1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ký ức Điện Biên:

Hát trên chiến hào còn vương mùi bom đạn

(Dân trí) - Trong những hầm thương binh, trên những bãi đất còn vương mùi bom đạn, những người văn công đã hát, múa một cách say sưa. Không có hoa, không có quà, chỉ có những tràng pháo tay và nụ cười xua tan mệt mỏi, xua tan nỗi đau và sự khốc liệt của chiến tranh.

Nữ văn công Điện Biên Phủ Lê Thị Sáu.
Nữ văn công Điện Biên Phủ Lê Thị Sáu.

82 tuổi, bà Lê Thị Sáu (phường Hưng Dũng, Tp Vinh, Nghệ An) vẫn thong dong đạp xe tới nhà những người bạn để hàn huyên tâm sự. Những lúc vui, bà vẫn ngân nga hát những bài hát ngày xưa - “cái hồi đi văn công Điên Biên” - như bà nói bằng giọng hát cao vút. Lời bài hát có đoạn nhớ, đoạn quên, tên bài hát thì chẳng thể nào nhớ nổi nữa nhưng 1 tháng phục vụ ở chiến trường Điện Biên thì dường như vẫn in đậm trong tâm trí bà.

Từ nhỏ, cô bé Lê Thị Sáu đã nổi tiếng hát hay múa dẻo nhất làng. Những buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ kỉ niệm nào đấy không thể vắng tiếng hát trong trẻo, cao vút của Sáu. “Đầu năm 1954, tôi được điều tới hát phục vụ kỉ niệm ngày Lâm - thổ - sản. Dịp đó, đoàn Tuyên truyền Bình - Trị - Thiên trên đường ra Bắc tham dự Đại hội văn nghệ toàn quân lần thứ Nhất. Tôi được tuyển vào đoàn”, bà Sáu nhớ lại.

Đoàn hành quân lên Phú Thọ để tham dự đại hội. Đến Phú Thọ, nhận được chỉ thị của Bác Hồ “Tạm hoãn đại hội. Các cô, các chú lên Điện Biên Phủ phục vụ chiến sỹ”. Lê Thị Sáu nhập vào đoàn văn công Tổng cục chính trị, hành quân lên Điện Biên Phủ khi cuộc chiến đã vào giai đoạn cực kỳ ác liệt.

“Chiến trường ngổn ngang. Súng, pháo nổ vang trời suốt ngày đêm. Chúng tôi chẳng kịp luyện tập các tiết mục mới, cứ mang những bài hát chuẩn bị cho đại hội ra biểu diễn. Buổi biễu diễn đầu tiên là ngay trong hầm thương binh. Căn hầm chật chội, không thể múa được. Bằng tiếng đệm của cây đàn ghita, chúng tôi đã hát. Hát say sưa, hát bằng cả tấm lòng, tình cảm và tình yêu dành cho những người chiến sỹ vừa bị thương trong trận đánh trước đó”, bà Sáu kể tiếp.

Bà Lê Thị Sáu thời trẻ.

Bà Lê Thị Sáu thời trẻ.

Ngoài những lúc biểu diễn, những văn công như Lê Thị Sáu kiêm luôn công việc của người y tá, của người “săn sóc”, chăm lo cho thương binh từng thìa cháo, từng miếng nước, từng viên thuốc. Rồi chính những bàn tay mềm mại ấy khâu từng bộ quân phục rách bươm vì súng đạn để bộ đội có bộ quần áo lành lặn hơn khi ra chiến trường.

Vuốt mái tóc đã bạc trắng gần hết, bà kể tiếp: “Khi cần thiết, văn công chúng tôi cũng tham gia đưa cơm, nước ra tận chiến hào cho bộ đội đánh giặc. Trong cuộc chiến đấu này, chúng tôi không thể tự cho phép mình đứng ngoài. Mỗi người, bằng sức khỏe, bằng khả năng của mình đều muốn đóng góp vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc”.

Nhiệm vụ chính của đoàn nói chung và của cô văn công Lê Thị Sáu nói riêng vẫn là biểu diễn văn nghệ cho các chiến sỹ. Và họ đã có những buổi biểu diễn “để đời” của riêng mình. Đó là những đêm biểu diễn ngay trên trận địa, khi tiếng súng đã tạm dứt. Khán giả đứng chung quanh, văn công đứng ở giữa biểu diễn. Đang say sưa hát, địch thả pháo sáng đỏ rực cả trời, cả đoàn lại chạy vào hầm cá nhân để trú. Pháo sáng tắt, lại chạy ra biểu diễn tiếp. Có những đêm, buổi biểu diễn phải gián đoạn 2-3 lần vì pháo sáng của địch.

