Quảng Bình:
Hàng loạt tàu cá của ngư dân làng biển nằm bờ vì thua lỗ
(Dân trí) - Những chuyến ra khơi đạt sản lượng không cao, giá hải sản lại thấp đã khiến cho những đội tàu hàng trăm chiếc của xã biển Cảnh Dương phải nằm bờ trong mùa khai thác. Không chỉ ngư dân khổ sở vì mất kế sinh nhai mà kéo theo đó là sự khó khăn của những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tàu cá nằm bờ vì sản lượng, giá cả thấp!
Xã Cảnh Dương là địa phương có truyền thống đi biển, thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) với đội tàu hùng hậu hơn 600 chiếc. Trong thời gian dài, địa phương này nổi tiếng khắp dải biển miền Trung về số lượng tàu đánh bắt vùng biển xa bờ. Nhưng do những ảnh hưởng của tự nhiên và thị trường, đội tàu vang tiếng đó đang phải nằm bờ trong thời gian dài.
Ngư dân tại đây phần lớn làm nghề câu cá hố, những năm trước, mỗi chuyến ra khơi từ 12-15 ngày mỗi tàu thấp nhất cũng thu được 1 tấn cá. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, sản lượng đánh bắt giảm hẳn, nhiều tàu đi biển dài ngày nhưng lượng cá thu về cũng không quá 5 tạ.
“Kế hoạch sản lượng đánh bắt năm nay của Cảnh Dương là 4.500 tấn. Qua 7 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 2.200 tấn nhưng sản lượng chủ yếu từ đánh bắt vùng lộng (ven bờ) chứ sản lượng của đội tàu xa bờ rất thấp. Sắp tới vào mùa mưa bão rồi thì chắc chắn sản lượng theo kế hoạch đề ra sẽ không đạt”, ông Đồng Vinh Quang Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết.
Nguyên nhân chính là do sản lượng đánh bắt thấp, trong khi giá hải sản giảm còn 1 nửa.
Nói về giá cả, những năm trước thương lái mua tại bờ với giá dao động từ 130 - 160 ngàn đồng/kg. Mỗi chuyến đi mỗi tàu thu về khoảng 150 triệu đồng, trừ đi chi phí chuyến đi thì mỗi ngư dân còn được chia khoảng 7-10 triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay, cùng với sản lượng thấp thì giá thu mua cá chỉ với mức giá từ 65- 70 ngàn đồng/kg cũng khiến ngư dân lao đao.
“Sản lượng giảm còn một nửa mà giá cũng bị kéo về bằng một nửa nên mỗi chuyến biển thu về chẳng được bao, nhiều lắm cũng chỉ khoảng 40 triệu đồng. Chưa trả được công cho lao động mà còn lỗ 10 triệu đồng tiền dầu với đá”, chủ tàu Lê Ngọc Tình tâm sự.
Những biển bán tàu như thế này không hiếm ở Cảnh Dương.
Chung nỗi niềm với anh Tình, nhiều tàu lớn của ngư dân Cảnh Dương cũng đang phải nằm bờ vì càng ra khơi càng lỗ. Phần lớn bạn tàu đã đi vào các tỉnh phía Nam làm thuê chứ không thể bám theo tàu mà chẳng có thu nhập đồng nào. Do làm ăn thua lỗ, nhiều chủ tàu trước vay mượn tiền với lãi suất cao, đến nay không trả được đành treo biển bán tàu.
Hậu cần nghề biển cũng điêu đứng
Không nằm ngoài tác động từ việc đánh bắt khó khăn, tàu cá nằm bờ, ngành hậu cần nghề biển tại xã Cảnh Dương cũng đang điêu đứng với những khó khăn chung của ngư dân. Từ đầu năm đến nay, tàu ít chuyến, nằm bờ nhiều nên lượng tiêu thụ dầu, đá lạnh hay lên đà sửa chữa cũng ít dần đi.
Theo tìm hiểu, một nguyên nhân khác khiến dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã biển Cảnh Dương trở nên ảm đạm là do cửa lạch sông Roòn bị bồi lấp nên tàu không thể vào khu neo đậu được. Nhiều ngư dân cho biết, với tàu công suất 400 CV nếu đủ dầu, đá lạnh khi qua lạch có nguy cơ mắc cạn rất cao.
Những cửa hàng xăng dầu, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng trở nên ảm đạm.
Máy móc hen gỉ vì lâu ngày không sử dụng.
Ông Phan Thanh Bình, chủ doanh nghiệp kinh doanh đá lạnh và có xưởng sửa chữa tàu biển tại Cảnh Dương cho biết, xưởng đá lạnh của ông Bình với vốn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng bây giờ cũng chỉ hoạt động cầm chừng vì ít tàu đi đánh bắt xa bờ. Năm 2018, xưởng đá là nơi lao động thường xuyên với thu nhập cao của 6 lao động thì nay họ phải nghỉ vì không còn việc làm.
“Mấy năm trước, mỗi tháng là tôi nhận hàng chục lượt tàu lên đà vào sửa chữa từ duy tu đến đại tu. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, có tháng không nhận được tàu nào. Bà con ra khơi không đủ tiền dầu thì lấy đâu ra tiền mà sửa với chữa nữa”, ông Bình nói.
Nhiều nhà xưởng đóng và sửa chữa tàu thuyền cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
Được biết, tại xã Cảnh Dương có hơn 20 cơ sở làm dịch vụ hậu cần nghề cá như sửa chửa tàu, xăng đầu, đá lạnh…Hiện gần một nửa số cơ sở phải tạm dừng hoạt động, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng vì không có khách hàng. Nhiều thương lái chuyên thu mua hải sản cho làng biển Cảnh Dương cũng lâm vào tình cảnh khan hàng vì tàu không ra khơi.
Tiến Thành