1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội trồng phong lá đỏ trên các tuyến phố

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội tin tưởng rằng, các tòa nhà cao tầng (trong đó có chung cư) được TP Hà Nội duyệt ở thời điểm cuối 2016 đầu năm 2017, trong vài năm nữa, khi khánh thành sẽ đúng như mô hình các tòa nhà ở Canada và châu Mỹ - tức là nóc các tòa nhà phải có cây xanh, hành lang được đặt các cây xanh phù hợp để làm xanh môi trường.

Tại Hội thảo về Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và bản sắc đô thị diễn ra ngày 13/1 ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, chủ trương phủ xanh thành phố và làm sạch diện tích mặt nước sông hồ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được thành phố rất quan tâm. Cụ thể, Hà Nội đã đề ra mục tiêu phấn đấu trồng mới 1 triệu cây xanh trong giai đoạn từ năm 2016-2020 và xây dựng 20-25 công viên, trong đó có 3-5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Chung: Trồng mới cây xanh là nhiệm vụ đã được thành phố đưa ra để xây dựng kế hoạch trong chương trình phát triển, kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Ông Nguyễn Đức Chung: "Trồng mới cây xanh là nhiệm vụ đã được thành phố đưa ra để xây dựng kế hoạch trong chương trình phát triển, kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020". (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ông Chung cho biết thêm, trồng mới cây xanh là nhiệm vụ đã được thành phố đưa ra để xây dựng kế hoạch trong chương trình phát triển, kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.

Thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng thêm nhiều diện tích mặt nước bằng cách làm thêm nhiều hồ nhân tạo. Hà Nội xác định xây dựng thêm nhiều công viên, khu vui chơi giải trí cho người dân, chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đô thị.

“Theo các nhà khoa học, trồng 1 cây xanh thì trong 2 năm đầu tiên sẽ cho được 3-5m2 cây xanh, sau 5 năm sẽ có từ 15-18m2 cây xanh, sau 10 năm sẽ có từ 25-30m2 cây xanh, tức là tán cây phát triển ra sẽ đáp ứng được như vậy. Nếu chúng ta trồng đủ 1 triệu cây mới, đến năm 2020, ít nhất chúng ta được 15-20 triệu m2 cây xanh, như vậy chia cho 7,5 triệu người dân của Hà Nội thì chúng ta sẽ có bình quân 2,5m2 cây xanh/người” – ông Chung cho biết.

Cũng theo ông Chung, chính sự quyết tâm đó của thành phố về vấn đề cây xanh nên từ giai đoạn cuối năm 2016 và đầu năm 2017, tất cả các dự án xây dựng nhà cao tầng, các khu đô thị thành phố đều quy định rõ đối với chủ đầu tư về các chủng loại cây, kích thước cây và phải có các thiết kế chỗ nào là cây xanh, chỗ nào là vườn hoa rất rõ ràng và được phê duyệt một cách nghiêm túc.

“Chúng tôi khuyến khích các tòa nhà, trong đó không gian các tầng, không gian nóc trồng mới các cây xanh” – ông Chung cho biết.

Trồng phong lá đỏ trên một số tuyến phố Hà Nội

Người đứng đầu TP.Hà Nội cho biết, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, hoàn toàn cho phép Thủ đô trồng được đa dạng nhiều loại cây xanh và các loài hoa.

Ông Chung cho biết, việc phát triển cây xanh – mặt nước là một ngành kinh tế, nếu làm tốt sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân. Trên thế giới bây giờ đã hình thành các ngành kinh tế trồng cây và trồng hoa. Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều viện nghiên cứu và đã tạo ra các giống hoa, giống cây mà đáng lẽ chỉ trồng được ở các thành phố có khí hậu ôn đới, thì giờ đã trồng được ở cả những thành phố có khí hậu nhiệt đới như ở Hà Nội.

Cây phong lá đỏ được Hà Nội trồng thử nghiệm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ. (Ảnh: Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội).
Cây phong lá đỏ được Hà Nội trồng thử nghiệm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ. (Ảnh: Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội).

“Hà Nội đang trồng cây phong lá đỏ ở trên đường Nguyễn Chí Thanh và đường Láng Hạ. Khoảng một năm nữa chúng ta hoàn toàn có thể “nhiệt đới hóa” được cây phong này. Những cây phong trồng ở Hà Nội đem màu sắc của châu Âu tới thủ đô” – ông Chung nói.

Nguyễn Dương