Hầm đường bộ Hải Vân đang là cái...ống khói
Đã có hành khách ngất xỉu khi xe khách bị hỏng trong hầm (chưa xác định nguyên nhân). Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy sự ô nhiễm môi trường trong đường hầm đã đến mức đáng lo ngại. "Lạnh lưng" hơn, khi được biết đến nay vẫn không có thiết bị đo đếm, định lượng về mức độ ô nhiễm môi trường tại công trình thế kỷ này...
Đường hầm là... ống khói!
Gần 6,3km xuyên hun hút trong lòng núi, hầm đường bộ Hải Vân không chỉ là một trong những công trình lớn, quan trọng, ghi dấu son của ngành giao thông mà còn là một kỳ quan ở Việt Nam.
Háo hức được qua hầm là tâm lý chung của số đông người dân. Nhưng thực tế hiện nay, qua hầm bằng ôtô khách (không có điều hoà không khí) là điều khủng khiếp đối với hành khách. Trực quan, đường hầm không còn là "xa lộ ánh sáng" trong lòng núi, như những ngày đầu vận hành. Gần 3km phía cửa nam, khói bụi đã bám đen ngòm, vàng ố. Không khí ngột ngạt vô cùng.
Nói như ông Phạm Thế Kỷ - Phó Giám đốc XN quản lý khai thác hầm Hải Vân (Hamadeco): "Đường hầm, thực tế là cái ống khói...". Với lưu lượng trung bình 143 xe/giờ và gần 300.000 lượt xe qua hầm kể từ ngày vận hành (5.6.2005) đến nay, cái "ống khói" ấy càng đậm đặc độ ô nhiễm.
Được biết, từ khi "tránh" được 22km đường qua đèo cao, quanh co, nguy hiểm, hầu hết các xe tải đều tăng tải trọng gấp bội, khi qua hầm với độ dốc 2,5% đã xịt khói đen ngòm. Không chỉ trong hầm, mà ngay cửa hầm phía nam, lớp bụi, khói đen phủ kín cả bảng hướng dẫn giao thông, cây xanh... Mặt khác, số lượng xe quá hạn sử dụng, lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường vượt quá mức cho phép hiện nay là phổ biến nên tình trạng ô nhiễm ở đường hầm là đáng báo động.
Hành khách Huỳnh Anh, trú quận Hải Châu (Đà Nẵng) kể: "Thật xui xẻo khi tôi qua hầm trên một xe khách cà tàng, đến giữa hầm thì chết máy. Có ít nhất 6 người đồng loạt ngất xỉu, trong khi chỉ mất 20 phút chờ xe cứu hộ kéo ra khỏi hầm. Không ai giải thích nguyên nhân của hiện tượng ngất xỉu này".
Cá biệt, có trường hợp lái xe cũng bị ngất xỉu khi qua hầm (trong tháng 7/2005). Được biết, mỗi ngày, Hamadeco đã bỏ ra 1 giờ (3-4 giờ sáng) để vệ sinh hầm, chủ yếu là chùi rửa vòm hầm, mặt đường, các thiết bị vận hành khác, nhưng vẫn không khắc phục kịp tình trạng bụi khói ô nhiễm vấy bám.
Chưa xác định được mức độ ô nhiễm
Khẳng định của một quan chức Khu quản lý đường bộ 5, thì tình trạng ô nhiễm môi trường trong đường hầm là có thật. Song mức độ ô nhiễm thế nào thì chưa xác định được, bởi hiện nay, ngoài hệ thống thông gió, thiết bị đo đếm nồng độ CO (carbon), tốc độ gió, trong đường hầm không hề có bất cứ thiết bị nào để xác định các khí chất gây ô nhiễm môi trường như máy đo lưu huỳnh, phốtpho, chì...
Các trường hợp ngất xỉu trong hầm chưa được thống kê đầy đủ, không được lập biên bản, khám nghiệm nên chưa thể kết luận được nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp ngất xỉu xảy ra khi đi xe không có máy lạnh, không đóng cửa kính.
Theo ông Đào Ngọc Hùng - Phó GĐ Khu quản lý đường bộ 5, "đơn vị này đã có công văn báo cáo Cục Đường bộ, trong đó có kiến nghị sớm được trang bị các phương tiện đo đếm, xác định nồng độ các chất, khí thải gây ô nhiễm môi trường và phương án xử lý". Ngoài ra còn đề nghị công an tăng cường lực lượng an ninh, giám sát chặt chẽ hơn các phương tiện qua hầm.
Hiện nay, Hamadeco chỉ vận hành hầm, kiểm soát tốc độ, khổ xe... Nếu có xe chở thuốc nổ mà phủ kín bạt, thì cũng khó phát hiện được. Nguy cơ cháy nổ trong hầm là đáng lo ngại. Hiện chỉ có hai nhóm cảnh sát giao thông, không thể kiểm soát các trường hợp phức tạp đến thế. Trước mắt, Khu quản lý đường bộ 5 kiến nghị, Cục Đường bộ, công an tăng cường xử lý các xe quá tải, quá hạn sử dụng, thải khói bụi... quá mức cho phép, để cho đi đường đèo.
Ngoài tình trạng ô nhiễm đáng lo ngại trong đường hầm, việc thiếu các thiết bị cứu thương, cứu hộ chuyên dụng trong hầm hiện nay cũng là nguy cơ mất an toàn. Cũng theo ông Phạm Thế Kỷ, hiện chỉ có 7 trên tổng số 16 đầu xe chuyên dụng phục vụ cứu thương, cứu hộ. Hơn 100 trường hợp ôtô chết máy trong hầm (kể từ ngày vận hành đến nay), Hamadeco đều phải đi thuê xe cẩu từ bên ngoài. Đây cũng là khó khăn lớn của Hamadeco.
Theo Lao động