1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Hành trình truy lùng những phạm nhân trốn trại

Trại giam số 6 đóng trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) hiện có gần 3.000 phạm nhân đang thụ án, trong đó có không ít phạm nhân mang án cao nên một số phạm nhân trong đầu luôn nung nấu ý định trốn khỏi nơi giam giữ.

Truy bắt phạm nhân vào trại để… trốn trại

 

Thực hiện Kế hoạch 327 Của Bộ Công an về việc ra quân mở đợt cao điểm tấn công truy bắt đối tượng truy nã (từ 20/6 - 20/8/2011), Đội trinh sát Trại giam số 6 đã tham mưu cho Đảng uỷ, Ban giám thị xây dựng các kế hoạch xác minh, truy bắt các đối tượng đã trốn khỏi Trại giam số 6 từ nhiều năm trước đây nhưng vẫn chưa bắt lại được.

 

Một số cán bộ trinh sát có nhiều kinh nghiệm đã được tuyển lựa để chuẩn bị cho hành trình vào Nam truy bắt những kẻ đào tẩu.

 

Tổ công tác thứ nhất do Trung tá Phan Công Khánh làm đội trưởng, cùng với thượng sỹ Phạm Ngọc Lê thực hiện công việc xác minh, truy bắt tên Lê Hồng Kháng (SN 1960) ở Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Tên Kháng phạm tội trộm cắp tài sản, bị bắt ngày 25/4/1981 với mức án 8 năm tù giam. Thụ án tại trại giam được 1 năm, 6 tháng, 22 ngày thì tên này bỏ trốn (ngày 24/3/1983). Từ bấy đến nay, đơn vị đã nhiều lần cố dò la tin tức, phát lệnh truy nã toàn quốc nhưng hắn vẫn bặt vô âm tín.

 

Tổ công tác nhận được thông tin khá quan trọng: tên Kháng hiện đang cư trú tại xã Hoà Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau khi nắm được thông tin trên, trung tá Khánh và thượng sỹ Lê đã lên đường vào Vũng Tàu. Tại đây, tổ công tác biết tên Lê Hồng Kháng đã thay tên, đổi họ thành Lê Văn Minh, đã có vợ con nơi vùng đất mới.

 

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tên này đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Xuyên Mộc về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý với án phạt tù 48 tháng. Làm việc với Ban giám thị trại Xuyên Mộc và qua đối chất với phạm nhân Lê Văn Minh thông qua những bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng tên này đã phải cúi đầu thừa nhận y chính là Lê Hồng Kháng, kẻ đã trốn trại cách đây 28 năm về trước.

 

Hiện tại, Ban giám thị trại 6 đang đề nghị Tổng Cục cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an cho ý kiến chuyển hồ sơ cải tạo của phạm nhân Lê Hồng Kháng vào trại Xuyên Mộc để tổng hợp bản án hoặc trích xuất tên này về Trại 6 để tổng hợp, buộc hắn phải chấp hành cả hai bản án nói trên.

 

Trốn trại, thay tên đổi họ vẫn không thoát

 

Một chiến công khác cũng do tổ công tác này thực hiện trong thời gian qua là việc lần tìm, truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Hiền (1964), quê ở xã Kim Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tên Hiền phạm vào tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị bắt ngày 17/1/1987, án 5 năm tù, trốn khỏi Trại giam số 6 ngày 9/8/1988. Sau khi trốn vào miền Nam, Nguyễn Văn Hiền đã thay tên thành Nguyễn Văn Lợi, tạm trú tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

 

Hành trình truy lùng những phạm nhân trốn trại  - 1

Đối tượng truy nã Nguyễn Văn Hiền bị bắt lại sau 23 năm lẩn trốn.

 

Quá trình xác minh tại đây, chính quyền địa phương cũng như công an sở tại đã nhiệt tình giúp đỡ trong việc gọi hỏi đối tượng. Sau một thời gian quanh co, tên Nguyễn Văn Lợi đã buộc phải thừa nhận chính y là Nguyễn Văn Hiền, kẻ đã đào tẩu khỏi trại giam vào tháng 8/1988. Xót xa hơn, thời điểm phải tra tay vào còng để về lại trại 6 chịu án, tên Hiền đã có vợ và 4 đứa con. Phạm nhân Nguyễn Văn Hiền hiện đã được di lý về trại giam số 6 để tiếp tục thụ án.

 

Cũng trong dịp này, thực hiện Kế hoạch 327 của Bộ Công an, tổ công tác thứ hai do thiếu uý Bùi Văn Thịnh và thượng sỹ Nguyễn Quốc Lĩnh thực hiện nhiệm vụ xác minh, truy bắt đối tượng trốn truy nã tại địa bàn các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ nguồn tin có được, tổ công tác đã tiến hành truy tìm tên Hoàng Văn Thuận (SN 1964), quê ở xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn về tội cướp tài sản. Tên Thuận bị bắt ngày 16/8/1988, án phạt 8 năm tù, trốn khỏi trại giam số 6 ngày 12/2/1991.

 

Sau khi tiến hành xác minh tại địa phương, được biết Hoàng Văn Thuận đã vào tỉnh Bình Định sinh sống từ nhiều năm nay. Tổ công tác được Ban giám thị cử bổ sung thêm trung tá Nguyễn Văn Minh cùng đảm nhận nhiệm vụ đã tức tốc lên đường vào Bình Thuận để bắt lại tên Thuận về đơn vị tiếp tục chấp hành xong án phạt tù.

 

Tại địa phương sở tại (xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), chính quyền cho hay, đúng là có tên Thuận, đã lấy vợ nhưng chưa có con, tuy nhiên do hắn bài bạc, cá độ nên đã vỡ nợ, hiện đã bỏ trốn lên Tây Nguyên. Thông qua đấu tranh, khai thác vợ hắn là Nguyễn Thị Sen thì được biết, tên này hiện đang tạm trú tại xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

 

Tiếp tục hành trình đến Gia Lai, tổ công tác biết được tên Thuận đang phát rẫy thuê tại một vùng núi thuộc xã Tú An. Được sự phối hợp giúp đỡ của Công an xã Tú An và Công an thị xã An Khê, các trinh sát đã tiếp cận khi y đang ở trên rẫy. Xác định đúng đối tượng, các trinh sát đã xông vào quật ngã, tước con dao trên tay và hạ gục đối tượng.

 

Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, tên Hoàng Văn Thuận đã cúi đầu khai nhận mọi tội lỗi trong quá khứ. Sau chiến công này, hai chiến sỹ Bùi Văn Thịnh và Nguyễn Quốc Lĩnh đã được Ban giám thị Trại giam số 6 khen thưởng đột xuất vì đã có thành tích trong quá trình bắt truy nã.

 

Theo Cảnh Thắng - Trần Thảo

 Lao động