Hàng nghìn ô tô điện đang hoạt động “chui”
(Dân trí) - Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, hiện nay các doanh nghiệp của Việt Nam nhập về hơn 1.300 xe điện nhưng mới đăng kiểm 176 xe, số còn lại là hoạt động “chui”.
Thông tin trên được Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Sơ kết đánh giá triển khai thực hiện thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện sáng 22/3, tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Trí, xe điện là ô tô nhưng hiện nay chưa đủ điều kiện đánh giá là xe ô tô. Không có nước nào cho xe điện chạy lẫn với phương tiện khác, tuy nhiên như ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) cho xe điện chạy qua đường vào sân bay rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, hiện xe điện vướng nguồn gốc hồ sơ giấy tờ, thuế. Do đó, muốn quản lý được thì phải có đăng ký đăng kiểm, nếu không quyết tâm làm đăng ký, đăng kiểm 1.300 xe điện này thì không bao giờ làm được.
Thứ trưởng Thọ cho biết, xe hoạt động hiệu quả tại 1 số địa phương về vận tải hành khách du lịch, là loại hình đang trong bước tiến, có sự phát triển nên cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, điều kiện kinh doanh, đánh giá tác động xã hội diện rộng và có tiếp tục phát triển hay không để tham mưu Chính phủ.
Là 1 trong 10 địa phương được Chính phủ cho phép thí điểm xe điện 4 bánh (Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa- Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu - PV), đại diện Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho hay, chỉ Sầm Sơn là có 431 xe (20 xe nhập khẩu), còn lại mua trong nước chỉ có giấy chứng nhận xuất xưởng cơ sở sản xuất và có giấy chứng nhận sản xuất thí điểm thủ tục đăng kiểm còn giấy tờ xuất xưởng đều của doanh nghiệp nên không làm đăng ký được. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT Thanh Hóa cũng thẳng thắn thừa nhận, cả 431 xe điện mà Thanh Hóa đang khai thác đều chưa đăng ký.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cũng cho hay, trong tổng số gần 80 xe điện đang hoạt động thí điểm trên địa bàn tỉnh này thì chỉ có 20 xe được đăng ký đăng kiểm. Có 40 xe hoạt động trong khu du lịch, 30 xe hoạt động trên đường không có giấy tờ nên cần có cơ chế đăng ký đăng kiểm của phương tiện này.
Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - cho hay, xe chạy bằng năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm, loại phương tiện này giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng được hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, do chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ… đều gặp khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C67), Bộ Công an - nêu quan điểm, Bộ Công an mong muốn thực hiện đăng ký quản lý thống nhất toàn quốc, phương tiện đầy đủ giấy tờ cho đăng ký.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, xe không đăng ký vẫn đang hoạt động. Số lượng ô tô điện hiện nay đã đăng ký là 1.269 xe ở các địa phương có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu, chứng nhận môi trường với biển số HC (hạn chế). Các vi phạm về Luật giao thông đều bị xử phạt như người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Với tình hình này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước đang có một khoảng cách và vô tình trở thành đối phó với nhau, hành lang pháp lý chưa đồng bộ. Thời gian tới cần báo cáo Chính phủ dừng thí điểm ở đây mà đưa vào hoạt động bình thường.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu từ nay đến ngày 30/3 các Sở phải tổng hợp lại số lượng xe hiện có, để báo cáo và có giải pháp. Tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đi kiểm tra một số tỉnh về quản lý xe này như thế nào, chậm nhất 2 tháng nữa phải hoàn chỉnh quản lý phương tiện này. Nếu sửa kịp thời trong Nghị định 86 thì thành nề nếp.
Châu Như Quỳnh