1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hầm đường bộ Hải Vân xuất hiện nhiều vết nứt

(Dân trí) - Thời gian gần đây, theo những tài xế xe tải và người dân thường xuyên qua lại hầm đường bộ Hải Vân phản ảnh, họ chứng kiến nhiều vết nứt xuất hiện.

Cách cửa hầm phía Nam thuộc TP Đà Nẵng khoảng hơn 20m, nhiều vết nứt xuất hiện dọc và ngang hai bên thành và trên vòm hầm. Chiều 1/11, một lãnh đạo của Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) cho biết, đơn vị này đang tiếp tục theo dõi các vết nứt trong hầm bằng cảm quan và bằng máy.
Hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2005
Hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2005 

Kể từ khi xuất hiện các vết nứt trong hầm, Khu quản lý đường bộ V (đơn vị quản lý Hamadeco) đã có công văn báo cáo gửi Tổng Cục đường bộ Việt Nam.

Theo ông Phan Thái - Phó Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ V cho biết, kể từ khi nhận bàn giao công trình đưa vào khai thác (tháng 6/2005), trên đỉnh vòm hầm đã xuất hiện một số vết nứt ngang và dọc đường hầm gây thấm và dột nước xuống mặt đường xe chạy.

Sau đó, Ban quản lý dự án 85 và các nhà thầu đã cho sửa chữa bằng nguồn vốn quản lý và bảo dưỡng thường xuyên bằng biện pháp bơm keo cường độ cao vào các khe nứt. Tuy nhiên hiệu quả không cao và đến nay các vết nứt này đã phát sinh ra các vị trí khác, nước vẫn thấm dột từ trên đỉnh vòm hầm. 
 
Theo Khu quản lý đường bộ V, sau khi đưa vào sử dụng hầm đã xuất hiện các vết nứt gây thấm dột

Theo Khu quản lý đường bộ V, hiện tại các vết nứt này đang có nguy cơ phát sinh và phát triển theo đa phương, chiều dài vết nứt 1 - 7 m, chiều rộng dưới 1 mm.

Ngoài ra, trên suốt chiều dài đường hầm xuất hiện nhiều vết nứt trong kết cấu bê tông cốt thép theo phương ngang, xiên và dọc đường hầm, bề rộng vết nứt 1 - 2mm, dài 1 - 7m và lớn nhất là 12m, sâu trên 5mm.

Ông Phan Thái cho biết: Do điều kiện trang thiết bị kiểm tra còn hạn chế, các vết nứt này chỉ được kiểm tra theo dõi bằng mắt thường, vì vậy việc phát sinh và phát triển các vết nứt thì Khu quản lý đường bộ V đang tiếp tục theo dõi.

Khu quản lý đường bộ V cũng đã kiến nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam cử chuyên gia chuyên ngành kiểm tra cụ thể hiện trường để có biện pháp xử lý, sửa chữa kịp thời.

Công trình hầm đường bộ Hải Vân được khởi công xây dựng năm 2000 với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 250 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Hầm đường bộ Hải Vân là công trình dài nhất Đông Nam Á với chiều dài khoảng 6.280m xuyên qua đèo Hải Vân, nối liền TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quy mô công trình vĩnh cửu, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, tải trọng H30.

 Công Bính