Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình ở vùng dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Một tổ chức của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra bất bình đẳng giới trong việc phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình, cộng đồng DTTS.
Chăm sóc không được trả công
Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) đang đặt nhiều hơn vào phụ nữ và trẻ em gái.
Phụ nữ DTTS chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và trong cộng đồng DTTS.
Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS kém phát triển, như: điện, nước sạch cho sinh hoạt, đường giao thông, chợ, trường học, trạm y tế,... thiếu thốn hoặc xa nơi ở.
Hạn tầng ở vùng DTTS còn thiếu thốn các trang thiết bị hỗ trợ công việc nội trợ, chăm sóc trong hộ gia đình, như: thiếu các dịch vụ có chất lượng trông trẻ, chăm sóc người già, người ốm; thiếu các thiết bị hỗ trợ nội trợ trong hộ gia đình, thì gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc của phụ nữ DTTS càng nặng nề hơn.
Có 74% phụ nữ DTTS và 5% trẻ em gái DTTS thường xuyên đảm nhận công việc đi lấy nước sinh hoạt trong hộ gia đình, so với tỷ lệ tương ứng của cả nước và 65% và 2%. Có 20% hộ gia đình DTTS mất hơn 30 phút đi lấy nước sinh hoạt, so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là gần 4%.
Đối với các DTTS theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong hoạt động kinh tế tạo thu nhập, đồng thời họ cũng chịu trách nhiệm chính trong công việc nội trợ, chăm sóc của hộ gia đình.
Nhận thức của phụ nữ DTTS và cộng đồng người DTTS bị ảnh hưởng nặng nề của định kiến và khuôn mẫu giới về phân công công việc trong gia đình, áp đặt công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm trong gia đình là trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ.
Còn thiếu cơ sở dữ liệu cập nhật về công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ và nam giới DTTS.
Năm 2019, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê đã đưa nội dung về công việc chăm sóc không được trả công vào cuộc Điều tra Lao động Việc làm hàng năm. Đây là cơ sở dữ liệu cập nhật và tin cậy để phục vụ cho phân tích giới và đề xuất các khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực; đáng tiếc là cuộc điều tra này không có thông tin về các DTTS.
Một số giải pháp khắc phục
Từ thực trạng, UN Women đã đưa ra khuyến nghị cần thúc đẩy chia sẻ gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và cộng đồng DTTS.
Để thực hiện khuyến nghị trên, UN Women cho biết, cần tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới về công việc chăm sóc không lương của phụ nữ, hộ gia đình và cộng đồng DTTS.
Đối tượng truyền thông bao gồm cả phụ nữ và nam giới, cả trẻ em trai và trẻ em gái DTTS. Thúc đẩy sự chia sẻ trách nhiệm và phân công lại công việc chăm sóc trong hộ gia đình DTTS.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở ở vùng DTTS có đáp ứng giới như: trường học, trạm y tế, nước sạch, đường giao thông, chợ.
Cụ thể, quy định tỷ lệ phụ nữ DTTS/tổ chức đại diện của phụ nữ DTTS được tham gia, có tiếng nói đại diện trong các quyết định liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương; đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng lực (đào tạo/tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ DTTS/tổ chức đại diện) để tham gia vào các quyết định về phát triển cơ sở hạ tầng.
Nghiên cứu phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả ở vùng DTTS&MN về chăm sóc người già, trẻ nhỏ và người ốm; dịch vụ cung cấp nước sạch tới các cụm dân cư ở vùng DTTS để giải phóng sức lao động của hộ gia đình DTTS về công việc chăm sóc không được trả công.
Tăng cường hoạt động khảo sát, nghiên cứu sử dụng phương pháp và công cụ của quốc tế để đo lường thời gian phụ nữ và nam giới DTTS giành cho công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình.
Khuyến khích các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách áp dụng phương pháp tiếp cận khoa học về công việc chăm sóc không lương trong hoạch định và thực hiện chính sách cho vùng đồng bào DTTS.
Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới ở Việt Nam tăng 4 bậc
Những năm vừa qua, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội ngày càng đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua. Chính phủ đã tích cực, chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình về bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.