1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hai lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Báo Lao Động

Một ngày cuối năm 1946, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam Võ Nguyên Giáp đến tòa soạn Báo Lao Động ở 51 phố Hàng Bồ, Hà Nội.

Hai lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Báo Lao Động

Đại tướng chụp ảnh lưu niệm với Báo Lao Động. Từ trái sang: Lê Thụ - Chánh Văn phòng báo; Đại tá trợ lý của Đại tướng; TBT Phạm Huy Hoàn; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Phó TBT Trần Đức Chính; Đại tá Duy Đức - Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô; BTV Báo Lao Động 

 

Từ trên sân thượng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát địa hình 36 phố phường để bài binh bố trận cho cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm bắt đầu từ giữa lòng phố cổ thủ đô.

 

Ngôi nhà 51 Hàng Bồ được tự vệ công nhân Hà Nội chiếm đóng từ ngày cướp chính quyền 19/8/1945. Ban Công vận và Xứ ủy Bắc kỳ của Đảng làm việc ở đây cùng với tòa soạn Báo Lao Động - cơ quan của Hội Công nhân cứu quốc (sau đổi thành Tổng LĐLĐVN). Lúc đó Báo Lao Động (bộ mới) đang in số 42, khổ như tờ Lao Động Cuối tuần hiện nay, số lượng in 10.000 bản, phát hành toàn quốc.

 

Lúc này, Nam Bộ đã kháng chiến, tờ Lao Động miền Nam do các đồng chí Nguyễn Lưu, Lý Chính Thắng phụ trách đã đổi tên là “Cảm tử” in từ Bà Điểm - Hóc Môn chuyển vào mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn để động viên công nhân, chiến sĩ kháng chiến.

 

Tòa soạn Báo Lao Động cũng đang vận chuyển máy in và tòa soạn lên chiến khu để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến “Ba nghìn ngày không nghỉ”.

 

50 năm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc này đã thôi cầm quân, ông lại đến 51 Hàng Bồ, lần này để biểu dương tờ báo công đoàn Việt Nam đang đi đầu trong sự nghiệp đổi mới báo chí và thăm lại nơi từng là Sở chỉ huy Liên khu I của mặt trận Hà Nội - thành Hoàng Diệu hồi toàn quốc kháng chiến. Một sở chỉ huy đóng cùng với cơ quan của tờ báo công đoàn - một vinh dự và mốc son trong lịch sử Báo Lao Động, một tờ báo “Anh hùng Lao Động” ra đời từ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Ban Biên tập và phóng viên Báo Lao Động nhớ mãi hình ảnh vị “nguyên soái” già nhưng vẫn khỏe và vui. Cuộc thăm hỏi thân mật của Đại tướng - một người bên cạnh sự nghiệp cách mạng còn có nhiều năm viết báo (cả bằng tiếng Pháp) là Chủ tịch Hội Báo chí Bắc Kỳ thời kỳ trước 1945 - như tiếp thêm sức mạnh cho tờ báo công đoàn bước vào thời kỳ mới.

 

Theo Trần Đức Chính
 Lao Động