Quảng Ngãi:
Hàng trăm lò gạch thủ công vẫn nhả khói hành dân
(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo phải chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh trước 31/8/2018. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng trăm lò gạch ngày đêm nhả khói hành dân.
Trước tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 250 lò gạch thủ công hoạt động gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước 31/8/2018.
Đến nay đã hơn 6 tháng so với mốc thời gian cuối cùng theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng các địa phương chỉ xóa bỏ được 51 lò gạch. Hiện còn 192 lò tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, huyện Tư Nghĩa là địa phương có số lò gạch thủ công còn hoạt động nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo thống kê, tại huyện Tư Nghĩa còn 85 lò gạch thủ công tập trung tại các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, thị trấn La Hà... vẫn đỏ lửa ngày đêm. Phần lớn những lò này nằm gần khu dân cư, trường học. Khói từ lò gạch tỏa ra khắp nơi khiến không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Bà Nguyễn Thị Tư (xã Nghĩa Mỹ) cho biết, thời tiết nắng nóng cùng với khói từ lò gạch khiến đời sống người dân bị đảo lộn. Nhiều nhà gần lò gạch thủ công phải đóng cửa suốt ngày đêm. Không chỉ người dân, cây cối cũng bị héo úa, rụng lá.
"Mùi khói rất khó chịu, hít vào là bị tức ngực, chóng mặt. Cây cối còn không chịu nổi nói chi con người. Nghe thông tin chấm dứt hoạt động của mấy cái lò này lâu rồi nhưng đến giờ vẫn hoạt động gây ảnh hưởng đến người dân", bà Tư nói.
Cùng nỗi khổ phải sống chung với lò gạch thủ công, ông Lê Hoàng Anh (xã Nghĩa Mỹ) bức xúc, ngoài khói thì hoạt động của lò gạch còn gây ra nhiều vấn đề khác. Xe chở gạch chạy tấp nập gây mất an toàn giao thông, vật liệu rơi vãi khiến bụi mù mịt.
"Các chú nhìn cây lá 2 bên đường thì biết, một lớp bụi dày bám lên như thế thì ai mà chịu được. Nhà của người dân dọc 2 bên đường phải đóng cửa suốt chứ có dám mở đâu. Bây giờ mà dẹp được mấy cái lò gạch này thì người dân mừng lắm", ông Anh bức xúc.
Theo tìm hiểu của PV, các chủ lò gạch đều biết chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều chủ lò cho rằng đây là nghề truyền thống của người dân địa phương suốt nhiều năm qua. Nếu xóa bỏ lò gạch thủ công sẽ gây khó trong việc giải quyết việc làm, tạo kế sinh nhai cho hàng trăm lao động.
Ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cũng cho rằng, khó nhất khi thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công là giải quyết việc làm và hỗ trợ kinh phí cho chủ lò chuyển đổi nghề nghiệp. Do đó, dù chính quyền địa phương đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp nhưng việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện vẫn chưa được như mong đợi.
"Dù khó nhưng huyện sẽ quyết tâm thực hiện. Chúng tôi đã chỉ đạo các xã, thị trấn phải chấm dứt cho chủ lò thuê đất trước ngày 20/4, tiến đến dừng hoạt động tất cả các lò thủ công trước ngày 30/4/2019", ông Thành nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, cùng với các giải pháp mạnh để dừng hoạt động của lò gạch thủ công, chính quyền địa phương sẽ tìm hướng hỗ trợ người lao động, thu mua nguyên liệu tồn đọng cũng như tìm hiểu về nhu cầu chuyển đổi sản xuất của các cơ sở để đưa ra phương án giải quyết.
Quốc Triều