1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hành trình bức ảnh quý "50 năm tuổi" về với gia đình liệt sĩ

Dân trí

(Dân trí) - Tấm ảnh quý chụp trong ngày Tết Nhâm Tý 1972. Cùng năm đó anh Trương Mộng Ly hy sinh. Chúng tôi tin rằng đó là tấm ảnh cuối cùng của anh Mộng Ly mà gia đình của anh chưa có.

Tháng 9/1971, trước tình hình thực tế chiến trường ở miền Nam đòi hỏi phải tăng cường lực lượng quân số, Đảng và Nhà nước có chủ trương thực hiện "công bằng xã hội" trong việc tuyển quân. Thanh niên ở mọi tầng lớp, đối tượng là con em công nhân, nông dân, trí thức hoặc cán bộ các cấp, kể cả những người được đào tạo trong nước hoặc nước ngoài đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự như nhau.

Do vậy, đợt tuyển quân tháng 9/1971 là đợt đầu tiên số kỹ sư, bác sĩ, thày giáo các trường đại học được tuyển vào quân đội theo chế độ nghĩa vụ phụ cấp binh nhì 5 đồng/tháng. 

Đồng đội chúng tôi từ khắp cơ quan bộ ngành, các trường đại học được gọi nhập ngũ về các đơn vị thuộc F325, F304 và Đoàn 808 Tổng cục Hậu cần. Cuối tháng 1/1972, Bộ Quốc phòng cho tập trung gần 250 anh em chúng tôi về sư đoàn 325 (Thượng Thanh - Hà Bắc) để tổ chức học tập chính trị.

Nhân ngày Tết Nhâm Tý (15/2/1972), Thượng tá Nguyễn Công Trang - Chính ủy F325 cùng đoàn cán bộ đến kiểm tra, thăm đơn vị. Đến bếp nấu ăn, được giới thiệu hôm nay xuống bếp làm "anh nuôi" là những anh em đã tốt nghiệp đại học, là kỹ sư, bác sĩ, thày giáo mới nhập ngũ, Thượng tá Nguyễn Công Trang đã gọi chúng tôi ra cùng chụp ảnh kỷ niệm.

Được chụp ảnh nhưng hồi đó chúng tôi không được nhận ảnh. Đến đầu tháng 3/1972, chúng tôi được phân về các đơn vị và mãi đến 50 năm sau tôi mới được nhìn thấy tấm ảnh này. Tấm ảnh do anh Đỗ Kim Môn lưu giữ.

Hành trình bức ảnh quý 50 năm tuổi về với gia đình liệt sĩ - 1

Thượng tá Nguyễn Công Trang (hàng hai, thứ 5 từ phải qua, đã mất năm 2015), anh Đỗ Kim Môn - người lưu giữ ảnh (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua), liệt sĩ Trương Mộng Ly (hàng đầu, thứ 6 từ phải qua) và người viết bài Phạm Huy Hà (hàng hai, thứ 4 từ phải qua).

Dịp kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ, tôi lập nhóm Zalo "Đại học - Binh nhì 1971" với mong muốn tìm lại bạn bè đồng đội cũ. Thật may mắn, qua nhiều kênh giới thiệu, nhiều đồng đội cũ đã lần lượt tham gia nhóm. Từ đây tôi đã gặp được anh Đỗ Kim Môn.

Anh Môn khoe còn giữ tấm ảnh quý chụp trong ngày Tết Nhâm Tý 1972 và anh muốn gửi cho gia đình anh Trương Mộng Ly, liệt sĩ đã hy sinh ngay trong năm 1972.

Chúng tôi tin rằng đó là tấm ảnh cuối cùng của anh Mộng Ly mà gia đình của anh chưa có.

Trong ảnh có 25 người. Trong đó có 9 cán bộ của F325, còn lại là 16 anh em binh nhì chúng tôi. Sau khi đưa bức ảnh lên nhóm, chúng tôi lần lượt tìm lại được gương mặt, họ tên của những đồng đội cũ.

Nói về liệt sĩ Trương Mộng Ly, tháng 3/1972, anh được phân về Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần) và được điều vào đơn vị Binh trạm 172 có nhiệm vụ lắp đặt tuyến ống dẫn xăng dầu cấp cho các binh chủng kỹ thuật. Anh hăng hái lên đường, biết rằng việc lắp đặt đường dẫn xăng dầu là một nhiệm vụ kỹ thuật mới mẻ, khó khăn của ngành xăng dầu quân đội.

