1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

“Lạ lùng” một cuộc “cưỡng chế” biển số nhà

(Dân trí) - Một nhóm dân phòng, công an viên xã Phú Diễn tay gậy, tay xà cầy đến nhà của các hộ dân tổ 2 (mặt đường 32), hùng hục cậy biển số nhà của hơn 100 hộ, rồi gom vào bao tải mang đi.

Vụ việc xảy ra sáng ngày 15/10, trước sự bàng hoàng của hàng trăm hộ dân tổ dân phố số 2, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Sự việc không lớn nhưng hành vi xâm phạm tài sản của các hộ gia đình gây bức xúc trong người dân lại là vấn đề không nhỏ.
 
“Lạ lùng” một cuộc “cưỡng chế” biển số nhà - 1
Người dân tổ dân phố số 2, xã Phú Diễn bức xúc trước cuộc "cưỡng chế" bất ngờ.

Theo lời kể của các hộ dân tại đây, khoảng 9h30 ngày 15/10, một xe ô tô tải chở hơn chục người cầm xà cầy, gậy gỗ bất ngờ “đổ bộ” xuống khu dân phố số 2, xã Phú Diễn. Một số người mặc quần áo công an viên, một số người mặc quần áo thường, dùng xà cầy, gậy gỗ bẩy vỡ, phá hỏng tất cả các biển số nhà của các hộ dân thuộc tổ dân phố số 2.

“Trong khoảng 20 phút, họ đã bẩy vỡ và phá hỏng hơn 100 biển số nhà và thu lại tất cả các mảnh vỡ, cho vào tải, quẳng lên xe ô tô chở đi ngay sau đó.” - nhiều người dân bức xúc.

“Chúng tôi dân hoàn toàn bất ngờ, bàng hoàng và sợ hãi trước hành động này, cũng không kịp có bất cứ phản ứng gì trước hành động đập phá đó.”

Bà Nguyễn Thị Nhạn, số 32 tổ 2, kể lại: “Lúc đó tôi có hỏi vì sao lại dỡ biển số nhà của chúng tôi đã có từ 20 năm nay, do bị hỏng hay mất mà phải làm lại? Họ trả lời: có 40 năm cũng dỡ, đây là lệnh của lãnh đạo UBND xã…”.
 
“Lạ lùng” một cuộc “cưỡng chế” biển số nhà - 2
Một dân phòng cầm mảnh vỡ của biển số nhà mang đi.

Ông Trần Thơ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2, xã Phú Diễn, cho hay, tổ dân phố số 2 được hình thành từ những năm 1986-1989, các hộ dân sinh sống ổn định đã hơn 20 năm nay, được nhập khẩu. Năm 1989, mỗi hộ dân được UBND xã gắn biển số nhà. Năm 2010, thành phố Hà Nội có chủ trương GPMB mở rộng quốc lộ 32, các hộ dân dù còn một số thắc mắc nhưng vẫn chấp hành đầy đủ, giao mặt bằng trước hạn vì lợi ích chung.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế sau khi GPMB, các hộ còn diện tích còn lại, tiếp tục sinh sống, kinh doanh, tham gia hoạt động tổ dân phố, các hoạt động theo trách nhiệm công dân. Do thời gian và quá trình xây dựng mới, nhiều biển số nhà của các hộ bị hỏng hay mất nên các gia đình đã tạm thời lắp các biển số mới để tiện giao làm ăn và các sinh hoạt khác.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Phú Diễn xác nhận sự việc như phản ánh của người dân là có thật. “Anh em đã quá nóng vội” - Bí thư Đảng ủy xã Phú Diễn Vũ Đức Ngọc nói.

Chủ tịch UBND xã Phí Lê Bình lắc đầu: “Các anh này làm vậy là không được. Tôi yêu cầu làm đúng quy định pháp luật, mà lại làm như vậy, phải trao đổi với dân trước đã chứ…”.

Trước đó, ngày 15/10, ông Bình đã ký Công văn 2005/UBND-VP gửi Công an xã, trong đó ghi: Hiện nay, tại vị trí Tổ 2 (đường 32 cũ) xã Phú Diễn có một số hộ tự ý gắn biển số nhà khi chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND xã Phú Diễn giao cho ban công an xã xử lý theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày 15/10 đến 21/10/2011.

Ngay trong sáng 15/10, lực lượng “cưỡng chế” đã “hăng hái” làm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã khi mà chữ ký của Chủ tịch còn chưa ráo mực. Không lẽ vi phạm của các hộ dân ở đây nghiêm trọng đến mức độ như vậy?

Trưởng Công an xã Phú Diễn Bùi Văn Thành nói rằng: “Chúng tôi đi là vận động thuyết phục người dân tự tháo dỡ biển số nhà và họ đã tự nguyện tháo dỡ, anh em gom mang về…”. Tuy nhiên, hình ảnh mà người dân ghi lại, cung cấp cho PV cho thấy rất rõ hành vi “cưỡng chế” của lực lượng chức năng và chính lãnh đạo xã cũng thừa nhận với PV về cái sai của hành động trên.

Một số luật sư cho rằng, hành vi gỡ biển số nhà như trên đã xâm phạm tài sản công dân, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các hộ dân có quyền khởi kiện UBND xã Phú Diễn đòi bồi thường.

Phương Anh