1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm "siêu dự án" của TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - TPHCM cho biết, hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, vừa thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND thành phố ký tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vị trí dự kiến tại cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái. Cảng nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa những khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của Châu Á, thuận lợi để phát triển.

Hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm siêu dự án của TPHCM - 1

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: Portcoast).

Đồng thời, cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam, là vùng kinh tế năng động nhất cả nước. Do đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.

Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM nhìn nhận, vị trí của cảng nằm liền kề luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay. Khu vực này có độ sâu khoảng 14m, đảm bảo tiếp nhận thành công tàu có trọng tải đến hơn 232 tấn. Khu vực cũng có chế độ thủy hải văn ổn định, khí hậu thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của bão.

Thực tế thời gian qua, hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đơn vị này cũng đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. 

Hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm siêu dự án của TPHCM - 2

Vị trí dự kiến đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast).

Về tác động đến kinh tế, xã hội của TPHCM và huyện Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế sẽ giúp thu hút số vốn đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng hiện đại. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tạo việc làm cho 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành hậu cần, logistics, thu phí thuế quan...

Khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến đóng góp trực tiếp cho Ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp, các loại phí, lệ phí hàng hải. Tính riêng phí thuê mặt nước, thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, cảng sẽ đóng góp 34.000-40.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách trong giai đoạn được đầu tư hoàn chỉnh.

Đối với quốc gia, Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sẽ giúp khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, vùng Đông Nam Bộ sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế đứng đầu Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng.