1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Hàng ngàn ha lúa hè thu chìm trong biển nước vì mưa lớn kéo dài

(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài trong 3 ngày liền (từ 2-4/9) khiến hàng ngàn ha lúa hè thu, hơn 500ha diện tích ngô, rau màu các loại... trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị ngập nước, đứng trước nguy cơ mất trắng. Hiện, các ban ngành chức năng đang vận hành các trạm bơm tiêu úng để giảm bớt thiệt hại.

Hàng ngàn ha lúa hè thu chìm trong biển nước vì mưa lớn kéo dài - 1

Mưa lớn kéo dài trong 3 ngày liền khiến nhiều địa bàn trên tỉnh Nghệ An bị ngập nặng.

Chiều 4/9, ông Hoàng Đức Ân – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên địa bàn lên rất nhanh, đến thời điểm hiện tại hơn 600ha lúa hè thu đã bị ngập nước.

 Huyện Hưng Nguyên là một trong những địa phương có tiến độ thu hoạch lúa hè thu muộn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Toàn huyện có 4.300 ha lúa hè thu nhưng hiện nay mới thu hoạch được hơn 1/2 diện tích, số còn lại khoảng 1.800 ha đang trong thời kỳ thu hoạch thì bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, trong đó có hơn 600 ha lúa đang bị  ngập nước.

Hàng ngàn ha lúa hè thu chìm trong biển nước vì mưa lớn kéo dài - 2
Hàng ngàn ha lúa hè thu chìm trong biển nước vì mưa lớn kéo dài - 3

Hàng trăm ha hoa màu bị ngập.

 Theo phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyện, mưa lớn khiến hiện mực ở các xã: Hưng Tây, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Thông, Hưng Thắng, Hưng Tân, Hưng Châu... đang lên nhanh. Nếu trời vẫn tiếp tục mưa thì nhiều diện tích lúa tiếp tục bị ngập, đứng trước nguy cơ mất trắng.

Trước tình hình đó, địa phương này đã vận hành các trạm bơm tiêu úng để giảm diện tích bị ngập nặng. “Chúng tôi đã vận hành trạm bơm tiêu úng ở xã Hưng Châu và tiêu qua Bara  Bến Thủy và Bara Nghi Quang thì lúc được lúc không. Khi thủy triều lên thì phải đóng bara này lại”, ông Ân cho biết thêm.

Hàng ngàn ha lúa hè thu chìm trong biển nước vì mưa lớn kéo dài - 4
Hàng ngàn ha lúa hè thu chìm trong biển nước vì mưa lớn kéo dài - 5

Nhiều diện tích lúa bị chìm trong biển nước và có nguy cơ mất trắng.

 Ông Nguyễn Xuân Quang – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc thông tin, mưa to khiến 500ha lúa hè thu trên địa bàn bị ngập; bên cạnh đó nhiều ha hoa màu như ngô, lạc bị hư hỏng.  Các xã Nghi Thuận, Nghi Hoa, Nghi Long, Nghi Xá hiện đang bị ngập nặng do nước lên nhanh.

 Riêng TP Vinh, hiện tại có 750ha lúa cũng đang bị ngập, nếu mưa lớn kéo dài thì số diện tích đứng trước nguy cơ hư hỏng nặng.

 Hiện nay, nhà máy thủy điện Khe Bố và Chi Khê đã tiến hành vận điều tiết nước với lưu lượng xả từ 600m³/s đến 1.800 m³/s, nếu tình trạng mưa lớn kéo dài thì việc ngập úng sẽ tiếp tục xảy ra ở các địa phường vùng hạ du sông Lam như huyện Nghi Lộc, TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương…

 Hiện, các ban, ngành địa phương đang nỗ lực vận hành các trạm bơm để tiêu úng cho số diện tích bị ngập úng, để giảm bớt thiệt hại.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An tính đến 17h ngày 03/9/2019  cho biết: Mưa lớn kéo dài khiến hơn 2.700 ha lúa Hè thu tại các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP Vinh bị ngập nước; 562ha diện tích ngô, rau màu các loại bị ngập (trong đó huyện Nghi Lộc có 380ha, thị xã Cửa Lò 2ha, TP Vinh 180ha). Có 215 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập (trong đó huyện Nghi Lộc: 60ha; Thành phố Vinh: 155ha)...

 Bên cạnh đó, 16 khối, xóm ở TP Vinh và huyện Nguyên bị ngập từ 0,2 đến 0,3m, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Hiện nay nhiều tuyến kênh mương, đường giao thông nông thôn đang bị ngập chưa thống kê được; các địa phương, đơn vị đang kiểm tra, rà soát đánh giá thiệt hại.

 Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương, ban ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh, nhất là khu vực vùng trũng ven sông, ven biển; vùng nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

 Đồng thời, chỉ đạo nhân dân tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín và hải sản đạt yêu cầu thương phẩm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa lũ gây sạt lở. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động sơ tán, di dời dân cư vùng có nguy cơ xẩy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ đập theo các kịch bản đã được phê duyệt.

 Nguyễn Tú