1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Hàng loạt hộ dân miền núi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo

(Dân trí) - Nhiều hộ dân tại huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) mới đây đã làm đơn gửi chính quyền địa phương xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo, trong đó phần lớn là các hộ đồng bào dân tộc như Bru-Vân Kiều, Chứt…

Trao đổi với phóng viên Dân trí vào sáng 8/11, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, trong năm 2019, có 14 hộ dân tại địa phương này đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo.

Các hộ dân làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo phần lớn là đồng bào dân tộc như Chứt, Bru-Vân Kiều đang sinh sống tại các bản, làng thuộc các xã của huyện Minh Hóa như: Tờ Vờng, Cha Cáp, Ông Tú, Bản Lé, La Trọng 1 (xã Trọng Hóa); bản Ón (xã Thượng Hóa)…

Hàng loạt hộ dân miền núi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo - 1

Các hộ dân làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo phần lớn là đồng bào dân tộc như Chứt, Bru-Vân Kiều đang sinh sống tại các bản, làng thuộc các xã của huyện Minh Hóa

Lý do chung mà 14 hộ dân nói trên làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo là vì họ tự nhận thấy không còn thiếu thốn, có thể tự chủ được cuộc sống hằng ngày, mặt khác cũng muốn nhường lại những sự hỗ trợ từ nhà nước cho các hộ còn khó khăn hơn mình.

Theo thống kê của huyện Minh Hóa, từ đầu năm 2019 đến nay, tại địa phương này đã giảm 626 hộ nghèo, 740 hộ cận nghèo. Những số liệu và lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo của các hộ dân cho thấy, đời sống của người dân tại huyện miền núi Minh Hóa đang dần được nâng lên, cơ sở vật chất ngày một cải thiện, cùng với đó là nhận thức, hiểu biết của đồng bào dân tộc đang ngày một chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt của vùng biên giới xa xôi.

Hàng loạt hộ dân miền núi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo - 2

Căn nhà cụ bà Lê Thị Hương, người trước đó cũng làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Trước đó tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), một cụ bà 65 tuổi cũng đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đó là trường hợp của bà Lê Thị Hương (65 tuổi), trú thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch. Bà Hương là người tàn tật, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội và hiện đang sinh sống trong ngôi nhà tình thương, có diện tích khoảng 35m2. Bà Hương có 1 người con trai đang đi làm ở xa, từ trước đến nay, bà thuộc diện hộ nghèo, neo đơn.

Theo bà Hương, tuy sức khỏe yếu lại bị tàn tật, nhưng con trai đã lớn và tìm được việc làm, tự lo cho bản thân, bản thân bà có chế độ hỗ trợ người tàn tật 405.000 đồng/tháng, ngoài ra, bà trồng thêm rau, chăn nuôi thêm gà, vịt... đã tự lo đủ cho bản thân qua ngày, nên tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho hộ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. 

Đặng Tài