Hàng trăm hộ dân bị “cấm điện” giữa thủ đô
(Dân trí) - Cả tổ dân phố sinh sống ổn định đã 20 năm, vậy mà hơn 1 năm nay, “nại” lý do “đây là khu dân cư không ổn định”, một số hộ lấn chiếm đất công, xã đã cắt điện toàn bộ các nhà, “làm ngơ” trước sự khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
Sự việc trên đã gây bức xúc lâu nay tại tổ dân phố số 2, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, nơi vừa diễn ra cuộc “cưỡng chế” biển số nhà kỳ lạ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổ dân phố số 2 xã Phú Diễn hình thành từ khoảng năm 1988-1989. Từ khi hình thành, các hộ dân ở đây từng nhiều lần kiến nghị UBND xã và Điện lực Từ Liêm cung cấp điện sinh hoạt, nhưng đều bị từ chối với lý do đường sá chưa ổn định.
Vì thế, năm 1990, tổ dân phố đành tự liên hệ, bỏ tiền xây dựng đường điện và Công ty Trường Thành (Bộ Quốc phòng) vì tình quân dân đã đồng ý ký hợp đồng bán điện cho các hộ dân.
Mặc dù phải dùng điện với giá đắt hơn 3-4 lần giá điện sinh hoạt theo quy định của nhà nước, các hộ dân vẫn vui vẻ chấp nhận vì biết là không thể trông chờ vào ai khác. Hơn 20 năm, các hộ đã dùng điện ổn định của công ty Trường Thành.
Tuy nhiên, sau khi GPMB, đường điện cũ đã không thể sử dụng, các hộ dân có đất không bị thu hồi hết lại phải đóng tiền để kéo đường điện mới. Và vẫn như trước kia, UBND xã Phú Diễn tiếp tục “đứng ngoài cuộc”.
Đã vậy, cuối tháng 6, đầu tháng 7/2010, UBND xã Phú Diễn lại có công văn gửi Điện lực Từ Liêm và Công ty Trường Thành yêu cầu ngừng cấp điện đối với các hộ dân nơi đây.
Có mặt khu vực bị “cấm điện” hơn 1 năm này, chúng tôi chứng kiến sự khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống của các hộ dân ở đây. Không chỉ không có điện phục vụ các sinh hoạt thiết yếu, các hộ dân cũng lập tức không có nước sạch để ăn uống, tắm rửa, bởi họ không được cấp nước máy, phải dùng nước giếng khoan, cần có điện để bơm.
Hiện nay, gần 100 hộ dân ở đây phải “bấu víu” vào 7 đường dây điện được kéo “chui” từ trong làng ra. “Mọi người phải chia sẻ, nương tựa vào nhau thôi” - anh Bùi Đăng Huynh, một người dân tổ 2, cho biết.
Các hộ dân ở đây, nhà nào có điều kiện thì sắm máy nổ, ban ngày nổ máy, sạc ắc quy để tối sử dụng. Còn thường thì các hộ dùng đèn, quạt tích điện vì buổi tối điện rất yếu, 7 đường dây kéo tạm khó có để “tải” được nhu cầu của gần 100 hộ dân.
“Chủ tịch xã trả lời rằng khu vực này không phải là điểm dân cư ổn định, rằng đây là đất lưu không do chúng tôi lấn chiếm mấy chục năm nay. Nếu là đất lấn chiếm thì tại chính quyền lại đánh số nhà, thành lập tổ dân phố? Tại sao bao năm qua xã không giải tỏa mà vừa rồi lại bất ngờ “cấm điện”?” - ông Trần Thơ bức xúc.
Cũng theo ông Thơ, xã nói phải “cấm điện” là do một số hộ dân xây dựng lấn chiếm trái phép ra phần đất phía sau, nhưng khi được hỏi đó là những hộ nào và nếu việc đó là có thật, sao lại cắt điện kiểu “vơ đũa cả nắm” như thế, thì ông Chủ tịch xã không trả lời được.
Từ khi các hộ dân ở đây bị “cấm điện”, nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc song sự việc cuối cùng vẫn bị chìm trong im lặng. Ông Chủ tịch UBND xã Phú Diễn Phí Lê Bình từng trả lời một số cơ quan báo chí rằng, khi thống kê được các trường hợp vi phạm lấn chiếm để xử lý thì sẽ cho các hộ dân nơi đây mua điện trở lại.
“Đến nay đã hơn 1 năm rồi, lời ông Chủ tịch xã chỉ là “hứa lèo”. Hơn 1 năm qua, chúng tôi vẫn phải sống trong tối tăm, khổ sở đủ điều, mà trụ được đến giờ cũng là không tưởng!” - ông Tống Tố Nguyên, tổ phó tổ 2, lắc đầu.
Phương Anh