Hải Dương lý giải việc quy hoạch 10 sân golf
(Dân trí) - Coi bộ môn golf là phương pháp "ngoại giao mềm", việc phát triển sân golf là một trong những giải pháp thu hút các dự án đầu tư trong và người nước, đó là lý do Hải Dương quy hoạch tới 10 sân golf.
Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại.
Trong quy hoạch trên, định hướng tới năm 2030 Hải Dương có thêm khoảng 10 sân golf.
Sân golf giúp thu hút đầu tư
Để tìm hiểu vì sao Hải Dương lại quy hoạch nhiều sân golf như vậy, trong khi tỉnh này chưa phải là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế quá cao ở khu vực đồng bằng sông Hồng, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương.
Ông Tiến cho biết, ở thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn quan niệm rằng, bộ môn golf có gì đó vẫn xa xỉ, chỉ dành cho giới thượng lưu có tiền. Tuy nhiên, ở một số quốc gia trên thế giới và khu vực, golf đã trở thành bộ môn thể thao thông dụng và ai cũng có thể chơi.
Theo ông Tiến, tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc,… vào thời điểm có tuyết sẽ không chơi được golf, du khách sang Việt Nam du lịch và chơi golf. Nhu cầu người dân trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf rất cao.
Theo thống kê, hiện nay cả nước mới có khoảng 80 sân golf, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Các sân golf hiện tại luôn trong tình trạng "lấp đầy" khách chơi.
Hiện Hải Dương mới chỉ có 1 sân golf ở Chí Linh. Địa phương quy hoạch thêm 9 sân golf mới nhằm bắt kịp xu hướng, nhu cầu thực tế trong tương lai của bộ môn thể thao này.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đánh giá golf cũng đóng vai trò "ngoại giao mềm" trong việc thu hút đầu tư các dự án trong nước và nước ngoài.
Năm 2023, có hơn 1,8 triệu lượt du khách đến Hải Dương, tăng 46% so với năm 2022.
Năm 2023, du lịch Hải Dương thu hơn 800 tỷ đồng (tăng 46,6% so với năm 2022).
"Tôi lấy ví dụ, khi nghiên cứu đầu tư ở địa phương nào đó, bên cạnh nghiên cứu nhiều tiêu chí, địa phương nào có các điểm vui chơi giải trí để tái tạo sức lao động thì nhà đầu tư sẽ ưu tiên. Do đó, sân golf ở góc độ nào đó cũng đóng vai trò thu hút đầu tư cho tỉnh", ông Tiến nói.
Ngoài ra, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên các dự án phát triển kinh tế theo hướng xanh, thân thiện với môi trường; ông Tiến cho rằng phát triển sân golf là phù hợp với định hướng này; đồng thời tạo việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương.
Phóng viên đặt vấn đề, thực tế hiện nay Hải Dương vẫn chỉ là "thành phố đi qua" chứ chưa phải điểm đến của khách du lịch.
Ông Tiến thừa nhận và cho biết, Hải Dương nằm ở giữa tam giác kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Ba địa phương này đều hấp dẫn du khách hơn Hải Dương.
Theo ông Tiến, trong đề án phát triển du lịch của Hải Dương đã tính đến vấn đề này, "phấn đấu để câu nói "thành phố đi qua" sẽ đi vào dĩ vãng".
Quyết tâm thực hiện quy hoạch, đưa Hải Dương "cất cánh"
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng để Hải Dương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trong năm 2024 và đến hết nhiệm kỳ này, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh.
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ trong quy hoạch, tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường.