Hầm chứa vũ khí ở TPHCM nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đến thăm
(Dân trí) - Căn hầm trong ngôi nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) từng là nơi cất giấu vũ khí của biệt động Sài Gòn. Năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghé thăm căn hầm bí mật này.
Năm 2018, nhân chuyến công tác tại TPHCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghé thăm hầm chứa vũ khí đánh Dinh Độc Lập năm 1968. Đây là căn hầm bí mật của gia đình ông Trần Văn Lai (bí danh Mai Hồng Quế) tại quận 3, TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).
Tiếp đón Tổng Bí thư là bà Năm Lai cùng các con cháu. Ngoài ra còn có ông Bảy Hôn (tức Phan Văn Hôn), chiến sĩ biệt động từng tham gia cuộc tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân.
Tại đây, Tổng Bí thư thăm hỏi sức khỏe của gia đình bà Năm Lai (Đặng Thị Thiệp), người tham gia đào căn hầm di tích tại nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (Ảnh: Hữu Khoa).
Tổng Bí thư được xem nhiều loại vũ khí trong hầm chứa vũ khí của lính biệt động Sài Gòn (Ảnh: Hữu Khoa).
Tổng Bí thư thắp hương trong hầm chứa vũ khí (Ảnh: Hữu Khoa).
Tổng Bí thư thăm hỏi sức khỏe các nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 và cán bộ quận 3 (Ảnh: Hữu Khoa).
Bút ký Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong dịp ghé thăm hầm chứa vũ khí của lính biệt động Sài Gòn (Ảnh: Hữu Khoa - Nam Anh).
Hầm chứa vũ khí tại số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) là chứng tích mang đậm dấu ấn kiên cường, dũng cảm của lực lượng biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước (Ảnh: Nam Anh).
Ít ai biết rằng, bên trong căn nhà nhỏ nằm giữa lòng thành phố từng là nơi cất giấu gần 2 tấn vũ khí để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào Xuân Mậu Thân 1968 (Ảnh: Nam Anh).
Năm 1965, ông Trần Văn Lai (hay còn gọi là Năm Lai) vừa làm việc trên danh nghĩa thầu khoán Năm U-Som tại Dinh Độc Lập, vừa hoạt động bí mật trong lực lượng biệt động Sài Gòn, đã mua lại căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) và cải tạo thành một hầm vũ khí bí mật để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ông Trần Văn Lai đào căn hầm bí mật. Để tránh bị phát hiện, đất sau khi đào được bỏ vào thùng carton chuyển lên ô tô đưa đi. Sau 7 tháng đào, căn hầm dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m đã được hoàn thành (Ảnh: Nam Anh).
Căn hầm này đã cất giấu gần 2 tấn vũ khí, từ thuốc nổ, lựu đạn đến súng, B40 cùng hàng nghìn viên đạn các loại (Ảnh: Nam Anh).
"Đây là lần đầu tiên em đến đây, ngay khi bước vào căn nhà cũng như được thấy và trải nghiệm chui xuống hầm giấu vũ khí em rất khâm phục và biết ơn những chiến sĩ biệt động xưa đã vượt qua gian khổ để có được hòa bình như hôm nay", Lê Ngọc Bảo Hân (ngụ quận 3) chia sẻ (Ảnh: Nam Anh).
Ông Jim Bell (74 tuổi, du khách người Ireland) khá bất ngờ về căn hầm chứa vũ khí được đào cách đây hàng chục năm tại TPHCM.
"Tôi thực sự rất cảm phục những người đã hy sinh để đổi lại đất nước xinh đẹp và thịnh vượng như ngày hôm nay", ông Jim Bell nói (Ảnh: Nam Anh).
Nhiều hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được treo trang trọng trong căn hầm chứa vũ khí (Ảnh: Nam Anh).
Ông Trần Vũ Bình (con trai ông Trần Văn Lai) kể lại kỷ niệm Tổng Bí thư ghé thăm hầm chứa vũ khí.
"Tôi vẫn nhớ như in ngày bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm hầm chứa vũ khí, là một vị lãnh đạo đứng đầu cả nước thế nhưng bác rất giản dị và gần gũi với mọi người. Bác đã chia sẻ và động viên chúng tôi phải làm tốt hơn nữa việc gìn giữ và bảo tồn những di sản, thành quả của các cô chú trong lực lượng biệt động Sài Gòn", ông Bình nói (Ảnh: Nam Anh).
Đứng trước những bức ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Huỳnh Văn Cang (hay còn gọi là Tư Cang) không khỏi xúc động.
"Hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, tôi rất buồn. Tổng Bí thư là một người lãnh đạo tài tình, là điểm tựa vững chắc cho nhân dân, đất nước", ông Cang chia sẻ (Ảnh: Nam Anh).
Năm 1988, căn nhà được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, mang tên "Hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968" (Ảnh: Nam Anh).