1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng loạt “vụ án” đèn trời trong dịp Tết

(Dân trí) - Cơ quan chức năng TP Hà Nội vừa ghi nhận thêm hai vụ đèn trời gây hoả hoạn khiến hàng vạn người dân Thủ đô lâm vào cảnh “tối lửa tắt đèn” giữa ngày Tết.

Thông tin mới nhất từ công an TP Hà Nội, khoảng 18h25 ngày 25/1 (tức 30 Tết), một đèn trời bay vào phần lưới điện cao thế 35KV cấp cho trạm điện Công ty sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Đức Giang (Long Biên). “Cú hạ cánh” bất ngờ này làm hỏng cầu dao cao thế của trạm và gây lan truyền làm vỡ sứ đường dây cao thế 371E2 trạm điện 110 trung gian Gia Lâm, làm mất điện trong diện rộng.

Hàng nghìn người dân tại hai phường Đức Giang, Thượng Thanh (quận Long Biên) và xã Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) chịu cảnh “tắt lửa tối đèn”. Công ty Điện lực Hà Nội tiến hành sửa chữa, đến 19h45 cấp điện trở lại.

Sau đó, chừng 23h15 cũng ngày 30 Tết, tại Trạm điện A15 Kim Giang (Thanh Xuân), một đèn trời bay vào lưới điện cao thế của trạm trung gian 110 KV Thượng Đình. Tình cảnh mất điện trên diện rộng tiếp tục tái diễn tại: Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai), Khu tập thể Kim Giang (Thanh Xuân)...
 
Hàng loạt “vụ án” đèn trời trong dịp Tết - 1

Đèn trời có thể mua rất dễ dàng tại nhiều địa phương (Ảnh minh hoạ - Hữu Nghị)

Đến 3h5 ngày mùng 1 Tết, Công ty Điện Lực Hà Nội cấp điện trở lại cho khu vực bằng nguồn khác và đến 18h ngày mùng 3 Tết đã tiến hành sửa chữa xong phần cáp ngầm hư hỏng.

Danh sách sự cố hoả hoạn do đèn trời “hạ cánh bất tử” tại Hà Nội tiếp tục được kéo dài khi trong ngày mùng 1 Tết xảy ra thêm hai vụ việc. Khoảng 22h ngày 26/1 (tức mùng 3 Tết), một số cáp thông tin trên nóc Bưu điện Hà Nội, ở 75 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm bốc ngờ bốc cháy phừng phừng do một đèn trời mắc phải. Thiệt hại trước mắt là cháy 1 mét cáp thông tin, tuy nhiên thiệt hại về thông tin liên lạc trong khu vực vẫn chưa thể thống kê hết.

Trước đó, khoảng 1h30 ngày 26/1, một vụ cháy đã xảy ra tại xưởng tăm thôn Xà Kiều - huyện Ứng Hoà. Đội Cảnh sát PCCC Hà Đông đã xuất 2 xe cứu hoả và một máy bơm chữa cháy. Thiệt hại ước tính là 30 triệu đồng. Nguyên nhân do đèn trời của người dân đốt, rơi xuống, mồi lửa bằng giẻ dầu nhanh chóng bén vào vật dụng trong xưởng gây cháy.
 
Trong khi đó, tại TP Hải Phòng, cơ quan chức năng tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp đèn trời vô chủ hạ cánh xuống các khu vực nhạy cảm. Đặc biệt, vào đêm 30 Tết theo nhiều người dân chứng kiến cho biết, nhiều đèn trời đã gây nên vụ cháy rừng tại rừng sinh thái Kiến An. Nguy cơ đèn trời gây hoả hoạn các kho xăng dầu cũng là hiểm hoạ luôn rình rập từ nhiều năm nay.
 
Rõ ràng, dù việc đốt đèn trời bắt nguồn từ ước vọng của con người mong cho cuộc sống trường tồn, tốt đẹp hơn nhưng lại đang gây nhiều hậu quả, khó kiểm soát. Còn nhớ, trong những ngày cùng cả nước xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam mới đây, chúng tôi đã thót tim khi tận mắt chứng kiến những đèn trời được người hâm mộ đốt lên, mắc vào hệ thống dây dợ chằng chịt. Trong cơn phấn khích, cả trăm người dân vỗ tay rào rào khi chứng kiến mối hiểm hoạ ngay trước mắt đó.

Đã từng có ý kiến khuyến cáo người chơi đèn trời cần chọn lọc đèn đúng tiêu chuẩn, xác định đúng hướng gió… Thực tế, những phương pháp này là rất “xa xỉ” khi đòi hỏi người chơi phải biết mình đang đứng vị trí nào, cách bao xa với những địa điểm “nhạy cảm”. Mặt khác, việc đặt ra tiêu chuẩn cho đèn trời là điều không tưởng bởi thiết kế quá đơn giản cũng như sử dụng cực kỳ tiện lợi của trò chơi dân gian này.

Vậy làm thế nào để đèn trời thôi không còn gây hoạ? Biện pháp “Cấm” - giống như với pháo nổ cũng đã được nhiều người nhắc tới - tuy nhiên, điều này cũng đỏi hỏi sự cân nhắc thận trọng bởi tính văn hoá, tâm linh của đèn trời…

Phúc Hưng