Đồng Nai:
Hạn chế dân cư quanh khu vực xây sân bay Long Thành
(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhận định, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành là mô hình phát triển bền vững, linh hoạt sẽ phát triển hội nhập với các thành phố quốc tế. Chính vì vậy, quan điểm của tỉnh là hạn chế tối đa dân cư quanh khu vực xây dựng sân bay.
Ngày 8/10, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các sở, ngành, địa phương để nghe báo và bàn bạc việc quy hoạch khu vực xung quanh Dự án CHKQT Long Thành.
Theo Sở xây dựng Đồng Nai, khu vực quanh CHKQT Long Thành được hoạch bao gồm 4 vùng thuộc nhiều xã của huyện Long Thành và Cẩm Mỹ với diện tích 21.000 ha (chưa bao gồm 5.000 ha CHKQT Long Thành).
Trong đó, vùng phía Bắc CHKQT Long Thành có tổng diện tích hơn 5.700 ha (tiếp giáp đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức – Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành, Quốc lộ 51) sẽ là nơi làm khu nhà ở cho nhân viên hàng không, khu tái định cư, khu dịch vụ và vùng cây xanh.
Ở phía Nam, quy hoạch diện tích 4.400 ha, nơi đây sẽ phát triển khu đô thị mới gắn với trung tâm dịch vụ vận chuyển quốc tế và công nghiệp, công viên và vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, là nơi kết nối khu vực xung quanh sân bay qua các tuyến đường nội khu. Riêng ở hai đầu Đông Bắc và Tây Nam CHKQT Long Thành (nơi làm đường hạ, cất cánh của máy bay), có trên 11.000 ha làm vùng đất nông nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư nông thôn và kho chứa hàng để phục vụ hoạt động của Sân bay Long Thành.
Theo tính toán, diện tích đất quy hoạch và các dự án nêu trên sẽ được tiến hành làm 3 giai đoạn. Trước mắt Đồng Nai sẽ triển khai dự án khu dân cư cùng các đường kết nối với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thiện từ năm 2020 đến sau năm 2025.
Theo đại diện Sở Xây dựng Đồng Nai, đưa ra quy hoạch này tỉnh đã bàn bạc kỹ với Viện Quy hoạch đô thị, nông thôn (Bộ Xây dựng). Qua nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quy hoạch sân bay ở các nước trên thế giới cho thấy, phải thực hiện kết nối giao thông quanh sân bay, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đa phương tiện và tốc độ cao để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cũng như di chuyển hành khách.
Chính vì vậy, trước ý kiến của UBND huyện Long Thành về việc có một số chủ đầu tư xin triển khai các dự án nhỏ như xây dựng nhà kho, mở xưởng sản xuất. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, quy hoạch trên cần được thực hiện một cách khoa học; sẽ đưa vùng xung quanh sân bay trở thành khu vực phát triển kinh tế thịnh vượng và kiến trúc cảnh quan đặc sắc; khai thác tối đa giá trị kinh tế do sân bay mang lại. Đây là mô hình phát triển bền vững, linh hoạt, có khả năng thích ứng theo thời gian và phát triển hội nhập với các thành phố quốc tế.
Để vùng tiếp giáp sân bay phát triển phù hợp với quy hoạch, tỉnh Đồng Nai sẽ không tiếp tục giới thiệu địa điểm cho các dự án vào đây. Đối với những dự án nhỏ đã giới thiệu từ trước không ảnh hưởng đến việc xây dựng và vận hành sân bay, tỉnh đồng ý cho tiếp tục nhưng giới hạn về thời gian và quy mô phù hợp. Quan điểm của Đồng Nai là hạn chế tối đa dân cư quanh khu vực xây dựng sân bay. Các sở, ngành, địa phương cần thông tin chủ trương này của tỉnh để nhà đầu tư và người dân biết.
Theo phê duyệt của Thủ tướng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích hơn 5.000 ha. Đây là cảng hàng không cấp 4F, tiếp nhận được máy bay loại A380-800 hoặc tương đương. Dự kiến, năm 2018, Sân bay Long Thành sẽ chính thức khởi công, song hiện dự án mới có chủ trương đầu tư chứ chưa được phê duyệt, vì thế Đồng Nai chưa thể tiến hành thu hồi đất. Để dự án triển khai đúng tiến độ. Tháng 9/2015, Đồng Nai đã có văn bản gửi Thủ tướng xin cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng đối với Sân bay Long Thành. Theo đó, Đồng Nai kiến nghị cho tách tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và ứng vốn để địa phương bắt tay vào việc thực hiện thay vì phải chờ đến khi báo cáo khả thi dự án được trình lại xin ý kiến Quốc hội.
Vĩnh Thủy