Hà Tĩnh sáp nhập huyện, xã: 20 trụ sở, 200 cán bộ dôi dư chưa giải quyết

Dương Nguyên

(Dân trí) - Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh giảm 46 xã, đến nay còn 20 trụ sở xã, hơn 200 cán bộ dôi dư chưa giải quyết. Đợt sắp xếp này, tỉnh này sẽ giảm 1 huyện và 5 phường, 2 thị trấn, 17 xã.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã ký văn bản về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh này để trình Bộ Nội vụ xem xét.

Vừa đạt chuẩn nông thôn mới, một huyện bị sáp nhập

Theo lộ trình đề ra, Hà Tĩnh sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện. Huyện bị sáp nhập là Lộc Hà (diện tích 116,97km2, dân số 105.094 người).

Tại huyện này, duy nhất xã Hộ Độ sẽ được sáp nhập vào thành phố Hà Tĩnh. 11 xã, thị trấn còn lại sẽ sáp nhập vào huyện Thạch Hà.

Hà Tĩnh sáp nhập huyện, xã: 20 trụ sở, 200 cán bộ dôi dư chưa giải quyết - 1

Một góc huyện Lộc Hà (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lộc Hà).

Huyện Lộc Hà được thành lập theo Nghị định số 20 ngày 7/2/2007 của Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập 7 xã của huyện Can Lộc và 6 xã của huyện Thạch Hà.

Ngày 6/2, huyện Lộc Hà được Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Với phương án sắp xếp trên, trong tương lai, huyện Lộc Hà sẽ không còn tên trên bản đồ.

Cũng theo lộ trình, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 14 xã giáp ranh liền kề thuộc các huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên.

Thành phố Hà Tĩnh cũng sẽ điều chỉnh, sáp nhập một số phường liền kề, đồng thời thành lập các phường mới trên cơ sở các xã Thạch Trung, Thạch Hạ, Đồng Môn và Thạch Hưng.

Hà Tĩnh sáp nhập huyện, xã: 20 trụ sở, 200 cán bộ dôi dư chưa giải quyết - 2

Thành phố Hà Tĩnh sẽ mở rộng địa giới trong giai đoạn 2023-2025 (Ảnh: Dương Nguyên).

Tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ thành lập xã mới tại huyện Hương Sơn trên cơ sở sáp nhập các xã Sơn Hàm và Sơn Trường; Sơn Long với Sơn Trà; Sơn Châu với Sơn Bình và một phần xã Kim Hoa;

Nhập toàn bộ xã Trung Lộc vào thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc; nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Phú Phong và một phần xã Hương Xuân, xã Phú Gia vào thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê; thành lập các phường Kỳ Nam, Kỳ Ninh thuộc thị xã Kỳ Anh; thành lập thị trấn huyện lỵ Kỳ Anh trên cơ sở xã Kỳ Đồng.

Ngoài ra, thị xã Hồng Lĩnh cũng thuộc trường hợp sắp xếp trong giai đoạn này, song Hà Tĩnh xin chuyển sang giai đoạn 2026-2030 mới thực hiện do điều kiện, tình hình thực tiễn rất khó khăn trong xây dựng phương án phù hợp. 

Về hiện trạng, tỉnh Hà Tĩnh có diện tích 5.994,45km, quy mô dân số hơn 1,6 triệu người. Tỉnh này có 13 đơn vị cấp huyện, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện.

Đợt sắp xếp này, tỉnh Hà Tĩnh sẽ giảm 1 đơn vị cấp huyện và giảm 5 phường, 2 thị trấn, 17 xã.

Theo đánh giá, đây là khối lượng công việc lớn, trong khi thời gian thực hiện gấp. Theo phương án này, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người lao động, trụ sở cơ quan, tổ chức dôi dư nhiều.

Nhiều vấn đề về trụ sở, cán bộ dôi dư chưa giải quyết dứt điểm

Trước đó, giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nhiều nhất, đã sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46 xã.

Từ việc sắp xếp trên, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, qua đánh giá, tổng kết và từ thực trạng tại địa phương, nhiều tồn tại, khó khăn đến nay chưa được xử lý dứt điểm như việc bố trí, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động và phương án giải quyết trụ sở dôi dư.

Cụ thể, việc xử lý cơ sở nhà, trụ sở làm việc ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp còn khó khăn do vướng quy định của Luật Quản lý tài sản công và Luật Đất đai; trình tự, thủ tục qua nhiều bước.

Hà Tĩnh sáp nhập huyện, xã: 20 trụ sở, 200 cán bộ dôi dư chưa giải quyết - 3

Trụ sở xã ở Hà Tĩnh bỏ hoang sau sáp nhập (Ảnh: Văn Nguyễn).

Nhiều trụ sở xã có vị trí không thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh nên khó đấu giá. Hiện, tỉnh Hà Tĩnh còn 136 cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng thực hiện theo phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trong đó có 20 trụ sở xã) chưa xử lý được.

Về nhân sự, Hà Tĩnh mặc dù đã bố trí, giải quyết trên 1.000 người dôi dư do sắp xếp thời gian vừa qua; tuy nhiên, đến nay còn 204 người, trong đó có 152 cán bộ, công chức và 52 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư của giai đoạn 2019-2021 tiếp tục phải sắp xếp.

Thời gian tới, khi thực hiện sắp xếp cho giai đoạn 2023-2025, số lượng cán bộ dôi dư tại tỉnh này tiếp tục tăng (cấp huyện dự kiến 200 người, cấp xã khoảng 210 người).

Sau sắp xếp, một số đơn vị hành chính cấp xã mới, nhất là các đơn vị được hình thành từ việc sáp nhập 3 xã nên gặp khó khăn trong việc bố trí trụ sở. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng làm việc và việc xử lý, giải quyết các giao dịch, thủ tục hành chính cho nhân dân trên địa bàn...

Từ thực tế đó, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách hỗ trợ đầu tư nguồn lực cho các đơn vị mới thành lập sau sắp xếp, nhất là các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện các thiết chế văn hóa nhằm bảo đảm các đơn vị mới thành lập có điều kiện thuận lợi hơn trước;

Đồng thời sớm cân đối, hỗ trợ nguồn kinh phí để tỉnh này có đủ nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025.