Trong điều kiện càng gần mặt trận, bom đạn của địch bắn phá càng nhiều hơn, nên việc bảo đảm bí mật an toàn là rất cao. Nhưng nếu chỉ dùng xe ô tô chở xăng dầu bằng téc hoặc phuy thì không thể bảo đảm cung cấp nhiên liệu cho tiền tuyến. Cấp trên quyết định nhất thiết phải làm được tuyến đường ống xăng dầu tiến sát theo nhu cầu của mặt trận.

Trong một lần đi kiểm tra tuyến ống xăng dầu ở Quảng Trị, anh Mộng Ly đã hy sinh vì bom đạn địch, đúng vào ngày 27/7/1972.

Như vậy là anh Mộng Ly đã hy sinh sau 5 tháng 12 ngày, tính từ ngày chụp tấm hình trên với chúng tôi.

Hành trình bức ảnh quý 50 năm tuổi về với gia đình liệt sĩ - 2

   Liệt sĩ Trương Mộng Ly.

Tấm ảnh quý nhưng đã bị thời gian làm phai mờ. Chúng tôi đưa ảnh đi chỉnh sửa, in phóng và mang đến tặng gia đình liệt sĩ Mộng Ly.

Nhận được tấm ảnh đó, các chị em của anh Mộng Ly xúc động xác nhận đó chính là tấm ảnh cuối cùng của anh mà đến nay gia đình mới biết.

Tấm ảnh đó đúng là kỷ vật quý liệt sĩ Trương Mộng Ly để lại cho gia đình.

Hành trình bức ảnh quý 50 năm tuổi về với gia đình liệt sĩ - 3

Anh Đoan Hùng - em trai của anh Mộng Ly xúc động nhận bức ảnh có sự góp mặt của người anh liệt sĩ.

Việc gia đình liệt sĩ Mộng Ly tìm đưa anh về quê hương Hành Thiện để quy tập cùng với bố mẹ, ông bà tổ tiên cũng là một kỳ công.

Anh Đoan Hùng - người em của anh Mộng Ly, nguyên là sĩ quan Quân khu 5 trong những năm kháng chiến chống Mỹ, sau khi nghỉ hưu, có thời gian đã đi tìm hài cốt anh Mộng Ly.

Anh Hùng lên Cục Xăng dầu được cán bộ chính sách đưa lên Cục Chính sách để tra tìm hồ sơ, đã tìm được cả sơ đồ mộ chí của anh Mộng Ly. Nhưng khi vào tận nơi thì địa phương đã di chuyển 6 ngôi mộ, trong đó có mộ anh Mộng Ly về nghĩa trang mới.

Oái oăm thay, từ ngôi mộ có số, có tên liệt sĩ rõ ràng nhưng khi di chuyển địa phương đã làm nhầm lẫn, thất lạc mộ, các anh từ "CÓ TÊN" trở thành "VÔ DANH". Gia đình đã phải đi lại nhiều lần, đơn vị quản lý nghĩa trang mới hứa hẹn khi có dịp nâng cấp nghĩa trang sẽ tạo điều kiện cho gia đình lấy mẫu để xét nghiệm ADN.

Liệt sĩ Mộng Ly có người em út là Giáo sư Tiến sĩ ngành Y - Trương Việt Dũng nhờ được việc xét nghiệm ADN nên cuối cùng gia đình đã đưa anh Trương Mộng Ly về với quê hương.

Liệt sĩ Trương Mộng Ly sinh năm 1944, quê gốc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. 

Năm 1963, anh vào học trường ĐH Bách khoa ngành Điện. Năm 1968 anh tốt nghiệp ra trường, về làm Thư ký Giám đốc Nhà máy Cơ khí Quang Trung.

Tháng 9/1971 anh nhập ngũ, cùng chúng tôi huấn luyện, công tác và học chính trị trên F325 trước khi vào nhận nhiệm vụ ở chiến trường.

Sống cùng đơn vị, đồng chí đồng đội biết anh là một người đẹp trai, tài hoa, có năng khiếu về thơ văn và luôn sẵn sàng lao vào bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phạm Huy Hà
(Đồng đội của liệt sĩ Trương Mộng Ly)