phải chạy theo điều này. Vấn đề được tháo gỡ là xuất phát từ cái gốc, đó là vị thế Việt Nam và việc hai bên đều coi trọng quan hệ.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 17
Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 19

- Tô Lan Hương: Nãy giờ chúng ta đã nói rất nhiều về tình bạn của giới ngoại giao và  những cách thức riêng của mỗi nhà ngoại giao. Vậy đó có phải là bí quyết cho nhiệm kỳ thành công của anh trên đất Mỹ?

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu nói là nhiệm kỳ Đại sứ của tôi ở Mỹ thành công, thì sự thành công đó cũng xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết, đó là bề dày quan hệ hai nước, vị thế và chính sách của Việt Nam. Đây là căn bản tốt nhất. Tôi thừa hưởng cái mà chúng ta hay gọi là "thiên thời, địa lợi". Ví dụ, tôi sang Mỹ cuối 2014, thì giữa 2013, hai bên đã đạt thỏa thuận thiết lập khuôn khổ Đối tác toàn diện, tạo đà cho phát triển quan hệ về mọi mặt. Thách thức là, đến lượt mình, thì làm sao làm được thêm nữa. Nhìn ở góc độ đó, thì cũng có thể đánh giá là thành công.

Có một điều, tôi sẽ không phủ nhận rằng, việc có những mối quan hệ bạn bè tốt với những quan chức trong Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao của mình.

Quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ nêu trên, khi hai bên đã nhất trí về nguyên tắc và chỉ còn chờ khẳng định thời điểm cụ thể của chuyến thăm, tôi có nói với Evan Medeiros (Trợ lý của Tổng thống Obama về các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương) rằng: "Chuyến thăm này là chuyện rất lớn giữa hai nước. Vì vậy, bất cứ khi nào có lịch thời gian của chuyến thăm, thì ông phải báo tôi ngay đó, phải là cùng lúc với ông bạn Ted Osius của tôi ở Hà Nội (Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thời điểm đó). Tôi là đại sứ của Việt Nam ở đây mà lại biết sau, thậm chí sau cả báo chí, thì quá tệ. Ông thử tưởng tượng xem, nếu chuyện này mà AP hay Reuters đăng tin trước rồi tôi mới thông báo cho Chính phủ tôi, thì mặt mũi của một ông Đại sứ như tôi còn giấu đi đâu được nữa".

Yêu cầu là chính thức, nhưng ngôn ngữ bạn bè nó là vậy. Dường như cùng lúc, tôi và Ted Osius cùng một lúc nhận được thông tin vào cùng một ngày đầu tháng 5/2015 từ Evan về thời điểm chính thức của chuyến thăm, hai tháng trước khi chuyến thăm diễn ra vào tháng 7/2015. Đương nhiên là tôi lập tức điện về Hà Nội, khi đó đang trong dịp nghỉ lễ lao động 1/5.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 21

Cũng có một chuyện bên lề khác. Theo lịch, sáng 7/7 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama sẽ chính thức hội đàm và công bố Tuyên bố tầm nhìn quan hệ. Tuy nhiên, đến tối 6/7, phía Mỹ cũng vẫn chưa hồi âm về dự thảo tuyên bố, dù chiều hôm đó và cả trước đó nữa, đoàn của hai bên đã làm việc hết sức khẩn trương. Đương nhiên đại sứ sở tại phải liên hệ với phía Mỹ để còn kịp cho sáng hôm sau.

Sau khi điện thoại, Daniel Kritenbrink (khi đó vừa thay Evan Medeiros, sau này là Đại sứ tại Việt Nam) đồng ý gặp tôi, dù khi đó đã là tối, mỗi bên có thêm một cán bộ đi cùng. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở phòng ba một khách sạn, có cái tên khá lạ "Off the Record" (nghĩa là không chính thức). Hai bên cùng rà lại, suốt từ 21h đến hơn 23h, đúng là phía Mỹ vẫn còn có khúc mắc về một số điểm trong Tuyên bố, nhưng may là cũng giải quyết được trong đêm đó. Chúng tôi gọi bia và cụng ly chúc mừng. Khi đó, tôi mới nói với Dan (tên thân mật của Daniel Krinterbrink), là tôi còn phải về báo cáo lãnh đạo đoàn, khi đó mới là chính thức được. Lúc đó, Dan nói với tôi: "Vinh ơi, tôi về đi ngủ, nhưng sẽ để điện thoại ngay đầu giường, bất cứ lúc nào xong ông cứ gọi, tôi sẽ trả lời".

