Hàng ngàn cuộc đình công đều vì tiền lương, điều kiện làm việc!

(Dân trí) - Đây là thông tin khái quát đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình nêu khi tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ngày 7/6 của Quốc hội về việc gia nhập công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể…

“Biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi”

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đồng tình với sự gia nhập Công ước số 98 với nguyên lý đảm bảo để người lao động tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức. Theo đại biểu, tham gia công ước để khắc phục hạn chế khi số lượng thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể còn thấp, chất lượng của bản thỏa ước chưa đáp ứng nguyện vọng của người lao động. Không ít doanh nghiệp hợp thức hóa bản thỏa ước lao động tập thể mang tính đối phó.

Theo đó, việc tham gia công ước đòi hỏi hoạt động công đoàn phải sớm sửa đổi. Đại biểu đề nghị thiết kế để cán bộ công đoàn chuyên trách hưởng lương từ tài chính công đoàn bởi họ không hưởng lương từ chủ doanh nghiệp sẽ không bị phụ thuộc thì quá trình thương lượng mới đạt được lợi ích thực chất cho người lao động.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) lo ngại, việc gia nhập công ước này là một thách thức trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển, kinh tế khó khăn, đời sống và việc làm của người lao động còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là nguy cơ đối mặt với khiếu nại liên quan tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế khi CPTPP và Công ước số 98 là hai hiệp định thế hệ mới đòi hỏi cơ chế thực thi mạnh.

Cam kết về thương lượng tập thể và mở rộng phạm vi đình công cũng dẫn tới dự báo, tình hình quan hệ lao động, đình công sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, các xung đột trong và ngoài phạm vi doanh nghiệp cũng sẽ diễn biến phức tạp.

“Thực tiễn ở Việt Nam những năm qua, hàng ngàn cuộc đình công tự phát của người lao động đều liên quan đến vấn đề tiền lương và điều kiện lao động” – đại biểu Bình nói.

Giải trình với các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, thực tế, trong hoạt động thương lượng tập thể, công đoàn luôn quan tâm đến thế yếu của tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động. Theo ông Hiểu, khuyến nghị của quốc tế không cho phép lựa chọn cán bộ là lãnh đạo doanh nghiệp để làm công đoàn, nhất là trưởng phòng nhân sự mà yêu cầu phải là người sản xuất trực tiếp. Tuy nhiên, thực tế, người lao động sản xuất trực tiếp hiện nay đều là công nhân, trình độ, năng lực hạn chế.

“Trong quan hệ lao động, về nguyên tắc là thương lượng, bình đẳng nhưng phía người lao động luôn ở thế yếu nên việc thiết kế pháp luật, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thực hiện quyền này trên thực tế, thương lượng thực chất và hiệu quả” – ông Hiểu nói.

Hàng ngàn cuộc đình công đều vì tiền lương, điều kiện làm việc! - 1

Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo về việc gia nhập công ước 98 trước Quốc hội (Ảnh: Minh Thu)

Tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình chuẩn bị trình Quốc hội tham gia công ước 98, Bộ Lao động đánh giá và rà soát đầy đủ những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Theo đó, 2 vấn đề lớn đặt ra là làm sao để thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất, nhưng phải giữ vững được quan hệ cũng như ổn định chính trị và xã hội.

Ông Dung dự báo, việc ra đời các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bên cạnh tổ chức của Tổng liên đoàn chắc chắn là sẽ gặp những thách thức, khó khăn nhất định. “Vấn đề quan trọng làm sao phải biến khó khăn, thách thức đó thành thuận lợi” – Bộ trưởng lao động nêu quan điểm.

Liên quan đến đề nghị của đại biểu là phải có chương trình hành động, kế hoạch hoạt động sau khi gia nhập Công ước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin Bộ đã thiết kế kèm theo tờ trình về việc gia nhập công ước một bản hồ sơ với kế hoạch hoạt động cụ thể với 9 nội dung.

Để bảo đảm cho các tổ chức người lao động hoạt động thực chất, bảo đảm quyền lợi người lao động và doanh nghiệp, ông Dung cho biết, có 5 vấn đề lớn, trong đó có 3 vấn đề có tính chất nguyên tắc mà buộc chúng ta phải đưa vào luật.

“Những vấn đề này liên quan đến quyền công dân và quyền của tổ chức. Theo quy định Hiến pháp, đó là quyền được tham gia Luật Tổ chức người đại diện, người lao động” – Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Chính phủ không “nuôi” công đoàn

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (phụ trách giám sát về lĩnh vực lao động, tiền lương) nêu ý kiến về quy định tài chính công đoàn. Ông đặt câu hỏi, quy định về phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng 2% trên tổng quỹ tiền lương hiện nay có  bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn nếu đối chiếu với nội dung điều 2 công ước 98 hay không?

“Cá nhân tôi cho rằng, đương nhiên việc quy định kinh phí  này là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn” – ông Lợi nhận xét.

Hàng ngàn cuộc đình công đều vì tiền lương, điều kiện làm việc! - 2

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi góp ý về quy định công đoàn phí (ảnh: Minh Thu) 

Chung quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ quyết định cắt 2% tổng quỹ lương dành cho công đoàn Việt Nam vì đây là vấn đề nhạy cảm và thận trọng. Tham gia công ước 98 thì còn nhiều việc phải làm, trong đó phải xem xét sửa đổi luật công đoàn.

Về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu quả quyết, công đoàn phí không liên quan đến việc can thiệp của nhà nước vào tổ chức công đoàn vì can thiệp là xung quanh mối quan hệ giữa tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp với giới chủ. Ông Hiểu khẳng định công đoàn không lấy kinh phí từ Chính phủ mà 2% kinh phí công đoàn dùng để chi tiêu cho toàn hệ thống, bao gồm lương, các hoạt động thường xuyên, các hoạt động chăm lo như xây dựng thiết chế công đoàn nên có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề này khi tham gia công ước 98.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Bùi Văn Cường cũng khẳng định công đoàn không sử dụng ngân sách nhà nước mà tự thu kinh phí để trang trải cho hoạt động của mình, cũng như để chăm lo cho người lao động. Khoản kinh phí 2% này, hiện tại 69% dành cho công đoàn cơ sở để tổ chức hoạt dộng, còn 31% là cho từ cấp trên cơ sở về đến Tổng liên đoàn để trả lương, tổ chức các hoạt động chăm lo đại diện, xây dụng các điều kiện phục vụ người lao động vì cán bộ công đoàn hiện được xác định là công thức trong hệ thống chính trị.

P.Thảo