1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Hành khất xuyên quốc gia

Chuyện Tây đến ta ăn xin, có lẽ đây là những người… tiên phong, và ẩn chứa sau chuyện chơi nhạc, xin bố thí là những câu chuyện khá thú vị của 4 thành viên: Johnnie, Chadmo từ Mỹ, Jimmy - Anh và Triin - Estonia.

Những ngày qua, phố đêm chợ Bến Thành, TPHCM nhộn nhịp hẳn khi một nhóm hát nước ngoài đến biểu diễn và xin những người ăn đêm bố thí. Với phong cách biểu diễn rất nghệ sĩ, họ lang thang khắp quán ăn đêm, chơi nhạc đẫm mồ hôi áo, sau khi đã cho khán giả no nê những bản nhạc theo yêu cầu, họ mới rụt rè ngả mũ xin tiền. Khách cho hay không, nhiều hay ít, nụ cười thân thiện bao giờ cũng luôn nở trên môi.

Dọc đường

Những “hành khất” phương xa có chung hai đam mê là du lịch và âm nhạc. Lớn nhất 34, nhỏ nhất 20 tuổi, nhưng thành tích du lịch của họ thật đáng nể: Triin kém nhất nhóm cũng đã đi qua trên 20 quốc gia. Muốn đi đến đâu, họ tập trung vào chơi nhạc, kiếm đủ tiền mua vé lại lên đường. Johnnie chẳng ngần ngại: “Chúng tôi là nghệ sĩ, chúng tôi chơi nhạc, cống hiến cho người nghe là chính, không quan trọng chuyện họ có cho tiền hay không. Cái chúng tôi cần nhất là sự đồng cảm, chia vui với chúng tôi trong âm nhạc. Hoặc chỉ một nụ cười, tấm hình ai đó chụp khoe chúng tôi xem, hoặc được nghe những câu chuyện về vùng đất mới, con người và cuộc sống. Cái đó quý hơn tiền rất nhiều”.

Triin hào hứng: “Thiên nhiên thật đẹp, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kiếm tiền ở Sài Gòn thật dễ, trung bình một ngày khoảng 400 ngàn. Ăn uống thường được mọi người cho không. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi nhóm đến Cần Thơ, đói bụng ra tiệm bánh mì nhưng không tiền mua. Vậy là chúng tôi chơi nhạc, người xem cho rất nhiều tiền, có anh cho đến 300 ngàn. Khi mua bánh mì người bán không lấy tiền. Những kỷ niệm thân thương ấy chúng tôi không bao giờ quên”.

Vậy nên chỉ dự định ở Việt Nam 2, 3 ngày rồi đi, nhưng nhóm đã ở lại lâu hơn dự định.

Du lịch 60 quốc gia bằng tiền “bố thí”

Cô em út Triin oách nhất khi đã từng đại diện cho Estonia đi thi ghita cổ điển và giành thứ hạng 3 trong số 5 nước tham dự. Jimmy mang chiếc ghita nhỏ xíu có tên gọi Ukelele của vùng Hawaii, Johnnie ôm cây Contrebass to vật vã, Chadmo gọn gàng với 2 dùi trống. Tới đâu, những vật dụng bất kỳ như bàn ghế, chén bát… gom lại là họ đủ một bộ gõ hoà nhịp hoàn hảo với các nhạc cụ khác trong nhóm.

Những nơi “hành khất” đã đi qua, chính vẻ nghệ sỹ, dễ thương, niềm đam mê âm nhạc cũng như theo đuổi lý tưởng sống của họ được nhiều người đồng cảm. Jimmy nói: “Chúng tôi chơi nhạc bằng cả đam mê, để khi nhận đồng tiền của người khác không cảm thấy xấu hổ, vì những gì chúng tôi cống hiến đáng với đồng tiền họ bỏ ra”.

Lần trước ở Bắc Kinh, cả nhóm mặc trang phục truyền thống người Hoa đứng trước cửa một nhà hàng sang trọng chơi nhạc, được nhà hàng mời vào chơi cho khách nghe, đãi ăn thịnh soạn không lấy tiền. Nhưng cũng nhiều lúc cả nhóm phải lao động trong những thời điểm hết sức khắc nghiệt. Jimmy và Triin nhớ lại tháng 10 năm ngoái ở Nga: “Trời âm 20 o C, túi không một xu để đi xe lửa, cả hai đứng dưới cái lạnh gồng mình chơi nhạc cho đến khi đủ tiền mới tiếp tục hành trình. Lúc ấy vừa lạnh, vừa buồn tủi, nhưng cuộc sống phải có những lúc vui buồn như thế mới thực sự thú vị…”. Johnnie cười: “May mắn là chưa bao giờ bị kẹt lại đâu đó vì thiếu tiền cả”.

Rất hiếm khi cả 4 thành viên tụ họp lại với nhau, thường đường ai nấy đi, giữ liên lạc nhau qua e-mail. Sau Việt Nam, nhóm tách ra làm hai, Chadmo đi Singapore, Malaysia...; ba thành viên còn lại đi Trung Quốc và Nhật.

Hành khất xuyên quốc gia  - 1
 Nhóm "hành khất" biểu diễn tại chợ đêm Bến Thành. Jimmy, người Anh, thổi kèn; Triin, Estonia, chơi ghita; Chadmo, Mỹ chơi bộ gõ.

Cả nhóm ai cũng từng chơi trong các nhóm nhạc ở quốc gia nơi họ sinh sống. Johnnie kể: “Bạn tôi chơi nhạc nhiều lắm, họ cũng thích khám phá những vùng đất mới, nhưng thường có tính sĩ diện. Họ quan niệm là nghệ sĩ phải biểu diễn ở nơi sang trọng chứ không phải vỉa hè. 10 năm nay, tôi chưa một lần về lại Mỹ, bạn bè nhiều người bảo khùng, sao không chọn một công việc ổn định, có vợ, có con, mua một chiếc xe xịn thay vì cứ phải nay đây mai đó, ngủ bờ bụi, ăn uống thiếu thốn không khác chi một kẻ ăn mày. Nhưng cũng có nhiều người ghen tỵ khi biết tôi đã đi qua trên 60 quốc gia chỉ với đồng tiền kiếm được từ âm nhạc”.

Triin chẳng biết gì về Trung Quốc, gặp Jimmy chơi nhạc ở Estonia, cô xin theo, rời nhà với 200 đô trong túi, sang Nga chơi. Ngẫu hứng đi Trung Quốc và ở lại đó luôn 3 tháng. Ở Việt Nam, Triin rất bất ngờ và thú vị khi đến Chợ Lớn, Triin giao tiếp thoải mái với những người Hoa ở đây.

Đi và trải nghiệm

Chadmo và Jimmy là hoạ sĩ nên ngoài nhạc cụ, đi đâu Jimmy cũng cặp kè bản vẽ. Gặp người dễ mến, anh ký hoạ chân dung của họ, khi anh chủ khách sạn, khi cô bé bán vé số, chú bé đánh giày, khi là những người bạn mới quen… “Mình chuẩn bị tư liệu, hình ảnh, tranh vẽ viết một cuốn sách. Kể lại những nơi đi qua, nói về danh lam thắng cảnh, cuộc sống bình dị, trong đó có chân dung ký hoạ về những con người mình đã gặp. Một cuốn sách dành cho du lịch, và khi bán nó ở Anh, hy vọng kiếm thêm một số tiền kha khá tiếp tục hành trình đến những nơi chưa đi qua” - Jimmy tiết lộ.

Giai điệu âm nhạc mỗi quốc gia, mỗi vùng miền cũng là mục tiêu săn lùng của các “hành khất” trong mỗi chuyến đi. Chadmo tâm sự: “Âm nhạc với chúng tôi là cuộc sống, là nét văn hoá mà đi cả đời học không bao giờ hết”. Cả bốn người trong nhóm đều ăn chay, không phải do tôn giáo, mà chỉ thử xem cả nhóm ăn chay được bao lâu. Và xem cảm giác khi ăn chay của mỗi người trong một thời gian dài như thế nào. Với Chadmo, ăn chay chỉ là: “Ăn được nhiều, vừa ních căng một bụng xong chừng 10 phút sau lại tiếp tục ăn được nữa”. Còn với Triin: “Người ta nói ăn chay để giảm béo phì, một cô gái có vóc dáng thon thả nhờ ăn chay, vậy cũng đáng chứ!”.

Không nhóm trưởng, không ai chỉ dạy ai, mỗi người tự sống với nếp sống riêng. Không bia rượu, thuốc lá. Ưu tiên số một là âm nhạc, kế đến là du lịch, nước mía, nước trái cây. “Chúng tôi đi để học hỏi, để trải nghiệm, để khám phá vẻ đẹp bình dị cuộc sống chứ không phải đi tìm một lối sống buông thả, ăn chơi, sa đoạ, truỵ lạc” - Johnnie, thành viên lớn tuổi nhất của nhóm khẳng định.

Làm “hành khất”, từng lên đến tột đỉnh của niềm vui, hưởng thụ, của cuộc sống sang trọng, nhưng cũng rơi xuống tận đáy của sự nghèo khổ, cô đơn, lạnh giá, đói lả. Nhưng, nói như Johnnie: “Đấy mới là cuộc sống, là những cảm xúc mà chúng tôi muốn cảm nhận và tận hưởng”.

Rời TPHCM vào 23/5, nhóm dự định đi Đà Nẵng, ở lại đó 3 ngày rồi ra Huế, Hà Nội và sang Trung Quốc, Nhật. Bạn đọc nếu thấy nhóm hành khất Tây nào chơi nhạc tưng bừng nơi đông người thì hãy tới hát cùng họ nhé!

“Khi ngả mũ xin tiền, tôi nhận thấy có rất nhiều ánh mắt ngạc nhiên, một số phá lên cười, một số cười khinh bỉ, có người cười vui vẻ, có người cười cảm phục… Những ánh mắt ấy tôi đã quá quen ở khắp nơi trên thế giới” - Chadmo kể.

Theo Lam Phong
Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm