1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì nhà máy gây ô nhiễm

(Dân trí) - Dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, thế nhưng nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Đầu tư sản xuất và thương mại LHD (đóng tại xã Bãi Trành và Xuân Bình, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) đã gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân phải kêu cứu.

Dân “sống dở chết dở” vì nhà máy

Theo phản ánh của người dân thôn Nhà Máy, tháng 11/2018 Công ty LHD đi vào hoạt động. Không những tiếng ồn của máy chạy bất kể ngày đêm mà việc ngâm, tẩm gỗ, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc; mùi khói khét lẹt từ ống khói của nhà máy xả ra cũng khiến dân ở đây sống dở, chết dở.

Ông Đỗ Thanh Chiến, thôn Nhà Máy, xã Bãi Trành, bức xúc: “Gia đình tôi sinh sống ở đây đã hơn 20 năm, nhà ngay sát cạnh nhà máy, vì vậy thời gian qua gia đình chúng tôi ăn chung, ngủ chung với tiếng ồn, với mùi hóa chất nồng nặc từ việc chế biến gỗ. Mùi này khiến cho nhiều người đau đầu, chóng mặt… Nhà ai có trẻ nhỏ, người già, thi thoảng lại mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp”.

Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì nhà máy gây ô nhiễm - 1

Hình ảnh bên trong nhà máy chế biến gỗ.

Cũng theo ông Chiến thì không hiểu vì sao nhà máy lại được đóng gần dân cư đến như vậy, chỉ cách dân vài chục mét, không xây dựng gì thêm ngoài việc lấy mặt bằng để đi vào hoạt động. Nhà máy hoạt động mà không hề có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Tại cuộc đối thoại vừa qua với dân, chúng tôi đưa ra 13 ý kiến, nguyện vọng nhưng đại diện công ty lại không có bất cứ phản hồi, cam kết nào”.

“Tai hại nhất là nhà máy này đặt ngay phía trên mó nước phục vụ nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân của 2 xã Bãi Trành, Xuân Bình. Chúng tôi rất sợ các hóa chất trong quá trình chế biến gỗ sẽ ngấm vào mó nước, gây bệnh tật sau này cho người dân” – Ông Lê Văn Thành, một người dân thôn Nhà Máy bức xúc.

Theo ông Thành, đã nhiều lần người dân kiến nghị lên thôn, xã để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng nhà máy không có động thái để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì nhà máy gây ô nhiễm - 2

Một góc nhà máy sản xuất gỗ của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại LHD.

Cụ thể là sau khi người dân phản ánh, chính quyền cũng đã xuống kiểm tra, nhắc nhở, đặc biệt, ngày 24/4, Sở TN&MT cũng đã phối hợp với UBND huyện Như Xuân, UBND xã Bãi Trành, cùng với đại diện của bà con nhân dân đã có buổi làm việc với đại diện của nhà máy. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện.

Khí thải lò hơi có chỉ tiêu CO vượt gấp 8 lần cho phép

Được biết, ngày 6/5 vừa qua, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 2417/STNMT-BVMT chỉ ra những sai phạm của nhà máy này. Theo đó, nhà máy chưa đầu tư đầy đủ các công trình hạng mục theo phê duyệt mặt bằng chi tiết 1/500 tại Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 của Chủ tịch UBND huyện Như Xuân.

Đặc biệt, chưa có giải pháp xử lý triệt để mùi từ 6 hầm sấy gỗ và thu gom toàn bộ nước mưa chảy tràn; không có nội quy an toàn lao động; không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân; khu vực phía trước cổng nhà máy gần khu dân cư lắp đặt 2 máy cưa xẻ gỗ.

Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì nhà máy gây ô nhiễm - 3

Lò ngâm tẩm hóa chất chỉ cách dân vài chục mét.

Công văn này cũng khẳng định: Thực tế, nhà máy hoạt động không phù hợp với bản Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Như Xuân xác nhận; chưa thực hiện giám sát môi trường theo định kỳ…

Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì nhà máy gây ô nhiễm - 4

Nhiều nội dung sai phạm của Nhà máy được Sở TN&MT chỉ rõ.

Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa sau khi tiến hành đo đạc, lấy mẫu và phân tích các thông số ô nhiễm của khí thải lò hơi, không khí xung quanh khu vực hầm sấy gỗ chi kết quả khí thải lò hơi có chỉ tiêu CO vượt gấp 8 lần cho phép (tính theo QCVN 19:2009/BTNMBT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và hóa chất vô cơ).

Từ đó, Sở TN&MTcũng yêu cầu Nhà máy LHD di dời toàn bộ máy cưa, máy xẻ về vị trí mới, đảm bảo cách khu dân cư gần nhất 100 mét, không được xẻ gỗ vào giờ cao điểm (từ 18h-6h sáng hôm sau).

Công văn cũng yêu cầu nhà máy khẩn trương lắp đặt hệ thống thu, hút và xử lý mùi từ hầm sấy gỗ; không được sử dụng gỗ cao su tươi làm nguyên liệu đốt lò hơi; vận hành lò hơi đúng quy trình, kỹ thuật; có giải pháp thu gom và xử lý toàn bộ nước mưa chảy tràn trong khu vực sản xuất của nhà máy… Tất cả các nội dung trên yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 30/6/2019.

Ông Nguyễn Trung Tấn, Chủ tịch UBND xã Bãi Trành cho hay: “UBND xã đã có phản ánh bằng văn bản lên UBND huyện và huyện đã phản ánh tình hình lên Sở TN&MT Thanh Hóa về tình trạng ô nhiễm môi trường của Nhà máy LHD. Trên cơ sở kết luận của Sở TN&MT chúng tôi sẽ giám sát việc di dời các xưởng gỗ ra đúng vị trí quy định; các phần xây dựng phải thực hiện đúng quy hoạch”.

Đáng nói, theo phản ánh của người dân xã Bãi Trành, sau những động thái trên của cơ quan chức năng, Nhà máy LHD vẫn hoạt động bình thường và không thực hiện những chỉ đạo của cơ quan chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện.

Bình Minh