Văn công biểu diễn văn nghệ cho bộ đội tại Điện Biên (Ảnh tư liệu).
Văn công biểu diễn văn nghệ cho bộ đội tại Điện Biên (Ảnh tư liệu).

“Tôi còn nhớ như in lần biểu diễn ngay trên chiến hào. Hôm ấy, chúng tôi được lệnh biểu diễn văn nghệ cho một đơn vị mới chiến đấu trở về. Các anh ấy còn trẻ lắm, mới mười tám, đôi mươi thôi chứ mấy. Ai cũng bơ phờ, quần áo rách tả tơi, mặt mũi, đầu tóc xạm thuốc súng và lấm lem bùn đất.

Chúng tôi đứng biểu diễn ngay trên bãi đất trống, sân khấu chỉ được căng lên bởi tấm ri đô màu xanh, bằng những tấm vải dù thu được của địch. Chúng tôi hát, say mê và cống hiến. Hát như thể nếu chúng tôi ngừng tiếng hát của mình, những nụ cười sẽ tắt trên những gương mặt non tơ và háo hức kia. Buổi biễu diễn không có ánh sáng chiếu rực rỡ của những dàn đèn, không có những bộ quần áo đẹp đẽ, không có loa đài.

Chúng tôi, mặc những bộ quân phục cũng ám mùi thuốc súng và bụi đất. Mỗi khi kết thúc một bài hát, một bài múa, những tràng pháo tay thay cho những bó hoa. Khuôn mặt của các chiến sỹ dãn ra, cứ như thể họ vừa bước lên từ lấm lem đồng ruộng, cứ như thể ngoài kia không có bọm đan, không có những trận đánh sinh tử.

Có thể một hoặc nhiều trong số các chiến sỹ ấy sẽ hi sinh trong trận đánh tiếp theo và đây là lần cuối cùng họ được xem văn nghệ. Điều đó đã thúc dục chúng tôi cống hiến hết những tài năng, năng khiếu và sức lực của mình trong từng điệu múa, từng bài hát. Kết thúc buổi biểu diễn, họ đi về những căn hầm cá nhân, những lán tre nghỉ ngơi trong phút chốc để chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo”, giọng của người văn công già chùng xuống.

Phút hồi tưởng về những ngày hát trên chiến hào phục vụ chiến sỹ Điện Biên.

Phút hồi tưởng về những ngày hát trên chiến hào phục vụ chiến sỹ Điện Biên.

Sau một tháng biểu diễn phục vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ, đoàn được lệnh về Phú Thọ tham gia Đại hội văn nghệ toàn quân. Tại đây, lần đầu tiên trong đời, Lê Thị Sáu được gặp Bác Hồ. Mọi người chạy ra, công kênh Bác lên vai. Bác xua tay và hỏi: “Các cô, các chú trả lời cho Bác, ai có công to nhất trên Điện Biên. Mọi người đồng thanh: “Thưa, là Bác ạ”. Bác lắc đầu cười: “Sai rồi, công lớn nhất là chú Giáp. Các chú lại công kênh đồng chí Giáp đi”.

Rồi Bác bảo mọi người đi chụp ảnh. Các cháu gái được đứng gần Bác hơn, các chú có thắc mắc không? Mấy anh trong đoàn đáp “Có ạ”. Bác bảo: “Các cháu gái là hoa, các cháu trai là cây. Muốn hoa được tươi tốt thì cây phải tưới, phải bảo vệ”. Mọi người vui vẻ cười rồi nhanh chóng xếp hàng chụp ảnh lưu niệm với Bác.

Nheo nheo đôi mắt đã hằn những vết nhăn sâu, bà Lê Thị Sáu cười rồi cất giọng hát. Những câu hát cổ vũ tinh thần chiến đấu, những bài hát dân vận, địch vận đã từng biểu diễn ở Điện Biên năm xưa được cất lên từ chất giọng đã yếu đi nhiều lắm nhưng vẫn ngân vang…

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm