Hàng nghìn "hố bom" trên tuyến đường huyết mạch của Đắk Nông
(Dân trí) - Giữa mùa mưa, quốc lộ 28 xuất hiện hàng nghìn vũng nước lớn nhỏ. Tình trạng này kéo dài suốt nhiều năm liền, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông.
Cứ mưa là ngập
Tranh thủ trời nắng, anh Trương Xuân Hải (thôn Xuyên Tân, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) dùng cuốc, xẻng khơi từng vũng nước đọng trên quốc lộ 28, đoạn chạy qua trước cửa nhà.
Gần 2 năm nay, những vũng nước lớn nằm án ngữ trên đường khiến việc đi lại của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi mưa kéo dài nhiều ngày.
Anh Hải cho biết quốc lộ 28 là tuyến giao thông chính, liên kết người dân các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên với trung tâm huyện Krông Nô. Những năm gần đây, tuyến đường có nhiều đoạn đã hư hỏng, thậm chí bị cày nát, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Riêng những "ổ gà, ổ voi" nằm ngay trước cửa nhà anh đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, phần lớn bắt nguồn từ việc người dân bị sập hố.
"Nhiều người đi qua đoạn đường này, do chủ quan nghĩ rằng vũng nước nông mà đi luôn xe xuống dưới, dẫn đến việc bị sập hố, cả người và xe ngã ra đường. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp gặp tai nạn tại đây, may mắn thì chỉ bị ướt quần áo, nhưng cũng có người xây xát, chấn thương", anh Hải thông tin thêm.
Theo người dân địa phương, quốc lộ 28 đoạn qua huyện Krông Nô là đoạn đường tấp nập người và phương tiện qua lại. Đây cũng là đoạn đường xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhất khiến việc di chuyển của các phương tiện từ xe ô tô đến xe gắn máy đều rất khó khăn.
Hiện tại, mặt đường đã bong tróc, ổ gà, ổ voi dày đặc. Những ngày đầu tháng 6, mặc dù trời nắng nóng nhưng vẫn có rất nhiều vũng nước lớn ứ đọng trên mặt đường.
Người dân địa phương phản ánh, khoảng 2 tháng trước, cơ quan chức năng cũng tiến hành vá các ổ gà, ổ voi bằng đá dăm, song đây chỉ là giải pháp tạm thời, không mang lại hiệu quả. Thậm chí, chỉ một tuần lễ sau khi đổ đá dăm đã bị các xe tải trọng lớn "đánh dạt" qua hai bên lề đường, gây nguy hiểm cho người điều khiển xe gắn máy và xe đạp.
Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Đắk Drô (Krông Nô) cho biết: "Việc khắc phục tạm thời không mang lại hiệu quả khiến người dân ở đây rất khổ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, chỉ mong sao cơ quan chức năng sẽ sửa chữa cố định từng đoạn đường, được đoạn nào thì chắc chắn, an toàn đoạn đó, bởi ngày nào cũng có người bị tai nạn té ngã, thậm chí có người phải nhập viện khâu vá vết thương".
Có đường nhưng thiếu kênh thoát nước?
Phần lớn người dân đều cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho tuyến đường hư hỏng nhanh là do hệ thống thoát nước kém. Mỗi khi mưa to, nhiều đoạn đường bị ngập sâu. Không chỉ gặp phải tình trạng xe chết máy do ngập nước, việc xuất hiện, tồn tại nhiều vũng nước lớn trên đường đã gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông. Thậm chí, một số vị trí, nước ngang đầu gối người lớn.
Chị Trần Thị Mười ở xã Đức Xuyên mong mỏi: "Để bảo đảm việc đi lại cũng như giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế của các xã dọc quốc lộ 28, chúng tôi rất mong mỏi cơ quan chức năng đầu tư, xử lý dứt điểm tình trạng xuống cấp của tuyến đường. Chưa năm nào đường xuống cấp, hư hỏng nặng như năm nay, người dân không biết lựa lối nào đi vì chỗ nào cũng có vũng nước".
Theo ghi nhận, tại các vị trí trên quốc lộ 28 như km 282+000 - km 282+700; km 267+ 000 - km 267+500; km 269+000 - km 270+000… đã hư hỏng nặng.
Đặc biệt, mỗi khi trời mưa, khoảng 50m thuộc km 262+600-km 262+650, đoạn qua thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú bị ngập sâu trong nước. Khi xe ô tô đi qua đoạn đường này tạo thành những đợt sóng, tràn vào nhà của các hộ dân sinh sống dọc hai bên đường.
Lãnh đạo UBND xã Quảng Phú cho rằng, tình trạng ngập nước đoạn đường qua thôn Phú Thuận đã diễn ra nhiều năm qua. Cứ mỗi khi trời mưa thì nước từ 2 phía đổ dồn về khiến mặt đường biến thành "ao", ngập sâu trong nước.
Nguyên nhân là đoạn đường này thấp, trũng, người dân dựng các mái vòm ra sát đường, khi có mưa là nước lại đổ hết về đây, trong khi đó mương thoát nước lại nhỏ, nước thoát không kịp. Để đối phó, có hộ dân phải chuẩn bị sẵn vài bao cát để che chắn, ngăn nước chảy vào nhà.