1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội: Xây dựng "luồng xanh" để cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc… trong mọi tình huống.

Hà Nội: Xây dựng luồng xanh để cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống - 1

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều 19/7 (Ảnh: Thành Trung).

Ưu tiên bảo đảm an toàn cho người dân

Chiều 19/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành thành phố và đại diện doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn, về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Kết luận buổi làm việc, ông Quyền nhấn mạnh tinh thần trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải ưu tiên bảo đảm sự an toàn cho người dân, cho xã hội. Vì vậy, sau cuộc họp, các ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và các nội dung thảo luận, chia sẻ để triển khai cụ thể phương án của từng đơn vị.

"Người đứng đầu các đơn vị phải nhập vai vào tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn để chỉ đạo ngay từ đơn vị mình" - ông Quyền chỉ rõ.

Đối với ngành Nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý, các cơ quan liên quan cần tính theo lộ trình, dịch bệnh có thể tiếp diễn 14 ngày, một tháng hay nhiều hơn; cần tính toán ở bối cảnh cách ly thì ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất.

Từ đó sẽ xây dựng, rà soát lại ngành sản xuất, rà soát mùa vụ đang trồng loại rau sạch, củ quả nào; rà soát về gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất cho phù hợp. Tất cả phải theo tinh thần chủ động, tự cung, tự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất.

Đặc biệt, căn cứ thông tin tổng hợp các điểm bán hàng để phân phối, Sở Công Thương cần xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn; lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết…

Hà Nội: Xây dựng luồng xanh để cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống - 2

Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc… trong mọi tình huống (Ảnh: Mạnh Quân).

Doanh nghiệp khẳng định cung ứng đầy đủ hàng hóa trong mọi tình huống

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, từ khi dịch bệnh xảy ra vào năm 2020, ngành Công thương đã xây dựng 5 phương án, liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất thực tiễn.

Với Hà Nội, Sở này đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng một tháng với giá trị 21 nghìn tỷ đồng. Từ đó, Sở đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 và dự trữ từ đầu năm với khoảng 194 nghìn tỷ đồng. Do đó, suốt 7 tháng qua, dù diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Theo bà Lan, do có kinh nghiệm qua các đợt dịch, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ vận chuyển hàng hóa và bán hàng qua thương mại điện tử.

Đến thời điểm này, thuận lợi nhất là Hà Nội đang khống chế dịch tốt, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nên việc cung ứng hàng hóa đang thuận lợi. Các tỉnh phía Bắc có dịch, nhưng chưa lây lan mạnh nên sản xuất của địa phương mà Hà Nội lấy hàng vẫn ổn định. Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất, chế biến còn chưa hết công suất mới đạt 60%, nếu có nhu cầu có thể nâng lên 100%. Lưu thông hàng hóa vẫn thuận lợi.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội khẳng định, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kịch bản, làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp để có kế hoạch sản xuất; lưu tại kho của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp tại Hà Nội.

Đồng thời, từng điểm bán hàng cũng đang thực hiện trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân… Các doanh nghiệp khẳng định, sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn trong mọi tình huống.

Tiếp đó, đại diện các doanh nghiệp đề xuất được ưu tiên cho những lực lượng phục vụ người dân (nhân viên lái xe chở các mặt hàng thiết yếu, nhân viên phục vụ, bán hàng tại các cửa hàng) được tiêm vắc xin…