1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Ngãi:

Hậu phương vững chắc trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

(Dân trí) - Những chiếc tàu cá thẳng tiến ra Hoàng Sa, mang theo niềm tin và hi vọng vào chuyến biển “bội thu”. Phía sau những ngư dân đang vươn khơi bám biển là những người phụ nữ đảm đang, hậu phương vững chắc tiếp sức ngư dân yên tâm ra biển Đông.

Đã từ rất lâu rồi, khi ngư dân bắt đầu vươn khơi xa, cũng là lúc người vợ kiêm luôn bổn phận thay chồng dạy con. Bởi lẽ, sự hiện diện ở Hoàng Sa và Trường Sa chiếm hơn 2/3 thời gian ở nhà trong suốt 1 năm.

“Mỗi lần chồng tôi ra Hoàng Sa, thời gian trung bình chiếm khoảng 1 tháng trời, lúc về ở nhà khoảng vài ngày là đi lại thì lấy thời gian đâu bên cạnh gia đình để dạy dỗ, chỉ bảo con cái học hành”, chị Trần Thị Hoa (42 tuổi, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) – vợ ngư dân Trần Thanh Nhân (chủ tàu cá QNg 94325-TS) tâm sự.

Vừa rời cảng Sa Kỳ ngày hôm 21/5, tàu cá của ngư dân Trần Thanh Nhân cùng 12 ngư dân lại lên đường ra Hoàng Sa. Chị Hoa ở nhà dạy dỗ 2 con đều chăm ngoan và học giỏi. Đó chính là niềm vui, tự hào giúp ngư dân vươn khơi xa.
Chị Lệ nắm bắt tình hình của chồng hàng giờ nhờ máy I-com ở nhà.

Chị Lệ nắm bắt tình hình của chồng hàng giờ nhờ máy I-com ở nhà.

Không chỉ đảm nhiệm hậu phương gia đình, nhiều chị em thay phiên trực bộ đàm I-com kết nối với tàu cá của địa phương ở Hoàng Sa, Trường Sa. Khi tiếp nhận thông tin thời tiết phức tạp, các chị liền thông báo cho các tàu cá tìm nơi tránh bão.

Chị Võ Thị Hải (ngụ thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) cho biết: “Mỗi buổi trưa, các chị em tập trung tại điểm máy I-com để nghe thông tin các tàu cá và nói chuyện với chồng, con. Còn buổi tối thì nghe thông tin thời sự trên truyền hình, rồi thông báo lại cho tàu cá đang hoạt động ở Hoàng Sa và Trường Sa. Thật lòng, chồng con ra khơi, người phụ nữ ở nhà không khỏi lo lắng, bởi nghề biển luôn đối diện nhiều hiểm nguy, thiên tai, gió bão. Gần đây, tàu Trung Quốc lại gia tăng uy hiếp, tấn công tàu cá của ngư dân mình, chúng tôi lo lắm. Cho dù hiểm nguy như vậy, tôi luôn động viên chồng cùng anh em đi biển, quyết chí không bao giờ bỏ biển và giữ lấy biển của ta đến cùng”.

Lo lắng cho chồng, chị Trần Thị Lệ (ngụ thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) một mực đòi chồng – ngư dân Nguyễn Liên (chủ tàu QNg 22032-TS) mua thêm bộ I-com đặt ở nhà để hàng giờ, hai vợ chồng chị Lệ có thể nói chuyện và thông báo tình hình thường xuyên.

Chị Lệ tâm sự: “Từ khi lắp máy I-com ở nhà, nhiều ngư dân liên lạc qua đây nhờ gặp vợ để nói chuyện, hỏi thăm tình hình lẫn nhau. Cứ tối đến, nhà tôi lại đông vui khi chị em tập trung xem thời sự, nghe tình hình của chồng và cùng nói chuyện gia đình thật vui. Nhờ đó, tình đoàn kết làng xóm trở nên tốt đẹp hơn”.

Từ chuyện dạy dỗ con cái, đến việc kết nối thông tin qua I-com, những người vợ của ngư dân còn làm công tác chuẩn bị trước tàu cá khởi hành, chẳng hạn như vá lưới, lấy nước uống, khiêng đá lạnh bỏ vào khoang, lo gạo ăn và nhu yếu phẩm. Khi tàu cá trở về, họ lại phân loại hải sản và bán cho thương lái.

Chị em khẩn trương vá lưới cho chuyến biển tiếp theo.

Chị em khẩn trương vá lưới cho chuyến biển tiếp theo.
Vợ những ngư dân phân loại cá tại khoang tàu chứa cá để bán cho thương lái.

Vợ những ngư dân phân loại cá tại khoang tàu chứa cá để bán cho thương lái.
Chị em phụ nữ giúp chồng bán lộc biển từ Hoàng Sa, Trường Sa trở về.

Chị em phụ nữ giúp chồng bán lộc biển từ Hoàng Sa, Trường Sa trở về.

Trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi ngư dân là “chiến binh” dũng cảm, gan dạ. Tại quê nhà, các chị, các mẹ là hậu phương vững chắc. 

Hồng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm