1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hành động khẩn để chặn sự suy giảm số lượng voi

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam. Theo thống kê, cả nước hiện chỉ còn 15 khu vực có voi, tổng số 70-130 con, đàn lớn nhất cũng chỉ xác định được 10-20 con.

Đàn voi nhà cũng đang suy giảm nhanh về số lượng.
Đàn voi nhà cũng đang suy giảm nhanh về số lượng.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch trên là ngăn chặn sự suy giảm số lượng voi, đảm bảo ít nhất 3 khu vực có voi sinh sống được bảo tồn, phát triển trong thế kỷ 21; giảm thiểu khả năng xung đột voi/người tại vùng có voi phân bố; bảo tồn và phát triển quần thể voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban Chỉ đạo kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam.

Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt, các ngành chức năng sẽ tiếp tục thực hiện dự án bảo tồn sinh cảnh sống lâu dài của voi ở tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An đang có quy mô đàn, sinh cảnh, diện tích vùng sống đáp ứng yêu cầu bảo tồn voi bền vững.

Tổ chức bảo tồn tại chỗ những quần thể voi có số lượng ít, tạo cơ hội tối đa cho voi sinh sống trong thời gian dài. Trong trường hợp xấu nhất khi mọi nỗ lực không thực hiện được, xem xét di chuyển đi nơi khác. Giảm thiểu khả năng xung đột tại vùng có voi phân bố, lập phương án chi tiết thực hiện các giải pháp cụ thể cho từng vùng.

Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi cũng bao gồm việc tổ chức lập hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử voi nhà hiện có để giám sát việc bảo vệ voi chặt chẽ.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc nghiên cứu việc sinh sản voi thuần dưỡng nhằm bảo tồn và phát triển số voi nhà hiện nay; xây dựng và phát triển Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk làm cơ sở cho việc nghiên cứu và bảo tồn voi nhà.

Bên cạnh đó, triển khai chiến dịch giáo dục nhận thức về bảo tồn voi cho các cộng đồng dân cư ở những vùng có voi sinh sống. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật đặc biệt ở các tỉnh liên biên giới, ngăn chặn có hiệu quả các hành động săn bắt, buôn bán voi và các sản phẩm của voi qua đường biên giới.

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 1995 đến nay cho thấy, trên phạm vi toàn quốc hiện chỉ còn 15 khu vực được xác định là có voi sinh sống với số lượng ước tính khoảng 75 - 130 con, phân bố chủ yếu dọc biên giới Việt- Lào và Campuchia, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, các tỉnh Tây nguyên và tỉnh Đồng Nai. Các đàn voi sống rất phân tán và bị xé lẻ thành nhiều nhóm, đàn nhỏ; đàn lớn nhất không quá 10- 20 con. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nếu như không có những biện pháp quản lý tích cực đối với voi ở Việt Nam.

P.Thảo