1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Lắk:

Hàng rào điện giúp voi có cuộc sống như tự nhiên

(Dân trí) - Hàng rào điện được xây dựng lên nhằm giúp những con voi hoang dã đang được trung tâm bảo tồn nuôi dưỡng có điều kiện đi lại, hoạt động tự do như khi còn ở môi trường tự nhiên.

Ngày 5/11, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk cho biết, trung tâm vừa hòan thành và đưa vào sử dụng hệ thống hàng rào điện để bảo vệ 2 chú voi đang được nuôi dưỡng tại đây.

Ông Luân thông tin, sau 14 ngày lắp đặt, được sự giúp đỡ của 2 nhân viên kĩ thuật của tổ chức Động vật Châu á và của cán bộ Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk hệ thống hàng rào điện đã được đưa vào sử dụng. “Hàng rào điện ngăn cách động vật hoang dã đã được nhiều vườn thú quốc gia trên thế giới sử dụng và rất hiệu quả. Khi đi vào sử dụng, sẽ giúp voi hoạt động tự do hơn, làm cho chúng có cảm giác gần gửi với môi trường tự nhiên hơn” – ông Luân nói.

Hàng rào xung điện có công suất từ 6.4 Kw đến 8.4 Kw, giúp voi không cần bị xích và được tự do vận động trong khuôn viên khu nuôi nhốt.

Jun và Gole được chăm sóc tại tại Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk
Jun và Gole được chăm sóc tại tại Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk

Tổng diện tích được lắp hàng rào bảo vệ khoảng 6.000 m2; có chiều dài khoảng 1.320 m (bao gồm 121 trụ sắt cao 1.5 mét). Hàng rào xung điện có 4 đường dây điện, mỗi lượt dây cách nhau khoảng 32cm, với dòng điện nguồn 220 V, và có 2 ắc quy công suất lớn dự phòng. Hàng rào điện, có tác dụng gây hoảng sợ chứ không gây ảnh hưởng đến tính mạng khi voi tiếp chạm.

Vết thương của Jun đang dần bình phục
Vết thương của Jun đang dần bình phục

Hiện tại, có 2 cá thể voi rừng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk. Theo đó, vào khoảng tháng 2/2014, cán bộ trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk phát hiện một con voi đực khoảng 5 tuổi bị thương ở bàn chân trước bên trái, ngà gần đứt lìa do dính bẫy. Quá trình được chữa trị, chú voi này dần hồi phục. Các chuyên gia Trung tâm bảo tồn voi Thái Lan đã tiến hành chữa trị, vết thương dần phục hồi, chú voi dần di chuyển được. Chú voi này được đặt tên là Jun. Tháng 5/2016, bệnh viện Hoà Hảo của TP Hồ Chí Minh đã sử máy chụp X-quang di động phát hiện, bên trong chân trái phía trước vẫn còn mãnh kim loại dài 20 cm. Sau đó, bên tổ chức động vật châu Á hỗ trợ tiến hành phẫu thuật, gắp mãnh kim loại đó ra. Vết thương của Jun bây giờ trắng, không bầm tím như trước đây. Khả năng phục hồi vết thương này rất nhanh.

Tháng 4/2016, cán bộ Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk tiếp tục phát hiện và giải cứu kịp thời một cá thể voi khoảng 1 tuổi rơi xuống giếng sâu trong rẫy. Chú voi được đặt tên là Gold. Sau này, cán bộ Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk đã đưa Gold trở về với tư nhiên, nhưng chú voi con đã từ chối. Gold được nuôi dưỡng từ đó đến nay.

Trí Tín

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm