1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Các tỉnh thành huy động tổng lực chống bão, Bạch Long Vỹ đã có gió lớn

(Dân trí) - Để phòng chống cơn bão số 4 được dự báo là diễn biễn phức tạp, các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn TP Hải Phòng đã có kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thanh Hóa, Thái Bình cũng đang khẩn trương ứng phó với bão số 4.

Tàu thuyền được đưa lên bờ (ảnh minh họa)
Tàu thuyền được đưa lên bờ (ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão và chỉ đạo, khẩn trương tổ chức di dời dân tại các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, các chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn, hoàn thành trước 12 giờ ngày 16/8/2018. Cấm các phương tiện vận chuyển hành khách trên sông, biển kể từ 12 giờ ngày 16/8/2018.

Thông tin từ huyện Bạch Long Vĩ sáng nay (16/8) cho biết, từ chiều tối ngày 15/8, tại khu vực đảo đã có gió cấp 7, sóng lớn, đôi lúc có mưa.

Xác định đây là cơn bão có diễn biến phức tạp nên ngay từ ngày 14/8, huyện đã huy động tối đa người, phương tiện cho công tác phòng chống bão. Cụ thể, lên phương án sơ tán các hộ dân ở khu 32 gian làng cá, đưa 106 tàu cùng 516 lao động vào tránh bão trong âu cảng… Đồng thời huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thường trực 24/24 giờ.

Tại huyện Cát Hải, lãnh đạo huyện cũng đã trực tiếp kiểm tra, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị gọi phương tiện, tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn. Đồng thời tại các khu tránh trú phải tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện khi neo đậu, thực hiện việc kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và duy trì liên lạc thường xuyên nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Trước đó vào ngày 15/8, để ứng phó cơn bão số 4, các địa phương thuộc thành phố cũng đã có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, lực lượng vũ trang trên địa bàn, sẵn sàng huy động hơn 42.000 người xung kích hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó hơn 1.000 ô tô các loại, 264 tàu, xuồng, 199 máy phát điện, 1.300 tấn lương thực, 41.000 thùng mì tôm, 15.000 thùng nước đóng chai, 1 triệu bao tải và nhiều phương tiện, vật tư khác cũng được huy động để phòng, chống bão số 4.

Trong sáng ngày 15/8, Bộ đội biên phòng TP Hải Phòng đã kiểm đếm, thông báo cho 2.832 phương tiện, 450 lồng bè, 299 chòi canh đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh bão.

Thanh Hóa: Yêu cầu hoãn họp chuẩn bị ứng phó bão số 4

Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành, huyện, thị xã, thành phố... theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Quảng Xương và phê bình chủ tịch huyện này không dừng họp để triển khai công tác phòng chống bão.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Quảng Xương và phê bình chủ tịch huyện này không dừng họp để triển khai công tác phòng chống bão.

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Tổ chức, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè và chòi canh nuôi trồng thuỷ sản; các công việc trên phải hoàn thành xong trước 18h ngày 16/8/2018.

Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối vói các hoạt động du lịch và lồng bè, ao nuôi trồng thủy, hải sản ven biển và trên đất liền.

Chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án lớn đang thi công, kho tàng,

Các huyện miền núi kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cắm biển cảnh báo và tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở; nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.

Liên tục cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp. Đối với các hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn.

Tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn
Tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn

Riêng hồ Cửa Đạt yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Sông Chu theo dõi chặt chẽ lượng mưa về hồ để quyết định vận hành xả nước hồ xuống dưới cao trình (+105) m. Chủ hồ bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó bão số 4.

Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xuống các địa bàn được phân công phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Thái Bình: Lên phương án di dân

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 16h ngày 15/8, còn tổng số 1.239 tàu, thuyền với 3.608 ngư dân đang làm ăn trên biển. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm.

Toàn tỉnh hiện có 1.153 chòi ngao với 1.268 lao động canh coi; 1.216 đầm với 1.907 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà.

Ngoài ra, còn có 4.229 hộ dân với 15.249 người sinh sống ngoài đê chính, 7.731 hộ với 17.236 người sống trong nhà yếu cần di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ.

Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã gieo cấy được 79.444ha lúa mùa; diện tích cây màu hè đã trồng khoảng 8.675ha; diện tích cây màu hè đã thu hoạch khoảng 1.230ha.

Neo đậu tàu thuyền tránh bão số 4
Neo đậu tàu thuyền tránh bão số 4

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 4, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc và Nam Thái Bình đã bố trí lực lượng thường trực 24/24, tranh thủ mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân, hạ mực nước trên các trục tiêu, kịp thời tiêu nước đệm, phòng, chống ngập úng do mưa lớn và hoàn lưu sau bão.

Bên cạnh đó, việc khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng phục vụ tiêu khi có mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp… cũng được thực hiện sát sao.

Khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu vào trong đê chính; không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ.

Các huyện, thành phố chủ động rà soát các phương án di chuyển nhân dân ở các nhà yếu, nhà tập thể, bệnh xá, trường học không bảo đảm an toàn đến nơi kiên cố an toàn. Kiểm tra, rà soát, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng, bè, trang trại trên bãi sông, ven sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Công ty Điện lực Thái Bình chủ động cung cấp điện và tu sửa kịp thời sự cố về điện, sẵn sàng phục vụ bơm tiêu túng.

An Nhiên - Duy Tuyên - Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm