Hành trình xâm nhập lãnh địa của loài trăn ở Sơn La
Tôi lia đèn pin trên một mỏm đá và sững người khi phát hiện một con trăn nằm cuộn tròn trong một hõm đá. Loài trăn này thật lạ, tôi chưa từng gặp bao giờ.
Cuốc bộ đến chân núi Hằng (bản Thín, Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La), tôi nhìn mãi chẳng thấy miệng hang nào, chỉ thấy cây cối um tùm, rậm rạp. Cây cổ thụ bám vào đá, luồn rễ vào vách đá mọc lên.
Cậu thanh niên Vì Văn Quang vạch cỏ đi thoăn thoắt. Phải đến sát chân núi, tôi mới nhìn rõ miệng hang. Miệng hang khá nhỏ, chỉ cao đến ngực người lớn, nên phải khom lưng mới chui vào được.
Ngồi ở cửa hang, Quang chỉ xuống nền đất bảo: “Có nhiều phân cầy ở đây quá. Nếu xuất hiện bọn cầy thì khó có thể gặp được trăn anh ạ. Mấy hôm nay nắng ấm, có thể bọn trăn đã mò ra khỏi hang kiếm ăn”.
Đường xuống hang Hằng
Theo lời Quang, hơn năm nay cậu không chui vào hang Hằng, nên không nắm rõ còn nhiều trăn hay không. Ngoài Quang cùng một số người liều mạng, thì không ai ở bản Thín dám vào hang động này.
Trước đây, cứ vài ngày Quang lại chui vào hang một lần, không phải để bắt trăn, mà bắt cá về ăn.
Trong lòng hang có một con suối lớn, với những vũng nước rất sâu. Trước đây, trong lòng suối có rất nhiều cá, đặc biệt là cá dầm xanh. Chỉ với chiếc đèn pin và chiếc xiên, Quang có thể tóm được cả chục kg loài cá quý này. Những con dầm xanh lớn nặng vài kg, to bằng cái phích.
Tuy nhiên, từ khi người nơi khác biết đến hang Hằng, họ đã tìm vào săn cá, bắt trăn ráo riết. Công nhân xây dựng tuyến đường, thi công các công trình thủy lợi biết đến hang trăn, họ đã tìm vào bắt trăn rất nhiều.
Đám công nhân này còn mang cả bình điện vào hang Hằng để chích cá. Cách đây 4 năm, một toán công nhân người Hòa Bình chui vào hang Hằng mấy tiếng, lúc trở ra, họ khuân ra vô số cá mú, toàn cá dầm xanh. Riêng trăn đá họ bắt được cả bao chuyển ra ngoài Mộc Châu. Loài cá dầm xanh quý hiếm gần như tuyệt chủng vì bị chích điện.
Trưởng bản Vì Văn Đoài kể rằng, có thời gian, đám công nhân kéo vào hang bắt nhiều trăn, dân bản bức xúc, vì họ phạm vào ngọn núi thiêng của bản, nhưng đám thanh niên này ngổ ngáo quá, nên không làm gì được họ. Về sau, một người bị trăn tấn công suýt chết, một người bị rắn độc mổ trúng mặt, họ mới từ bỏ ý định xâm phạm hang Hằng.
Chui vào miệng hang một đoạn, không gian tối đen hiện ra trước mắt. Vì Văn Quang phóng cây gỗ xuống. Từng người một bám vào vách đá, rồi ôm cây gỗ tụt xuống.
Một con đường là khe hẹp như thể hai quả núi tách ra. Quang vừa đi vừa soi đèn pin lên vách đá, ngóc ngách để tìm trăn. Quang bảo, trước đây, chỉ cần chui vào miệng hang độ 100m, là đã gặp được trăn.
Bọn trăn không chui vào từ miệng hang, mà chui từ các khe ngách trên đỉnh núi, sườn núi vào hang, rồi chui từ trong hang qua các khe ngách ra ngoài kiếm sống.
Mỗi khi kiếm ăn no bụng, chúng lại chui vào hang nằm duỗi tiêu thức ăn. Mùa đông, lạnh giá, bọn trăn tụ về núi Phạ Hằng và trú ngụ trong hang Hằng nhiều nhất.
