Hàng trăm hiện vật Hội nghị Paris được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Bảo tàng Hồ Chí Minh đang tổ chức trưng bày chuyên đề "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình" với hơn 250 tư liệu ảnh, hiện vật và bài viết.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình" với hơn 250 tư liệu ảnh, hiện vật và bài viết.
Chuyên đề sẽ giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế về bối cảnh, quá trình, kết quả đàm phán Hội nghị Paris trên mặt trận ngoại giao, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Qua đó, khẳng định trí tuệ, sự lãnh đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong từng giai đoạn đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Khẳng định bản lĩnh, tính chủ động, lập trường cương quyết, đường lối thương thuyết khéo léo của phái đoàn ta trong suốt quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.
Triển lãm cũng góp phần tôn vinh các thành viên Phái đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thành công của Hội nghị cũng như quá trình thi hành Hiệp định. Đồng thời góp phần tri ân bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã cổ vũ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý.
Hiệp định Paris do 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris (Cộng hòa Pháp) ngày 27/1/1973. Đây là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; là đỉnh cao và mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam và ghi dấu ấn vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình và công lý.
Nội dung trưng bày chuyên đề gồm 3 phần:
Phần I: Vạch đường tới hòa bình
Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Việt Nam chớp thời cơ vùng lên giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại tái lập chế độ thực dân ở Việt Nam và Đông Dương. Đế quốc Mỹ từ chỗ không quan tâm tới sự trở lại của Pháp đã quay sang ủng hộ Pháp, từng bước can thiệp sâu vào Việt Nam và tiến tới trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam.
Trước tình hình Mỹ leo thang chiến tranh, cả nước Việt Nam đã kiên cường kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Đi đôi với đấu tranh quyết liệt trên mặt trận chính trị, quân sự, Việt Nam ngày càng chú trọng và nâng vị thế của mặt trận ngoại giao lên tầm chiến lược, chủ trương mở đường cho Mỹ đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã buộc Mỹ phải chấp nhận đi tới hội nghị đàm phán với tinh thần "tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự".
Phần II: Mở cánh cửa hòa bình
Theo sáng kiến của Việt Nam, Paris được chọn làm địa điểm tiến hành cuộc hội đàm. Những kinh nghiệm và bài học đắt giá từ Hiệp định Genève năm 1954 đã quyết định ngay từ đầu lập trường cương quyết và đường lối thương thuyết của Việt Nam tại Hội nghị Paris. Gắn liền với diễn biến trên chiến trường và tình hình quốc tế, Hội nghị Paris thể hiện sự mạnh mẽ, tự chủ của Việt Nam trong việc lựa chọn thời điểm lẫn hình thức tiến hành đàm phán và nội dung thỏa thuận.
Hội nghị Paris trở thành sự kiện ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới, với những cuộc đấu lý, đấu trí quyết liệt và gay cấn kéo dài. Để cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về công lý và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 là đỉnh cao của Mặt trận ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
Phần III: Tiến tới hòa bình
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ - Ngụy vẫn ngoan cố phá hoại hiệp định, không thực hiện đầy đủ các điều khoản đã quy định, đẩy mạnh bình định lấn chiếm, tiếp tục thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" với âm mưu "dùng người Việt trị người Việt". Mặc dù với việc ký kết Hiệp định Paris - cánh cửa hòa bình đã mở ra nhưng quân và dân Việt Nam phải tiếp tục những bước chông gai để "đánh cho ngụy nhào", tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, ta đã kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và liên tiếp giành những thắng lợi vang dội. Đặc biệt, với tinh thần tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hòa bình thực sự được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Qua Trưng bày "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình", công chúng hiểu rõ hơn ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với cách mạng Việt Nam và tiến trình để đi đến hòa bình của đất nước ta. Sự kiện này là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Đáng chú ý, trưng bày chuyên đề "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình" còn giới thiệu những hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt hiện được lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh.