Bình Định:
Hàng trăm nông dân kéo đến công ty đường đòi món nợ 45 tỉ
(Dân trí) - Bức xúc trước việc Công ty Cổ phần đường Bình Định (xã Tây Gian, huyện Tây Sơn, Bình Định) chậm thanh toán tiền thu mua mía, hàng trăm người dân các xã Tây Giang, Tây Thuận (huyện Tây Sơn) đã kéo đến công ty gây áp lực để đòi nợ.
Theo phản ánh của người dân, vụ mía năm 2013-2014 đã kết thúc nhưng Nhà máy đường Bình Định (thuộc Công ty CP đường Bình Định) vẫn chưa trả nợ tiền mía cho người nông dân. Số tiền công ty nợ của nông dân ở 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai lên đến trên 45 tỉ đồng.
Vì vậy, từ giữa tháng 4 đến nay, người dân liên tục kéo đến nhà máy để gây áp lực, yêu cầu công ty phải nhanh chóng trả tiền hoặc phải có một cam kết cụ thể. Đỉnh điểm là trong hai ngày 28 và 29/4 vừa qua, hàng trăm hộ dân trồng mía kéo đến nhà máy, thậm chí họ còn chuẩn bị băng rôn: “Yêu cầu Nhà máy đường Bình Định trả tiền nợ mía cho nông dân” để đòi nợ.
Ông Nguyễn Hùng (69 tuổi, ở xóm 5B, thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang), một hộ dân trồng bán mía cho Nhà máy đường Bình Định cho biết: “Vụ mía năm nay gia đình tôi cũng trồng được 0,5 ha, cho thu hoạch 30 tấn. Với giá mía tối thiểu hiện nay cũng được 24 triệu, sau khi trừ chi phí phân bón, công thuê chặt mía... cũng kiếm lãi vài triệu trang trải cuộc sống, lo cho đứa út đang học đại học trong TP.HCM. Mọi năm, chỉ 3 ngày là công ty trả tiền, nhưng năm nay cả tháng trời mà công ty không chịu trả nên chúng tôi mới rủ nhau kéo lên công ty đòi nợ”.
Không chỉ người trồng mía đang đứng trước nguy cơ bị xù nợ mà ngay những thương lái thu mua mía của dân, sau đó bán cho nhà máy cũng đang lo lắng. Bởi số tiền công ty nợ rất lớn, người ít cũng cả trăm triệu, người nhiều lên đến cả 1 tỷ đồng.
Anh Lê Đình Lập (40 tuổi, thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang) chuyên đi mua mía của người dân để bán lại cho công ty kiếm lời, phàn nàn: “Đến thời điểm này, Nhà máy đường Bình Định vẫn nợ tôi 180 tấn, tính ra tiền hơn 140 triệu đồng. Trong khi các hộ dân mình thu mua mía đang đòi tiền nhưng bây giờ biết cách nào. Mình cũng chờ nhà máy trả tiền rồi mới có trả cho bà con được”.
Cũng theo anh Lập cho biết, trường hợp bị công ty nợ nhiều nhất là anh Đỗ Đình Cự. Hiện công ty đang nợ anh Cự trên 1,5 tỉ đồng.
Theo ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), cho biết: “Ngay sau khi vụ việc xảy ra, về phía địa phương phối hợp với lực lượng chức năng gồm công an huyện, công an xã để vận động, thuyết phục người dân. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo Nhà máy đường Bình Định phải sớm thanh toán tiền cho nông dân”.
Trước tình hình trên, ngay chiều 29/4, UBND tỉnh Bình Định đã có cuộc họp khẩn cấp yêu cầu Công ty CP Đường Bình Định phải khẩn trương trả nợ tiền mua mía cho người dân.
Đại diện phía Công ty CP đường Bình Định hứa sẽ trả hết số nợ trên 45 tỉ trước ngày 7/6. Cụ thể: từ ngày 21 đến 31/5 sẽ trả 25 tỉ. Sau đó, nông dân phải để công ty bán số đường tồn trong kho sẽ trả 10 tỉ vào ngày 31/5. Đến ngày 7/6 công ty sẽ trả hết 10 tỉ đồng nợ còn lại của nông dân.
Liên quan đến vụ việc trên, theo một lãnh đạo Công ty CP đường Bình Định cho biết, hiện tại Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc công ty này đang phải đi nước ngoài vay tiền để trả nợ cho nông dân để duy trì hoạt đồng nhà máy.
Doãn Công