1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ Nội vụ phản hồi cử tri Bình Dương về đề xuất không sáp nhập xã

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi đến sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về đề xuất không sáp nhập xã thuộc TP Tân Uyên và TP Thuận An.

Ngày 23/3, theo thông tin từ Bộ Nội vụ, cử tri và nhân dân xã Thạnh Hội (TP Tân Uyên, Bình Dương) phản ánh vị trí địa lý, toàn bộ diện tích tự nhiên của xã là một cù lao, cách biệt hoàn toàn với các đơn vị hành chính còn lại của thành phố bởi sông Đồng Nai.

Xã Thạnh Hội có đặc thù về truyền thống lịch sử lâu đời, văn hóa, tôn giáo, phong tục, tập quán riêng biệt so với các đơn vị hành chính cấp xã còn lại của thành phố.

Bộ Nội vụ phản hồi cử tri Bình Dương về đề xuất không sáp nhập xã - 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Thanh Tuấn).

Kể từ năm 2005, Thạnh Hội được tái lập thành một xã riêng biệt và được lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ quan tâm. Đến nay, xã đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, tiếp cận các thủ tục hành chính cũng trở nên dễ dàng hơn so với trước đây.

Cử tri xã Thạnh Hội lo ngại việc sáp nhập xã cù lao này với đơn vị hành chính cùng cấp liền kề sẽ dẫn đến mất dần bản sắc, văn hóa, lịch sử, có khả năng mất ổn định về an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hơn nữa, việc đó có thể gây khó khăn cho người dân trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính.

Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét không sáp nhập xã Thạnh Hội với đơn vị hành chính cùng cấp khác ở TP Tân Uyên.

Bộ Nội vụ phản hồi cử tri Bình Dương về đề xuất không sáp nhập xã - 2

Xã Thạnh Hội là một cù lao, cách biệt hoàn toàn với các đơn vị hành chính còn lại của thành phố Tân Uyên bởi sông Đồng Nai (Ảnh: Wikipedia).

Trong văn bản vừa gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Bộ Nội vụ dẫn ra quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 nêu rõ các huyện, xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Với trường hợp xã An Sơn (thuộc TP Thuận An) và xã Thạnh Hội (TP Tân Uyên), Bộ Nội vụ nhấn mạnh "có yếu tố đặc thù theo quy định" nên tỉnh Bình Dương đã đề nghị không thực hiện sắp xếp.  

UBND tỉnh Bình Dương cũng đã giải trình, làm rõ yếu tố đặc thù này trong phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

"Bộ Nội vụ đang tổng hợp các trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có các yếu tố đặc thù nên các địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023 (trong đó có 2 xã của tỉnh Bình Dương) trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét", Bộ này trả lời cử tri Bình Dương.

Đang tổng hợp khó khăn, vướng mắc về sáp nhập xã

Cử tri tỉnh Thanh Hóa phản ánh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo các quy định hiện hành tương đối cao so với hiện trạng về diện tích tự nhiên, dân số. Khi sáp nhập, công việc phát sinh nhiều, cán bộ phải làm thêm ngoài giờ kể cả ngày nghỉ, ngày lễ dễ dẫn tới việc không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Ngoài ra, theo cử tri, việc sáp nhập xã hiện nay theo tiêu chí xã đồng bằng có quy mô diện tích 30km2 và dân số 8.000 người, không phù hợp. Để đáp ứng với trình độ quản lý của cán bộ cấp xã, cử tri đề xuất chỉ nên đưa tiêu chí diện tích từ 6-7km2 để phù hợp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo được sát với người dân

Bộ Nội vụ thông tin, Chính phủ đã giao các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Hiện Bộ Nội vụ (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025) đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương báo cáo Ban Chỉ đạo.

Đối với đề nghị sửa tiêu chí diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính xã thực hiện sắp xếp, Bộ Nội vụ cho biết khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016 đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn có yếu tố đặc thù.

Cụ thể, đơn vị hành chính nông thôn ở Đồng bằng sông Hồng được giảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên (bằng 70% mức quy định so với các xã ở vùng còn lại).

Đồng thời, theo Bộ này, tại Điều 3 và Điều 4 Nghị quyết số 35/2023 đã quy định các yếu tố đặc thù về quốc phòng, an ninh, có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.