TT-Huế:
Hàng trăm hồ nuôi tôm “đắp mền” vì... tự gây ô nhiễm
(Dân trí) - Do chưa có hệ thống xử lý nước thải cùng với việc xả thải tùy tiện của các hộ nuôi tôm cá ra môi trường đã làm tê liệt một diện tích lớn hồ nuôi tôm trên cát ở huyện Phong Điền (tỉnh TT-Huế).
Nuôi tôm nhưng "không biết" xử lý nước thải
Một xe cút kít nằm chơ vơ giữa hồ tôm
Tại hồ nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Bảy (xã Phong Hải), hồ rộng 3.000m2 vẫn có nước bơm đều đặn vào nhưng không thấy có con tôm nào ở trong. Người công nhân coi tôm ở đây cho biết “Chúng tôi phải bơm nước hàng ngày để khỏi hư máy chứ đã mấy tháng rồi không nuôi tôm gì hết vì bị dịch bệnh. Đầu năm đến nay có nuôi 2 vụ nhưng rồi đều chết hết vì nước ô nhiễm. Nhiêu hồ quanh đây đã xả hết nước rồi, chắc phải chờ cho đến mùa lạnh mới làm lại để nguồn nước biển được sạch hơn”.
Gần 50 hộ cá nhân, công ty với hàng trăm hồ nuôi tôm tại 5 xã ở huyện Phong Điền đã xả hồ, thu hết tôm bán cách đây mấy tháng và chờ phương án cứu trợ từ huyện. Có nhiều hộ ở xã Phong Hải (nơi nuôi tôm trên cát nhiều nhất) như ông Hồ Thạnh, Nguyễn Thạnh, Mai Văn Kỉnh... đã lỗ trên 1 tỷ đồng chỉ sau 2 vụ tôm mất trắng, gia đình khó khăn thêm chồng chất khi không biết lấy đâu ra tiền lãi trả ngân hàng. Vì lãi vay ngân hàng hiện quá cao nên rất nhiều hộ đã hết khả năng xoay xở.
Việc nuôi tôm để xảy ra dịch bệnh, theo ông Nguyễn Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải là do 2 nguyên nhân: kỹ thuật nuôi và điều kiện môi trường không đảm bảo. Vì hám lợi nên đa số dân đã nuôi tôm rất chật chội: từ 200-300 con giống/m2 - trong khi đó tiêu chuẩn đảm bảo là từ 70-100 con giống/m2. Khi tôm lớn lên không có đủ ôxy nên tôm chết gần hết.
Tiếp đến, do mạnh ai nấy làm nên đã không theo quy hoạch của huyện. Tất cả hồ nuôi đều không có hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải đều được thải ra cát trực tiếp ảnh hưởng đến mạch nước ngầm cũng như thải ra biển làm ô nhiễm nguồn nước mặn. Khi người nuôi tôm dẫn nước biển có chất thải vào để hòa với nước ngọt, vô tình đã đem nước thải về cho hồ nuôi của mình.
Hồ tôm của anh Nguyễn Văn Bảy đang bơm nước cầm chừng dù trong hồ không còn tôm.
Trước tình hình gây ô nhiễm ngày càng trầm trọng (thậm chí một số thôn đã bị ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt), mới đây UBND huyện Phong Điền đã ra công văn yêu cầu: “Từ ngày 1/7/2011 nếu các đơn vị, nhóm hộ không thực hiện hồ xử lý nước thải theo đúng quy định thì sẽ không được nuôi tôm nữa”.
“Hiện, xã chúng tôi đang có phương án 4-5 hộ cùng góp lại làm 1-2 ao xử lý nước thải chung hay đặt đường ống dẫn xa ở biển để tránh ô nhiễm. Tuy nhiên, vì bà con đã bị mất 2 mùa tôm nên nhiều người từ giàu có đã trở thành con nợ. Vấn đề chi phí lắp đặt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải phải cần có sự giúp đỡ từ huyện” - ông Nuôi đề nghị.
Toàn bộ vùng cát của huyện sẽ bị sa mạc hóa
Trong tổng số 5 xã (Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hương) có nuôi tôm chân trắng bị nhiễm bệnh ở huyện này thì xã Phong Hải có số hộ dân nuôi tôm bị bệnh lớn nhất và nguyên nhân lớn nhất vẫn là ô nhiễm môi trường. “Theo quy hoạch nuôi tôm trên cát đến năm 2015 toàn huyện là 500ha, đến 2020 là hơn 700ha. Nếu tình trạng ô nhiễm kéo dài sẽ tác động lớn đến mực nước ngầm, làm mặn hóa toàn bộ nước ngầm, dẫn đến toàn bộ vùng cát của huyện sẽ bị sa mạc hóa hoàn toàn. Lúc đó, toàn bộ hệ thực vật sẽ không sống được. Người dân xung quanh sẽ không có nước ngọt để uống. Một bài học xương máu đã được chúng tôi rút ra từ tỉnh Ninh Thuận khi nuôi tôm bị ô nhiễm môi trường. Sau đó, toàn bộ vùng cát đã bị sa mạc hóa và không thể nuôi trồng động thực vật gì trên đó nữa. Vì vậy phải bắt buộc tất cả cá nhân, tập thể làm tôm trên cát phải làm nghiêm túc hệ thống xử lý nước thải” - ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền lo ngại.
Hiện tại, một số hồ tôm từ đầu năm 2011 đến nay đã làm qua 2 vụ, và bị mất trắng hoàn toàn. Lãi mẹ cứ đẻ lãi con, nhiều nhà đã vay ngân hàng tiền tỷ và có nguy cơ mất trắng nếu dịch bệnh cứ liên tục xảy ra.
Ông Vui kể lại: “Từ khi phong trào nuôi tôm trên cát bắt đầu phát triển từ năm 2007, nhiều hộ dân đã thấy lợi trước mắt và ồ ạt kéo nhau đi nuôi tôm mà không thông qua ý kiến của xã, huyện. Hầu hết các hồ tôm đều không có hệ thống xử lý nước thải mà xả thải trực tiếp xuống cát hay xả ra biển, khi lấy nước biển vào lại hồ thì bị dính nước thải. Vì vậy mà qua thời gian, tôm đã bị mắc bệnh từ các hồ khác hay cũng chính từ hồ mình.
Đồng thời, việc quản lý của chính quyền địa phương xã lúc ấy còn yếu kém, thậm chí có một số cán bộ xã cũng làm sai nên tạo điều kiện cho dân làm theo. Cũng trong thời gian đó, các phòng ban chức năng của huyện chưa sát sao, chưa đi kiểm tra kỹ càng và xử lý không cương quyết. Đến khi được chuyển giao sang vị trí chủ tịch mới (năm 2010-PV), tôi mới làm tiếp tục nên chưa dứt điểm hết được”.
Phong trào nuôi tôm trên cát tại tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi thủy từ huyện Phong Điền vào năm 2000 sau khi việc nuôi tôm sú thất bại. Tuy vậy, đây mới chính là “đòn bẩy” động lực kinh tế nông nghiệp nhờ áp dụng kỹ thuật mới. Nhiều hộ dân đã giàu lên nhờ nuôi tôm trên cát. Từ năm 2007, phong trào phát triển mạnh mẽ nhất khi có càng nhiều hộ dân và doanh nghiệp vào đầu tư nuôi tôm. Cách nuôi tôm chân trắng trên cát khá đơn giản: Đào hố sâu giữa cát, trải bạt chống thấm ở lòng và thành hố, bơm nước mặn từ biển vào - hòa với nước ngọt để có độ mặn thích hợp cho tôm rồi thả tôm giống vào nuôi. Thời gian nuôi tôm này có thể một năm được 3 vụ, đem lại thu nhập nhiều lần cho người dân. |
Đại Dương