Về báo cáo lãnh đạo chủ chốt của đoàn và được đồng ý về nguyên tắc, tôi gọi điện cho Dan, khi đó đã là 1h25 sáng, thông báo: "Về cơ bản, chúng tôi đã đồng ý với dự thảo Tuyên bố, nhưng vẫn phải chờ Tổng Bí thư duyệt, vì giờ quá muộn và sáng sớm mai mới xin ý kiến được. Dan trả lời: "Bằng mọi giá, ông cũng phải nhớ giúp tôi và báo lại trước 8h00 sáng, vì khi đó bà Susan Rice - Cố vấn An ninh Quốc gia và tôi sẽ phải báo cáo Tổng thống. Ông phải báo cho tôi trước đó, chậm nhất là 7h30 sáng, không thì tôi cũng chết".

Sáng hôm sau, 7h00, tôi tháp tùng lãnh đạo chủ chốt của đoàn lên báo cáo Tổng Bí thư và được thông qua. Khi tôi gọi điện lại cho Dan thông báo, thì lúc đó đã là 7h25 phút, vừa vặn kịp như đã hứa.

Đó là chuyện hậu trường, còn những gì diễn ra trong cuộc gặp chính thức thì báo chí nói cả rồi. Tôi kể mấy chuyện đó để thấy, trong ngoại giao, cùng với những quy chuẩn chính thức, thì cũng có nhiều chuyện ngoài lề và khi thực sự có được tình bạn giữa các nhà ngoại giao, thì có rất nhiều việc chúng tôi có thể cùng giúp nhau giải quyết, theo những cách rất riêng như vậy.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Việt Nam trên đất Mỹ - 23

- Tô Lan Hương:  Làm ngoại giao 38 năm, anh nghĩ điều gì sẽ là mấu chốt để xây dựng được niềm tin và tình bạn lâu dài giữa những người trong giới mình?

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi không biết người khác thế nào, nhưng với tôi, chỉ có hai nguyên tắc quan trọng, điều mà tôi luôn chia sẻ với những người làm ngoại giao thế hệ sau mình.

Điều đầu tiên: Tôi đã chơi với bạn, thì sẽ thực sự coi họ là bạn.

Điều thứ hai: Dù là một Nhà ngoại giao, tôi vẫn lựa chọn sự thành thật, chứ không lựa chọn sự nói dối. Nguyên tắc là, khi không thể nói thật được, xin hãy đừng nói dối. Có nhiều cách để thể hiện điều này. Tôi rất dị ứng với câu nói "Làm chính trị hay làm ngoại giao thì luôn sẵn sàng nói dối". Đừng nói dối, vì đến một ngày, họ sẽ biết thôi, vì giờ đây có biết bao kênh thông tin để mà đối chiếu, khi họ biết mình nói dối, thì lòng tin ấy sẽ mất đi vĩnh viễn. 

Nhiều khi mình phải truyền đạt chỉ thị của thủ đô, phía người nghe có thể thắc mắc, vặn vẹo, khi đó mình không thể tùy ý giải thích, có lúc chỉ có thể nói: "Tôi không thể có câu trả lời nào khác ngoài chỉ thị như trên". Nó thể hiện cái thật của mình là truyền đạt ý kiến của thủ đô, quyết sách của quốc gia, vượt khỏi thẩm quyền của người làm ngoại giao. Thể hiện được sự chân thành và thẳng thắn, kể cả khi gặp những tình huống khó xử trong quan hệ hai nước. Tôi theo đuổi nguyên tắc đó suốt chặng đường làm ngoại giao của mình.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Nội dung: Tô Lan Hương

Ảnh: Thanh Thanh

Thiết kế: Thủy Tiên