Hàn Quốc sẽ xem xét các dự án ODA tại khu vực miền Trung Việt Nam
(Dân trí) - Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh. Riêng tại Thanh Hóa, Hàn Quốc đã đầu tư 37 dự án hơn 1,6 tỷ USD.
Chiều 24/3, tại thành phố Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc. Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - nhấn mạnh: Hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc là sự kiện mở đầu trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI.
"Hiện nay Thanh Hóa có 37 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hàn Quốc liên doanh với Nhật Bản, chiếm 26,5% tổng số các dự án FDI của tỉnh. Các dự án có tổng vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là dự án Nhiệt điện Nghi Sơn II liên doanh với Nhật Bản (vốn đầu tư của Hàn Quốc 1,39 tỷ USD), lĩnh vực may mặc có 21/37 dự án", ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã viện trợ cho Thanh Hóa 5 dự án ODA với tổng nguồn vốn hơn 135 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, phát triển đô thị.
Từ năm 2013 đến năm 2017, thông qua các tổ chức phi Chính phủ, chính quyền thành phố Seongnam đã hỗ trợ khoảng 290.000 USD để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường tiểu học tại các huyện Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Thiệu Hóa; năm 2021, đã tài trợ thực hiện 13 dự án, với tổng giá trị giải ngân đạt 1,841 triệu USD.
Các dự án triển khai thực hiện, đưa vào hoạt động góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương.
Ông Đỗ Minh Tuấn cũng đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục giới thiệu với bạn bè, đối tác của mình đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghệ cao như sản xuất thiết bị điện tử, điện lạnh, linh kiện điện tử, xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử...
Với phương châm "thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh", Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao trên địa bàn. Tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút FDI, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chiến lược phát triển của tỉnh...
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao - hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, tích cực lên ý tưởng và tổ chức buổi "Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc". Hội nghị là dịp để trao đổi những thông tin hữu ích, các ý tưởng hợp tác cụ thể thiết thực, đáp ứng mong muốn của cả hai bên, mở ra thời kỳ hợp tác mới, sâu sắc hơn giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Park Noh-wan - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - bày tỏ niềm tự hào về những thành quả ý nghĩa mà hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được trong thời gian qua.
"Thanh Hóa là trung tâm của ngành công nghiệp hóa dầu, có Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng biển chuyên dụng. Nơi đây cũng là địa điểm thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện với công suất 1.200MW, với sự tham gia của Tập đoàn điện lực Hàn Quốc, doanh nghiệp công nghiệp nặng Doosan. Đây còn là khu vực trẻ và năng động với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 64% tổng dân số. Đặc biệt, năm 2021, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt mức 8,85%", Đại sứ Park Noh-wan nhấn mạnh.
Theo đại sứ Hàn Quốc, nhằm hỗ trợ sự phát triển của tỉnh Thanh, trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện dự án EDCF với quy mô khoảng 120 triệu USD như dự án phát triển nguồn nước, dự án phát triển kinh tế xã hội, và dự án KOICA. Điển hình như dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý nguồn nước sông Mã với quy mô 9 triệu USD.
Đại sứ Hàn Quốc cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến tích cực xem xét các dự án ODA tại khu vực miền Trung nhằm hỗ trợ sự phát triển cân bằng của Việt Nam.
"Sự kiện lần này được tổ chức là cơ hội tốt để cho các doanh nghiệp Hàn Quốc nhận thấy tỉnh Thanh Hóa là điểm đến đầu tư hấp dẫn và địa phương đã sẵn sàng cho các kế hoạch hợp tác mới", Đại sứ Hàn Quốc khẳng định.