Lòng hang tối đến nỗi như muốn nuốt chửng ánh đèn pin. Cảm giác lần mò trong bóng tối đi tìm bọn trăn quả là ớn lạnh. Ai biết được, từ trong bóng tối, một tên trăn khổng lồ trườn ra xơi thịt người.
Tuy nhiên, chúng tôi đi mải miết, lần tìm từng khe ngách, mà không thấy tên trăn nào. Chỉ thấy những nhũ đá đủ các loại hình thù, từ con rùa, con ngựa, voi, đến cả hình… trăn.
Một vài khe ngách bằng phẳng có những vệt trắng xóa. Nhìn kỹ những vết trắng ấy thì biết là da trăn lột bỏ. Nhiều xác trăn mới lột vẫn còn rõ nguyên hình hài.
Đi hết khe hẹp dài mấy trăm mét, thì đến khoảng không gian rộng rãi hơn. Vách núi rất cao, soi đèn pin mà chẳng thấy trần hang đâu. Quang bảo, bình thường, khu vực này có hàng chục con trăn trú ngụ.
Trước đây, mỗi lần vào hang bắt cá, đi qua khu vực này, Quang phải dò dẫm từng bước. Nếu gặp trăn nhỏ, loài trăn đá, thì nhẹ nhàng đi tiếp, còn gặp trăn gió, trăn mắt võng, thân to bằng cái phích, dài 7-8 mét, thì tìm đường rút lui.
Loài trăn khổng lồ này tuy không hung dữ, không có độc, nhưng nếu nó đói, coi người như con mồi, thì mất mạng là cái chắc.
Quang soi đèn chỗ chân tôi đứng và chỉ những mẩu xương nhỏ, nát vụn, gồm nhiều loại xương, nhiều nhất là xương gà. Quang bảo, xương này do bọn trăn thải ra. Những loại xương nhỏ, xương mềm chúng tiêu hóa hết, nhưng xương ống, xương cứng, thì nó nôn ra đằng miệng.
Tôi đang tỏ vẻ thất vọng, thì Quang bảo thấy trăn rồi. Nhìn theo ánh đèn pin của Quang, tôi thấy rõ là một con trăn, thân vàng đốm đen trắng. Đó chính là loài trăn gấm, còn gọi là trăn đất. Loài trăn này lớn nhất Đông Nam Á. Kích thước cực đại của nó có thể lên đến 10m, nặng trên 200kg. Con trăn này chỉ to bằng chai nước Lavie 1,5 lít. Ước chừng nó nặng cỡ 30kg, dài khoảng 3,5m.
Tuy nhiên, con trăn nằm trên vách đá cao và cheo leo quá, đèn pin không đủ sáng, không lấy nét được. Để chụp được ảnh con trăn này, tôi quyết định bám vách đá trèo lên gần nó.
Thế nhưng, khi trèo cách nó khoảng 5m, thì con trăn ngóc đầu lên nhìn. Ánh đèn pin chiếu vào mắt nó đỏ lòm. Thấy động, con trăn cuộn thân, trườn vào một khe nứt của vách núi. Nó biến mất trong một khe hẹp.
Quang bảo, nếu đã gặp trăn trong hang, thì chắc chắn sẽ gặp tiếp. Chúng tôi tiếp tục lên đường tiến sâu vào hang, chui vào các ngóc ngách.
Tôi lia đèn pin trên một mỏm đá và sững người khi phát hiện một con trăn nằm cuộn tròn trong một hõm đá. Loài trăn này thật lạ, tôi chưa từng gặp bao giờ.
Loài trăn này có cái đầu đỏ thẫm. Cơ thể loang lổ nhiều màu đỏ, trắng, đen. Trông qua, giống trăn này khá giống với rắn.
Theo Quang, đồng bào bản Thín gọi loài trăn này là trăn đá. Loài trăn đá có khá nhiều ở quanh vùng. Chúng thường xuyên mò về bản Thín trộm gà, vịt. Trăn đá chỉ to bằng điếu cày hoặc bắp chân người, nặng trên dưới 10 kg. Con to cũng chỉ nặng cỡ 20 kg. Loài trăn này tuy nhỏ, nhưng thịt rất ngọt.
Theo Phạm Ngọc Dương
VTCNews