1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

(Dân trí) - Qua thống kê của ngành chức năng Cà Mau và Sóc Trăng, dự báo có hàng chục ngàn hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng trước tình hình hạn, mặn đang hoành hành.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay hạn hán và mặn xâm nhập đã làm cho mực nước trong các kênh, rạch trên địa bàn tỉnh xuống thấp, có nơi bị khô hạn hoàn toàn. Vấn đề này đã ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông bằng đường thủy, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Đến nay, tổng diện tích lúa bị thiệt hại hơn 16.800 ha; hiện có khoảng 3.600 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt; gây sụt lún 147 tuyến lộ giao thông nông thôn, với chiều dài 14km.

Đối với thủy sản, theo dự báo của các cơ quan chuyên ngành, thời gian tới độ mặn nước sông và các ao, đầm nuôi thủy sản tăng cao hơn trung bình nhiều năm, tác động bất lợi đến thủy sản nuôi, đặc biệt tôm nuôi.

Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt  - 1
Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt  - 2

Nhiều mương nước ngọt ở các địa phương đã bắt đầu khô hạn hoặc bị mặn xâm nhập.

Tình hình hạn hán, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng gay gắt hơn trong những ngày tới. Dự kiến có hơn 24.795 ha lúa đông xuân và 340 ha hoa màu bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do thiếu nước; 13.500 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt; nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn bị sụt lún.

Anh Huỳnh Văn Thân (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho hay, từ giữa tháng 12 âm lịch 2019 đến nay thì nguồn nước dưới kênh, trong ruộng lúa bắt đầu khô cạn. Tình trạng khô hạn này khiến diện tích lúa của nhiều hộ dân bị thiếu nước, hạt lúa bị lép rất nhiều, khiến năng suất giảm mạnh.

Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt  - 3
Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt  - 4

Đồng ruộng nứt nẻ.

Nhiều người dân ở Cà Mau cùng nhận định, năm nay hạn đến sớm, nước ở các kênh khô cạn rất nhanh. Từ nhiều năm qua, họ chưa bao giờ thấy tình trạng khô hạn nghiêm trọng đến như vậy, có thể hơn cả thời điểm năm 2016.

Còn theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, tổng lượng mưa thực đo tại các địa phương trong tỉnh (11 trạm) đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 76,9-99,9% và dự báo đến tháng 4/2020 tiếp tục không mưa.

Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt  - 5

Lúa, hoa màu của người dân sẽ thiệt hại không nhỏ do hạn, mặn.

Trước tình hình trên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra do hạn, mặn.

Trong đó, Chủ tịch Cà Mau lưu ý các biện pháp, kỹ thuật sản xuất sát với tình hình, điều kiện hạn, mặn; xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, điều tiết nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cụ thể, có xét đến phương án ưu tiên nước ngọt phục vụ sản xuất tại một số vùng, khu vực nhất định (trường hợp điều tiết nước từ nơi này sang nơi khác, phải được sự đồng thuận của đa số hộ dân tại các khu vực có liên quan).

Đối với nước sinh hoạt, đề nghị các ngành, địa phương phối hợp rà soát, nâng cấp, mở rộng các hệ thống nước nối mạng tại những khu vực cần thiết, đặc biệt tại những vùng thiếu nước ngầm, khó tiếp cận nguồn nước.

Với những nơi không mở rộng được hệ thống nước nối mạng, khẩn trương triển khai các biện pháp chứa nước tạm thời (bồn chứa, bể chứa, túi chứa,...); vận chuyển nước từ nơi khác đến để kịp thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ dân vùng khó khăn nước sạch, về lâu dài nên đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa,... để tích trữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô.

Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt  - 6

Địa phương khuyến cáo người dân tích trữ nước sử dụng những tháng nắng hạn.

Ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều nhà nông đang lo thắt ruột vì mặn xâm nhập sớm khiến đất nứt nẻ, không đủ nước cho lúa phát triển. Một số hộ bơm nước để “cứu” lúa nhưng cũng không yên tâm vì nước bơm vào không phải nước ngọt mà là nước khá mặn. Nhiều người lo lắng vì lúa vụ này coi như mất trắng.

Bà Kim Thị Ánh Nguyệt (62 tuổi, ngụ xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Năm nay hạn đến sớm hơn so với mấy năm trước. Nhiều kênh ở khu vực chúng tôi ở cạn kiệt nước nên không sản xuất được lúa vụ 3. Nhà tôi có ao nuôi cá tra, cá trê, rô phi nhưng không có nước nên cá chết gần hết”.

Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt  - 7

Người dân bên máy bơm không thể hoạt động được vì nước đã gần cạn.

Trước tình hình đó, để bảo vệ diện tích cây trồng và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất bởi hạn hán, xâm nhập mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trong giai đoạn hạn, mặn diễn biến gay gắt cần ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.

Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL nguy cơ thiếu nước sinh hoạt  - 8

Nhiều người dân ở ĐBSCL nhận định, khô hạn năm nay rất khốc liệt.

Trung tâm nước sạch vệ sinh nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua thống kê toàn tỉnh có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với khoảng 26.572 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm đã có kế hoạch cấp nước sạch nông thôn ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 với các giải pháp, như: Nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn; đầu tư xây dựng mới các trạm cấp nước tập trung, khoan thêm giếng tạo nguồn nước… với kinh phí hàng tỷ đồng.

Huỳnh Hải - Xuân Lương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm