1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam sáp nhập bao nhiêu cấp xã?

Thế Kha

(Dân trí) - Dù không có cấp huyện nào thuộc diện sáp nhập nhưng tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam sẽ sắp xếp, sáp nhập rất nhiều đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.

Theo phân công của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao theo dõi 3 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa vừa chủ trì cuộc họp với đại diện 3 tỉnh này để nắm bắt kế hoạch thực hiện sắp xếp, sáp nhập huyện, xã trên địa bàn.

Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam sáp nhập bao nhiêu cấp xã? - 1

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Thủy).

Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh có diện tích hơn 930km2, tính đến hết ngày 31/12/2022 có dân số trên 1,4 triệu người.

Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 8 huyện là Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động và Ân Thi); 161 đơn vị hành chính cấp xã (14 phường, 8 thị trấn và 139 xã).

Theo phương án, trong giai đoạn 2023-2025 Hưng Yên không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; 35 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp và có 10 cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp.

Vì thế, số đơn vị hành chính cấp xã ở Hưng Yên thực hiện sắp xếp là 25 và sẽ có 20 đơn vị cấp xã hình thành mới sau sắp xếp (giảm 22 đơn vị do sắp xếp).

Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam sáp nhập bao nhiêu cấp xã? - 2

Ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên thông tin tại cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Thủy).

Trong khi đó, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương thông tin, địa phương có diện tích tự nhiên 1.668km2, dân số trên 2,1 triệu người.

Hiện nay, tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố Hải Dương và Chí Linh; thị xã Kinh Môn; 9 huyện gồm Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Nam Sách và Gia Lộc). Hải Dương có 235 đơn vị hành chính cấp xã gồm 47 phường, 10 thị trấn và 178 xã.

Dự kiến, Hải Dương không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có 38 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp (5 phường và 33 xã); có 23 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp; 5 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng do yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp; một xã thuộc diện đơn vị hành chính liền kề có điều chỉnh địa giới hành chính khi thực hiện sắp xếp.

Sau khi sắp xếp cấp xã, tỉnh Hải Dương sẽ giảm 28 đơn vị hành chính (gồm 1 phường và 27 xã).

Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam sáp nhập bao nhiêu cấp xã? - 3

Trung tâm thành phố Hải Dương (Ảnh: Chinhphu.vn).

Còn đại diện UBND tỉnh Hà Nam phản ánh địa phương có diện tích tự nhiên gần 862km2, dân số hơn 1 triệu người. Hiện nay, tỉnh có 6 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và 4 huyện là Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục); 109 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 20 phường, 6 thị trấn và 83 xã).

Không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng tỉnh Hà Nam dự kiến 13 cấp xã thuộc diện sắp xếp; 2 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng do yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp và 8 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện đơn vị hành chính liền kề có liên quan khi thực hiện sắp xếp.

Đại diện tỉnh Hà Nam cho rằng, số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp sẽ giảm 11 đơn vị hành chính (gồm 1 phường và 10 xã).

Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam sáp nhập bao nhiêu cấp xã? - 4

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thông tin tại cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Thủy).

Tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam đều khẳng định đang tập trung xây dựng và thông qua Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 tại địa phương trước tháng 6, hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương trong tháng 8 tới.

3 tỉnh này cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào đề án để trình HĐND cấp xã, cấp huyện thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở đó, các tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nội vụ xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Lãnh đạo 3 tỉnh đều phản ánh khó khăn khi bố trí cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập. Trong khi người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay đang chờ chính sách cải cách tiền lương của Chính phủ.

Việc bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới cũng đang gặp nhiều hạn chế về công năng hạ tầng, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng đối với cán bộ, công chức và không thuận tiện cho nhân dân đến giải quyết thủ tục hành chính.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của 3 tỉnh và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, Trung ương trong tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Bà Hoa giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tổng hợp các vướng mắc của 3 tỉnh, bổ sung vào báo cáo gửi Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để sớm có giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp, kịp thời.