Hà Tĩnh phản hồi đề xuất nhận chìm 3 triệu m3 chất thải xuống biển
(Dân trí) - Trước đề xuất xin khảo sát nhận chìm khoảng 3 triệu m3 chất thải nạo vét xuống biển, Hà Tĩnh yêu cầu Nhiệt điện Vũng Áng II thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt là sử dụng làm vật liệu san nền.
Ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã ký văn bản trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (viết tắt là VAPCO) liên quan đến vật chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II.
Yêu cầu thực hiện theo phương án làm vật liệu san nền
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu VAPCO thực hiện các nội dung liên quan theo đúng nội dung đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 132 ngày 15/1/2020 và thống nhất điều chỉnh phương án thi công nạo vét, san lấp mặt bằng.
Hà Tĩnh cũng yêu cầu VAPCO tập trung huy động các nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Trường hợp dự án bị chậm tiến độ do VAPCO có nhiều lần thay đổi phương án thực hiện đối với các nội dung liên quan, doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật và các nội dung đã ký kết.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao các đơn vị, địa phương, ban, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn VAPCO thực hiện theo đúng quy định.
"Các đơn vị, địa phương liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh nếu buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm, hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự và các sai phạm khác tại dự án", nội dung văn bản nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, xác nhận tỉnh này có văn bản phản hồi nêu trên. Cũng theo ông Hà, việc chấp thuận hay không đồng ý với đề xuất xin khảo sát vị trí nhận chìm khoảng 3 triệu m3 chất thải nạo vét thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Tĩnh, dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo ĐTM tại quyết định số 3055 ngày 8/10/2018, giao khu vực biển diện tích 60,27ha tại quyết định số 691 ngày 23/3/2023 để xây dựng và vận hành cầu dẫn, cầu cảng, vùng nước trước cầu, cảng và vùng quay trở tàu, hệ thống đường ống lấy nước làm mát, hệ thống đường ống xả nước làm mát.
Quá trình triển khai thực hiện dự án, VAPCO xin điều chỉnh phương án đổ vật liệu nạo vét từ nhận chìm ở biển sang thu hồi toàn bộ khối lượng vật liệu nạo vét để sử dụng làm vật liệu san nền.
Việc thay đổi phương án đổ vật liệu nạo vét này đã được Bộ TN&MT phê duyệt điều chỉnh báo cáo ĐTM tại quyết định số 132 ngày 15/1/2020 và thống nhất điều chỉnh phương án thi công tại văn bản số 3923 ngày 15/7/2021.
Thời gian qua, VAPCO đã thực hiện đổ vật liệu nạo vét lên bờ với khối lượng 248.900m3 tại các vị trí đã được chấp thuận.
Vì thế, Sở TN&MT đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu VAPCO đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục thực hiện thu hồi toàn bộ lượng vật liệu nạo vét từ kênh nhận nước làm mát, kênh xả nước làm mát và khu nước trước bến, khu quay tàu của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II bằng biện pháp thi công phù hợp để sử dụng làm vật liệu san nền đưa lên khu vực bãi đổ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Hết sức thận trọng
Trước đó, ngày 13/7/2023, VAPCO có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin khảo sát vị trí nhận chìm khoảng 3 triệu m3 chất thải nạo vét.
Cụ thể, vị trí nhận chìm được đề xuất thực hiện tại vùng biển Kỳ Anh với diện tích khoảng 100ha, cách bờ biển gần nhất 22km và độ sâu dự kiến 43m.
Đối với nội dung này, tại văn bản số 645 ngày 22/1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến, vị trí khu vực biển này đã từng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016.
Hoạt động nạo vét, nhận chìm có thể làm phát tán vật, chất tích tụ trong trầm tích, gây ô nhiễm môi trường nước biển xung quanh, làm suy thoái đa dạng sinh học, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, xung quanh khu vực biển đề nghị cấp phép để nhận chìm vật, chất nạo vét của VAPCO có một số hộ dân địa phương làm nghề khai thác thủy sản quy mô nhỏ, ven bờ.
Do vậy, việc triển khai dự án nạo vét và nhận chìm cần hết sức thận trọng để tránh những tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường nước biển, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản tại khu vực này.